TP.HCM sẽ có trường phổ thông quốc tế Phần Lan đầu tiên

28/10/2017 - 21:36

PNO - Trường Quốc tế Việt Nam- Phần Lan thuộc ĐH Tôn Đức Thắng là mô hình trường quốc tế nằm trong trường đại học công lập đầu tiên tại VN. Là nơi đầu tiên “nhập khẩu” chương trình và công nghệ giáo dục của Phần Lan.

Trường Quốc tế Việt Nam- Phần Lan thuộc ĐH Tôn Đức Thắng là mô hình trường quốc tế nằm trong trường đại học công lập đầu tiên tại VN. Là nơi đầu tiên “nhập khẩu” chương trình và công nghệ giáo dục của Phần Lan.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng được UBND TP.HCM cho phép thành lập Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, dự kiến sẽ tuyển sinh từ tháng 8/2019. Trong năm đầu tiên mới chỉ tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 9 với hai chương trình gồm chương trình quốc tế 100% tiếng Anh và chương trình 50% tiếng Anh.

Chương trình quốc tế 100% tiếng Anh được giảng dạy theo chương trình và phương pháp dạy do Phần Lan thiết kế. Bằng cấp các em nhận được sau khi kết thúc là bằng Tú tài Quốc tế. Mức học phí dự kiến cao nhất là 345- 380 triệu đồng/năm cho bậc THCS; bậc tiểu học  là 310-340 triệu đồng/năm.

Đối với chương trình 50% tiếng Anh sẽ học theo chương trình Bộ GD-ĐT Việt Nam với phương pháp giảng dạy theo Phần Lan. Mức học phí dự kiến, bậc tiểu học ước tính học phí khoảng từ 150-170 triệu đồng/năm, bậc THCS từ 170-200 triệu đồng/năm với đầu ra là bằng tốt nghiệp THPT Việt Nam.

TP.HCM se co truong pho thong quoc te Phan Lan dau tien
Trẻ hứng thú trong các hoạt động học tập tại "Ngày lớp học Phần Lan"

Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thành lập theo chấp thuận của UBND TPHCM vào cuối tháng 11/2016. Tham gia hội thảo tại “Ngày lớp học Phần Lan” vào chiều 28/10, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay: Đây là lần đầu tiên ở TPHCM có mô hình trường quốc tế thuộc trường ĐH công. Quá trình để thành lập trường cũng rất nan giải, nhiêu khê vì ban giám hiệu trường phải thuyết phục được sự cần thiết, tính hiệu quả của mô hình và chương trình này, chứng minh từ chương trình đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... để đảm bảo chất lượng.

 “Khi tham quan lớp học thử nghiệm, tôi thấy các hoạt động ở đây không khác với mô hình giáo dục STEM của Hoa Kỳ mà cán bộ ngành giáo dục TP vừa có dịp tham quan học tập. Khi các em học sinh được học với phương thức giảng dạy tiên tiến này sẽ phát huy được khả năng tự học, tư duy phản biện, làm việc nhóm… Không còn kiểu thầy cô nói sao trò hiểu và làm theo vậy. Giáo viên trở thành người gợi mở, để các con tự tiếp cận, tự rút ra kiến thức cho mình, rồi sang tạo trên nền tảng đó… Không có con đường nào tốt hơn con đường tự học để phát triển”, bà Thu cho biết.

Và Phó Chủ tịch UBND TP cũng hy vọng mô hình này có thể nhân rộng ra ở các trường công lập trên địa bàn TP, bổ sung thêm phương pháp giáo dục tiên tiến để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa.

Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, Trưởng Ban quản lý Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (FVIS) cho biết việc trường ĐH Tôn Đức Thắng xây dựng trường quốc tế theo mô hình giáo dục Phần Lan bởi đây là đất nước có nền giáo dục phổ thông tiên tiến bậc nhất thế giới. Họ chăm chút từ thiết kế tổng thể đến từng chi tiết trong lớp học để mang lại hiệu quả tốt nhất cho các hoạt động giáo dục. Phía Phần Lan cũng sang VN nghiên cứu và thiết kế chương trình cho phù hợp với văn hoá và điều kiện VN. Họ sẽ điều phối chương trình, chất lượng và tham gia cả việc tuyển dụng giáo viên…

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI