TP.HCM sẽ tiếp tục ngập diện rộng

27/09/2016 - 23:13

PNO - Chiều qua 27/9, dù mưa không quá lớn nhưng nhiều hộ dân một số khu vực ở Q.2, Q.Bình Thạnh, Q.6, Q.Bình Tân vẫn vật vã chống chọi khi nước tràn vào nhà.

Ám ảnh kinh hoàng chuyện “chôn chân” trong biển nước chiều 26/9, nhiều người vội vã về nhà sớm, nhưng không tránh khỏi tình trạng xe chết máy, kẹt đường...

Còn nhiều đợt ngập nặng

18g ngày 27/9, nhiều con hẻm trên đường Hồng Bàng (Q.6) bị nhấn chìm, một cây me bị bật gốc, người đi đường may mắn tránh kịp. Tại Công viên 23/9 (Q.1), nhiều cây xanh gãy đổ, quật ngã các trụ điện, đè lên ô tô. Đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), nhiều đoạn ngập hơn 30cm.

Chị Trần Thị Thanh Hiền (26 tuổi, công nhân tại KCN PouYen) cho hay: “Hôm qua, tôi phải dắt xe máy trong mưa gần hai cây số mới tìm được nơi sửa xe. Hôm nay, sợ mẹ với con nhỏ ở nhà trọ nước ngập không biết chống chọi ra sao, tôi về sớm, nhưng lại bị ngập nước, xe chết máy”. Nhiều nhân viên văn phòng làm việc tại trung tâm TP, trở về khu vực Bình Tân, Tân Phú… cũng chịu cảnh tương tự.

Chiều tối, tại đường Kênh Nước Đen (Q.Bình Tân), nước tràn vào nhà, nhiều người phải dùng thau tát liên tục. Người dân cho biết, cơn mưa lớn chiều 26/9 khiến đoạn đường này bị ngập sâu hơn nửa mét, khi nước chưa rút hết thì dính tiếp cơn mưa chiều 27/9. Nhiều đoạn trên đường Tên Lửa, Kinh Dương Vương ngập khoảng 20 - 30 cm. Người dân trên đường Lâm Hoành (Q.Bình Tân) phải dùng bao cát chắn trước nhà để ngăn nước.

TP.HCM se tiep tuc ngap dien rong
Ảnh minh họa. Internet

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM (TTCN) cho biết, trận mưa chiều tối 26/9 làm 59 tuyến đường chìm trong biển nước, sâu từ 0,1m đến 0,5m. Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc TTCN, đây là trận mưa cực lớn, vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay.

Tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến, người dân lấn chiếm hệ thống thoát nước; cửa xả, kênh rạch chưa được xử lý triệt để và một số dự án thoát nước bị chậm tiến độ hoặc chưa triển khai.

Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủ y văn khu vực Nam bộ, trong những ngày cuối tháng 10, mực nước trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An sẽ vượt mức báo động 3, có thể gây nên một số đợt triều cường và ngập diện rộng trên địa bàn TP.

Nỗ lực chống ngập bằng nhiều biện pháp

TTCN cho biết sẽ tận dụng triệt để các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước. Hiện có ba trạm bơm có khả năng hỗ trợ thoát nước khi mưa to gồm: Trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Q.Bình Thạnh công suất 64.000 m3 /giờ , thu nước từ mạng cống thoát nước dọc kênh đưa về trạm bơm, giảm tải cho hệ thống thoát nước.

Trạm bơm Đồng Diều, Q.8 công suất 8.000 m3 /giờ , thu nước từ mạng lưới cống thoát nước một phần khu vực Q.1, 3, 5, 10 đưa về trạm bơm, không để nước đổ ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, góp phần giảm tải cho hệ thống thoát nước khu vực trung tâm TP. Trạm bơm Bình Hưng Hòa công suất 1.800 m3 /giờ thu gom nước từ thượng lưu kênh Nước Đen để đưa vào nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa.

Cũng theo TTCN, cơ quan này đang tích cực triển khai thi công 13/70 hạng mục công trình cấp bách như đấu nối, mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo một số đoạn cống làm thu hẹp dòng chảy tại các điểm ngập…

Ngày 27/9, Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, đến 14g cùng ngày lực lượng này vẫn tích cực hút nước để chống ngập tại hai điểm ngập là bãi xe trên đường Nguyễn Siêu (Q.1) và Trường CĐ Giao thông Vận tải (Q.Tân Phú).

Theo đánh giá sơ bộ của Cảnh sát PCCC TP, trận ngập ngày 26/9 không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, có 114 ô tô và 1.228 xe gắn máy bị ngập đã được lực lượng này bơm nước và cứu chữa kịp thời.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP chia sẻ: “Lực lượng cảnh sát PCCC luôn sẵn sàng, chủ động ứng phó trước mọi tình huống. Khi có tình trạng ngập úng hay mọi tình huống khác, chúng tôi sẽ triển khai lực lượng kịp thời để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân”.

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI