Tư nhân sốt sắng
Điện ảnh Việt Nam tính đến nay đã trải qua gần 100 năm lịch sử kể từ khi xuất hiện bộ phim Việt đầu tiên Kim Vân Kiều do Việt - Pháp hợp tác sản xuất vào năm 1923. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, điện ảnh Việt đã đi qua những thăng trầm với các thời kỳ của điện ảnh miền Bắc, điện ảnh miền Nam, thời kỳ phim bao cấp, phim mì ăn liền để đến thời kỳ đương đại như hiện nay.
Mỗi cột mốc thời gian, mỗi thời kỳ phim ảnh đều để lại những dấu ấn đáng nhớ và xứng đáng được lưu lại, gìn giữ, để cho thế hệ sau trong nghề cũng như cả công chúng hâm mộ phim ảnh biết đến. Nếu không được bảo quản kịp thời và chuyên nghiệp, các kỷ vật trong kho báu lịch sử điện ảnh Việt Nam sẽ xuống cấp theo thời gian. Để có thể làm được điều này, không gì hay hơn là có một bảo tàng điện ảnh.
|
Một góc bảo tàng điện ảnh của nghệ sĩ Quang Đạt - ảnh: sưu tầm |
Tuy nhiên cho đến nay, một bảo tàng đúng nghĩa dành cho phim ảnh hoàn toàn không có, mặc dù cả nước có 162 bảo tàng (theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và thỉnh thoảng vẫn có việc một tỉnh, thành nào đó đề xuất xây bảo tàng. Trong khi nhà nước dường như không mấy bận tâm với việc có một bảo tàng điện ảnh, thì ngược lại, một số cá nhân trong ngành tỏ ra tâm huyết với câu chuyện này. Với lòng đam mê của mình, họ đã tự gầy dựng một “bảo tàng” điện ảnh theo cách riêng của mình như bảo tàng điện ảnh của nghệ sĩ Quang Đạt ở Bình Thuận, của họa sĩ Vũ Huy ở Hà Nội.
Gọi là bảo tàng, nhưng thực chất những nơi này cũng chỉ như một địa điểm trưng bày bộ sưu tập cá nhân liên quan đến phim ảnh của chủ nhân, có những hiện vật quý giá như bản gốc kịch bản của cố đạo diễn Hồng Sến, những máy quay phim của các nghệ sĩ - chiến sĩ Việt Nam dùng trong thời chiến tranh ở bảo tàng của nghệ sĩ Quang Đạt, hay các đạo cụ trong những phim Việt kinh điển như Đêm hội Long Trì, Số đỏ của họa sĩ Vũ Huy.
Ngôi nhà của cố NSND Thế Anh cũng như một bảo tàng điện ảnh cách mạng thu nhỏ, vì sinh thời ông cất công sưu tầm gìn giữ nhiều bài viết về phim, hình ảnh diễn viên, những poster được vẽ bằng tay, các đạo cụ, hiện vật của các bộ phim trong nước thời kỳ cách mạng.
|
Nhà cố NSND Thế Anh lưu giữ nhiều hiện vật điện ảnh quý như một bảo tàng thu nhỏ |
Ngóng tin vui từ TP.HCM
Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật có sức truyền tải, quảng bá văn hóa mạnh mẽ. Sự hiện diện của một bảo tàng điện ảnh sẽ không chỉ mang đến những hiểu biết về nền điện ảnh nước đó, mà còn là một điểm nhấn thú vị trên bản đồ du lịch. Nhìn sang các nước như Ý, Nga, Anh, Pháp, Mỹ hay gần Việt Nam hơn là Hàn Quốc, đều có bảo tàng điện ảnh mang tầm quốc gia hoặc địa phương. Tuy nhiên ở ta, bảo tàng điện ảnh có vẻ như vẫn là “chuyện của người ta”; trong khi đó, ở rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về phim ảnh, câu chuyện này hầu như chưa từng được đề cập.
Lý do dẫn đến sự phớt lờ này có thể đến từ hiện trạng rất nhiều bảo tàng hoạt động không hiệu quả, gây ồn ào dư luận trong thời gian qua. So với các nước, nước ta không có những phim trường quy mô, chuyên nghiệp lưu giữ những bối cảnh, đạo cụ, phục trang để vừa là nơi nghiên cứu, học tập cho các thế hệ sinh viên điện ảnh; vừa làm kinh doanh du lịch, thì thiết nghĩ việc có một bảo tàng điện ảnh cũng là điều nên làm. Vấn đề ở đây là làm như thế nào để nơi đây trở thành một thiết chế văn hóa hữu ích, phát huy được tác dụng của mình.
Tại Đại hội Điện ảnh TP.HCM nhiệm kỳ VIII năm 2020-2025 diễn ra vào ngày 16 và 17/7, chuyện thành lập bảo tàng điện ảnh được nhắc đến trong phương hướng hoạt động của 5 năm tới. Theo mục tiêu, khu bảo tàng và truyền thống điện ảnh TP.HCM và Nam Bộ sẽ được đặt tại Bình Dương.
|
Bảo tàng phim ảnh Dusseldorf là một điểm du lịch phổ biến ở Đức |
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho biết: “Đây là kế hoạch đã được đề ra ở nhiệm kỳ trước, nhưng 5 năm qua chưa làm được, nên nhiệm kỳ này, Hội quyết tâm làm. Hội sẽ xin chủ trương và kinh phí của Ủy ban Nhân dân thành phố để kết hợp với công ty TNHH MTV phim Giải Phóng xây dựng bảo tàng trên phần đất 1000m2 ở Bình Dương của công ty. Hiện, nơi này là kho hiện vật điện ảnh của hãng phim Giải Phóng và Xí nghiệp phim Tổng hợp cũ”.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM tập trung vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa. Trong năm 2020, ngành điện ảnh TP.HCM phấn đấu đạt được doanh thu hằng năm chiếm 35% cả nước, số lượng vé bán trên đầu người tại TP.HCM hơn 0,8 (mỗi người dân đi xem phim 0,8 lần/năm).
Điện ảnh đang được hướng đến là ngành chủ đạo trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Trong một nền công nghiệp điện ảnh, một bảo tàng điện ảnh tồn tại cũng là lẽ hợp lý, vì ở đó, minh chứng sống động nhất cho quá trình tiến lên sự chuyên nghiệp của ngành được biểu hiện rõ ràng và đầy đủ nhất.
Hương Nhu