TP.HCM sẽ nắn lại 'đường đi' của rác

11/11/2019 - 09:17

PNO - TP.HCM đã chính thức áp dụng công nghệ đốt rác phát điện để giải quyết lượng rác thải sinh hoạt hơn 9.000 tấn/ngày, nhưng vẫn chưa giải quyết được những bất cập liên quan đến “đường đi” của rác.

Không quản được đường dây rác dân lập

Sau yên xe máy, xe ba bánh là thùng đựng rác đầy ứ, gắn lỉnh kỉnh các bao tải xung quanh là hình ảnh quen thuộc của những người thu gom rác dân lập, hiện chiếm hơn 60% số người thu gom rác.

Chia sẻ với chúng tôi về chiếc xe rác đã quá cũ của mình, anh Thạch Sanh - ở quận Tân Phú, có 7 năm làm thuê cho một chủ đường dây thu gom rác - cho biết: “Xe này tôi tự làm, khi nào cũ quá, không xài được thì thay”. 

Theo anh Sanh, tiền mua sắm vật liệu đóng xe, chi phí đi lại đều do anh tự lo. Mỗi ngày, anh vận chuyển khoảng 5-6 xe rác đầy ứ từ trong các khu dân cư ra đến điểm ép rác của dịch vụ công ích.

Ngoài mức lương 3 triệu đồng/tháng, anh không nhận thêm sự hỗ trợ nào từ chủ. Thu nhập chủ yếu của anh đến từ nguồn ve chai lượm trong rác; rủi ro nghề nghiệp, nếu có, đều tự mình gánh chịu.

Không thuê người thu gom rác, gần 20 năm nay, anh Nguyễn Thành Thuận - ở quận Bình Tân, chủ một đường dây rác dân lập - tự mình đi thu gom rác rồi chuyển đến điểm ép rác.

Anh Thuận kể, sau khi đến UBND phường đăng ký, anh được chỉ định thu gom rác tại một số tuyến hẻm thuộc phường Bình Hưng Hòa A, với hàng trăm hộ dân. Tổng số tiền thu từ các hộ, anh trích đóng lại cho phường 10%, còn phường không tác động gì cả.

Theo anh Thuận, không giống như anh, hầu hết chủ các đường dây rác bán lại đường dây cho chủ khác, hoặc thuê người thu gom. Dù là chủ theo cách gì, cũng đều hoạt động theo kiểu “tự thu tự chi”, không liên quan đến phường.

Việc thu gom, xử lý rác diễn ra theo quy trình: tiếp nhận, vận chuyển cho công ty dịch vụ công ích hoặc công ty môi trường đưa về các nhà máy xử lý rác. Đúng như họ thừa nhận, chính quyền phường, xã mặc kệ đường dây rác.

TP.HCM se nan lai 'duong di' cua rac
Anh Thuận cho biết, hoạt động theo cơ chế tự thu tự chi nên phương tiện liên quan thu gom rác đều do chủ hoặc người làm thuê trong đường dây rác tự đóng

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói, có nơi dường như chưa có sự quản lý, thậm chí không biết chủ các đường dây rác dân lập là ai, nên có khi, chỉ một con hẻm mà có tới hai đường dây thu gom rác. 

Ông Hoan khẳng định, để sắp xếp lại các đường dây rác dân lập, tới đây, chính quyền hướng đến sự thống nhất trong quản lý. Hiện, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ chuyển đổi hoạt động thu gom rác dân lập lên mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện đến năm 2025. 

Trong chương trình Lắng nghe và trao đổi sáng 10/11 về “Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình - thực trạng và giải pháp”, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết, sẽ có rất nhiều chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi pháp nhân, như hỗ trợ chi phí học tập cho con em người thu gom rác dân lập. 

Việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác đã có từ lâu, nhưng theo ông Thắng, chỉ đạt 6%, khó hoàn thành theo lộ trình của UBND TP.HCM do đang gặp khó về nguồn vốn (nguồn quỹ 300 tỷ đồng hỗ trợ cho việc chuyển đổi này hiện đã cạn).

Đổi cách phân loại, thu gom

Từ nhiều năm trước, chủ trương phân loại rác tại nguồn theo hướng vô cơ, hữu cơ được người dân TP.HCM đồng lòng hưởng ứng. 

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, họ lại trở về với thói quen gom thành một mối, cho tất cả rác thải vào chung bao, là do họ quá nản khi thấy rác do mình cất công phân loại bị người thu gom rác trộn lẫn, cho hết vào thùng, đưa đến điểm tập kết. 

Công nghệ đốt rác phát điện không yêu cầu phân loại chất thải đầu vào, nhưng theo UBND TP.HCM, việc phân loại rác tại nguồn rất cần thiết nên vẫn chủ trương tổ chức phân loại. 

Nhưng sắp tới, việc phân loại được điều chỉnh theo hướng phân thành hai nhóm: rác tái chế (giấy, bao ni-lông, chai nhựa) và rác còn lại. Nhóm rác còn lại được thu gom hằng ngày, còn rác tái chế sẽ thu gom vào một ngày nhất định trong tuần, sau đó chuyển giao cho nhà máy tái chế. 

Theo ông Võ Văn Hoan, đây là chủ trương tạo ý thức tiết kiệm trong dân, giảm thiểu tình trạng người thu gom rác, ve chai xới rác gây ô nhiễm môi trường. 

Ở chiều ngược lại, người dân sẽ được lợi với động lực kinh tế, gom giấy, chai nhựa, bịch ni-lông thành ký để quy đổi thành tiền. Việc quy đổi này do các công ty dịch vụ công ích đảm nhiệm.

Mặc dù vậy, nhiều người dân cho biết, không dễ để thực hiện việc trữ rác trong nhà, chờ ngày thu gom và quy đổi. Để rác không phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường sống của gia đình, đòi hỏi phải làm sạch rác. 

Căn hộ của vợ chồng anh Lộc ở chung cư Lạc Long Quân rộng 44m2; ngoài vợ chồng anh, còn có tám thành viên khác chung sống. Nghe chủ trương “quy đổi” này, anh Lộc nhăn nhó: “Chúng tôi còn không có chỗ ngủ, chỗ đâu mà trữ rác?”. 

Nhiều người dân vẫn băn khoăn: trong loại “rác còn lại”, có những vật dụng cồng kềnh (bàn ghế cũ, nệm cũ) lâu nay không ai chịu thu gom, phải tự mang đổ lén ra chỗ đất trống, sắp tới sẽ do ai gom? 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI