TP.HCM: Sẽ hết ngập nếu có thêm... 66.820 tỉ đồng

17/09/2015 - 13:38

PNO - Đó là ý kiến của ông Đỗ Tấn Long (Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước TP.HCM).

Thành phố sẽ hết ngập nếu có thêm… tiền đầu tư

Theo đó, qua trao đổi nhanh với phóng viên Phunuonline, ông Long nhận định, đến năm 2020, nếu mưa với vũ lượng lớn như hôm 15/9, thì thành phố hết ngập nếu như thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016-2020, với điều kiện, thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo.

TP.HCM: Se het ngap neu co them... 66.820 ti dong
Ông Đỗ Tấn Long chia sẻ thông tin với báo chí về cơn mưa lớn ngày 15/9. Ảnh: Vinh Sơn.

Ông Long cho biết thêm, theo khảo sát đo đạt cao độ diện tích TP.HCM thì có đến 63% diện tích cao độ nhỏ hơn 6,95 m. Tập trung ở các quận 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Bình Tân, Nhà Bè. Với địa hình thấp như vậy rất bất lợi cho hệ thống cấp thoát nước.

Đánh giá về những dự án lớn có đầu tư chống ngập, ông Long cho rằng các dự án đã phát huy tác dụng. Theo đó, phương thức ngập của những dự án này nhìn chung rất hạn chế ngập, thường chỉ ngập trong mưa, sau khi hết mưa sẽ hết ngập.

Trong báo cáo tóm tắt giải quyết ngập khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu của UBND TP công bố vừa qua (7/72015), hiện thành phố đang thực hiện song song 2 quy hoạch chống ngập nước là: 752 và 1547.

Ông Long diễn giải, quy hoạch 752 tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước cho khu vực trung tâm: vùng Bắc, Đông Bắc, đông nam và tây thành phố. Quy hoạch này cần 87.418 tỉ đồng. Trong đó đã có nguồn vốn là: 32.608 tỉ đồng, chưa có nguồn cần huy động là: 54.810 tỉ.

Đối với quy hoạch 1547 tổng kinh phí là 12.823 tỉ đồng, trong đó đã nguồn là 813 tỉ đồng, cần huy động là 12.010 tỉ đồng.

TP.HCM: Se het ngap neu co them... 66.820 ti dong
Theo ông Long, thành phố sẽ hết ngập nếu có thêm tiền đầu tư vào dự án chống ngập.

Như vậy, TP.HCM đang cần thêm 66.820 tỉ đồng để thực hiện việc chống ngập đến năm 2020.

“Nếu được thực hiện sẽ giải quyết được ngập cho khu vực rộng 550 km2 và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu người dân thành phố”, ông Long cho biết.

Xây hồ chống ngập

Theo đó, trao đổi với Phunuonline, Đại diện Phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM) cho biết, đến năm 2016 sẽ ưu tiên thực hiện trước ba hồ điều tiết Bàu Cát (Q.Tân Bình), Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và Khánh Hội (Q.4), tổng vốn đầu tư cho các dự án này khoảng 1.300 tỉ.

Theo Trung tâm chống ngập nước, xây hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát là dự án thí điểm hồ điều tiết ngầm đầu tiên của TP.

TP.HCM: Se het ngap neu co them... 66.820 ti dong
Người dân "be bờ" chống ngập trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) sau cơn mưa lịch sử ngày 15/9. Ảnh: Vinh Sơn.

Dự kiến chiều dài của hồ khoảng 125m, rộng 32m, sâu 2,5m, có khả năng trữ 10.000m3 nước mưa.

Hồ điều tiết có chức năng giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu: gần 76mm trong vòng ba giờ cho một lưu vực khoảng 20ha xung quanh khu vực Bàu Cát.

Hồ điều tiết Gò Dưa quy mô khoảng 24ha, chia làm ba hồ có kết nối với nhau, trong đó hai hồ quy mô 16,1ha xây dựng tại khu quy hoạch công viên văn hóa thể dục thể thao Tam Phú (P.Tam Phú).

Vùng lòng hồ được xác định nằm tại ngã ba rạch Gò Dưa và rạch Khuôn Việt. Hiện trạng nơi đây dân cư còn thưa thớt xen lẫn nhiều ao hồ, sát rạch Gò Dưa. Hồ còn lại quy mô 7,9ha nằm giữa rạch Gò Dưa, rạch Cầu Làng và rạch Lùng thuộc khu dân cư Hiệp Bình Chánh.

Để phát huy khả năng chống ngập khi gặp trường hợp bất lợi (mưa kết hợp triều cường cao), Trung tâm chống ngập còn đề xuất đặt hai trạm bơm tại cống Gò Dưa và cống Ông Dầu. Dự án này cũng được dự kiến xây dựng trong năm 2016.

Các vị trí còn lại được xác định xây dựng hồ điều tiết đều đã có quy mô cụ thể nhưng chưa xác định tiến độ thực hiện. Định hướng xây dựng hồ điều tiết là dựa tối đa vào diện tích mặt nước, sông rạch hiện hữu, không phải dự án nào cũng “đào hồ, đắp đập”.

Trong các quận huyện thì Q.9 có tới 28 vị trí xây dựng hồ điều tiết, kế đến là H.Bình Chánh với 13 khu vực được quy hoạch xây dựng hồ điều tiết...

Ông Lê Thành Công (chuyên gia về thủy lợi) cho biết thêm, cần kết phải kết nối hệ thống thoát nước. Theo ông Công, giải pháp xây dựng hồ điều tiết chống ngập là cần thiết. Giải pháp này không chỉ giúp giảm ngập mà còn có thể tái sử dụng nguồn nước mưa phục vụ việc tưới cây, rửa đường thay vì sử dụng nguồn nước sạch như hiện nay.

“Việc thiết kế và tính toán các hồ điều tiết phải đồng bộ, tổng thể trên một lưu vực, có thể kết nối với nhau chứ không phải cái nào biệt lập cái đó”,ông Công nói.

Phương Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI