Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đột ngột thông báo, yêu cầu nhiều bệnh viện (BV) hoàn trả khoản chênh lệch tiền thuốc mà người bệnh đã sử dụng… cách đây ba năm; khiến các BV than trời vì bỗng dưng mắc nợ BHXH hàng tỷ đồng; trong khi trước đó giá thuốc đã được Sở Y tế phê duyệt.
Chậm tổ chức đấu thầu
“Do Sở Y tế TP.HCM chậm tổ chức đấu thầu nên các BV đã mua thuốc theo giá trúng thầu cũ để phục vụ người bệnh. Đến nay, BHXH Việt Nam đột ngột buộc các BV hoàn trả khoản tiền chênh lệch vì giá thuốc gia hạn của gói thầu cũ mắc hơn so với giá thuốc trúng thầu ở các tỉnh giáp TP.HCM (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Việc thu lại khoản chênh lệch giữa giá thuốc mua vào của năm 2012 so với giá đấu thầu mới năm 2013 là không hợp lý”, trưởng khoa dược của một BV tuyến cuối tại TP.HCM bức xúc. Năm 2013, lần đầu tiên cả nước thực hiện đấu thầu thuốc tập trung tại các sở y tế, chấm dứt việc đấu thầu riêng lẻ ở từng BV.
|
Sở Y tế TP.HCM chậm đấu thầu thuốc, BV gặp khó |
Tại TP.HCM, tháng 3/2013, Sở Y tế chưa đủ nhân lực triển khai việc này nên các BV rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Do đó, UBND TP và Sở Y tế đã có công văn cho phép các BV tiếp tục gia hạn, mua thuốc theo giá trúng thầu cũ (năm 2012, do BV tự tổ chức đấu thầu). Việc mua thuốc được phép kéo dài đến hết tháng 6/2013 (thời điểm Sở dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu tập trung). Đến tháng 6/2013, Sở Y tế vẫn chưa thực hiện được việc đấu thầu tập trung, các BV lại thiếu thuốc nên chủ động “gom hàng” cho cả năm 2013.
Vị trưởng khoa dược này cho biết thêm: “Tại BV tôi công tác, mỗi ngày có trên 3.000 người đến khám. Tính sơ bộ tiền thuốc chênh lệch trong sáu tháng cuối năm 2013, BV đã phải hoàn trả cho BHXH gần 3,7 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều loại thuốc chênh lệch “khủng” như: kháng sinh, tim mạch, tiểu đường… Đơn cử mặt hàng thuốc tim mạch chứa hoạt chất clopidogrel (do Việt Nam sản xuất, dùng cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch), BV tính theo giá cũ năm 2012 là 6.290đ/viên, nhưng giờ BHXH lại đem giá này so sánh với kết quả đấu thầu tập trung năm 2013 do Sở Y tế tỉnh Bình Dương tổ chức là 4.950đ/viên. Như vậy, BV đã mua mắc hơn khoảng 1.300đ/viên. Quy ra mỗi tháng, BV phải trả lại cho BHXH chỉ riêng mặt hàng thuốc Clopidogrel là 201 triệu đồng”.
Đại diện một BV tuyến cuối khác cũng than trời: “Tính riêng thuốc Paracetamol do Ấn Độ sản xuất, loại 6.800đ/viên, một tháng BV đã nợ BHXH gần 250 triệu đồng. Hay như dung dịch Natri Clorid 0,9% 500ml sodium của Công ty dược Mekophar sản xuất, giá 10.498đ/ chai cũng bị truy thu khoảng 3,5 triệu đồng/tháng”. Ngoài ra, một số thuốc Đông y trong nước sản xuất như: ho trẻ em, Cao ích mẫu (Công ty cổ phần dược phẩm OPC) cũng bị yêu cầu hoàn trả chi phí chênh lệch tương tự.
Bảo hiểm xã hội không sòng phẳng
Trước đó, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc phối hợp đề nghị các BV trên cả nước hoàn trả khoản tiền thuốc chênh lệch các BV đã mua với giá cao hơn so với giá trúng thầu tập trung. Trong công văn gửi BHXH Việt Nam, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:
Việc đấu thầu tập trung là do Sở Y tế tỉnh/ thành tổ chức, có hiệu lực từ ngày 1/6/2012. Tuy nhiên, trong năm 2013 vẫn còn đến 29 tỉnh/thành không thực hiện đấu thầu mua thuốc theo quy định mà được UBND tỉnh hoặc Sở Y tế cho phép kéo dài kết quả đấu thầu cũ của năm 2012 để mua thuốc.
Vì lỗi đấu thầu chậm trễ, Bộ đề nghị UBND tỉnh/thành chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan (cụ thể là các BV) phải thanh toán chi phí thuốc chênh lệch. Giá thuốc chênh lệch này được tính dựa trên việc so sánh giữa giá thuốc gia hạn năm 2012 với giá thuốc thấp nhất của một trong các tỉnh giáp ranh với TP.HCM.
Không bằng lòng với cách tính của BHXH, giám đốc một BV cho rằng: “Nếu các BV chờ đấu thầu tập trung, không chủ động mua thuốc vào thời điểm đó thì sẽ không có thuốc điều trị cho người bệnh. Chất lượng điều trị kém thì bệnh nhân “gánh” trực tiếp, chứ không phải BHXH hay Sở Y tế. Dù đến tháng 11/2013, Sở Y tế có cho các BV áp thầu giá thuốc của BV Chợ Rẫy, nhưng nhiều BV vẫn thiếu thuốc vì công ty trúng thầu cho BV Chợ Rẫy không thể cung ứng cùng một lúc cho nhiều BV trên toàn TP.HCM. Mặt khác, BV Chợ Rẫy thuộc hạng đặc biệt nên nhiều loại thuốc không phù hợp với tuyến dưới, các BV phải tiếp tục gia hạn theo giá thuốc cũ”.
Một dược sĩ đặt vấn đề cụ thể: “Nếu BHXH đã tính thì phải tính cho sòng phẳng. Với những thuốc các BV tại TP.HCM mua giá cao hơn các địa phương thì BHXH truy thu; nhưng với những mặt hàng thuốc mua giá thấp hơn, sao BHXH không trả lại tiền cho BV? Ví dụ, thuốc Tarceva 150mg (Erlotinib) trị ung thư phổi là 891.614đ/viên, trong khi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai trúng thầu gần 1,4 triệu đồng/viên; thuốc Econazol 150mg (chống nấm âm đạo) BV này mua cũng có giá thấp hơn nhiều so với giá thuốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã trúng thầu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các BV tại TP.HCM đã dùng khá nhiều loại thuốc có giá rẻ hơn các tỉnh lân cận. Đơn cử như thuốc kháng sinh Invanz inj ertapenem sodium 1g của Pháp, dùng điều trị nhiễm khuẩn, giá 502.200đ/ lọ, còn ở Đồng Nai là 552.421đ/ lọ. Hay thuốc bổ (hoạt chất Calci glucoheptonat 500mg + vitamin D2 200 IU + 30mg vitamin C + 20mg vitamin PP) do Việt Nam sản xuất, giá 1.980đ/viên, nhưng Đồng Nai đến 2.480đ…
Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao ngay thời điểm gia hạn thầu, BHXH không đề nghị các BV ngưng nhập thuốc và nhanh chóng có giải pháp phù hợp? Trước tình hình “nóng” này, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ có buổi họp với BHXH TP.HCM để tìm cách gỡ vướng cho các BV.
Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Phụ Nữ, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: đây là vấn đề không còn gì phải bàn cãi vì đã được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất thông qua. Lỗi ở đây là do Sở Y tế chậm đấu thầu.
Văn Thanh