PNO - PN - Dù mới đầu mùa mưa nhưng tình trạng sạt lở ở TP.HCM đã xảy ra liên tục, hàng ngàn hộ dân đang sống trong vùng đặc biệt nguy hiểm cần phải di dời gấp, nhưng công tác di dời hiện vẫn “án binh bất động”.
edf40wrjww2tblPage:Content
Đi không được, ở không xong
Ban ngày ở nhà, ban đêm ngủ ở trường học - là tình cảnh hiện nay của người dân tại ấp 4, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, đã kéo dài gần một tháng. Khu vực này có khoảng 100 hộ dân sống dọc hành lang sông chợ Đệm. Cách nay khoảng 5 năm, nơi đây đã bị liệt vào danh sách những điểm có nguy cơ sạt lở cao nhưng vẫn chưa được di dời. Hậu quả, khoảng 2g sáng ngày 30/5, hàng chục mét vuông đất dọc bờ sông bất ngờ đổ sập xuống sông. Tuy không xảy ra thương vong nhưng sạt lở đã “ăn” sâu vào tận hành lang nhà của nhiều hộ dân, một số nhà tường bị xé, gạch bung lên.
Theo người dân ở đây, từ sau vụ việc trên, họ đã nhiều lần đề nghị được di dời đến nơi an toàn nhưng lần nào chính quyền địa phương cũng bảo chờ. Ông Nguyễn Văn Son (D1/20 ấp 4, xã Tân Nhựt) lo lắng: “Xã bảo cứ yên tâm, khu vực sạt lở đã được gia cố tạm bằng cừ tràm. Yên tâm sao được khi chính họ khuyến cáo tôi ban đêm nên... dọn ra trường tiểu học Tân Nhựt 6 ngủ”.
Tương tự, tại ấp 1, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè có khoảng 20 hộ dân sống dọc sông Phước Kiểng cũng đang trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì lo sạt lở. Chỉ trong vòng ba tháng gần đây, khu vực này đã sạt lở hai lần, làm một căn nhà lọt xuống sông. Trong vụ sạt lở gần nhất vào cuối tháng 6/2014, vị trí sạt lở lấn sâu vào tận sân nhà của chị Nguyễn Thị Tuyết (261A Lê Văn Lương, ấp 1, xã Phước Kiểng). Hiện tường nhà của chị răn nứt khắp nơi, gạch bong tróc lên. Lo sợ, chị nhiều lần đề nghị được di dời nhưng lần nào chính quyền địa phương cũng hứa. Cách đó khoảng 50m, chính quyền địa phương vừa đề nghị gia đình ông Nguyễn Thành Dũng di dời khẩn cấp vì khu vực này đã xuất hiện “hàm ếch” dưới mép sông. Hiện gia đình ông Dũng đã chuyển ra ngoài ở, mỗi tháng xã hỗ trợ 1,2 triệu đồng tiền thuê nhà trọ. Ông Dũng ngán ngẩm: “Họ dẫn tui đến một khu đất trống ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, bảo đó là nền tái định cư, nhưng tui hỏi chừng nào tui xây nhà ở được thì họ lại bảo… chờ tiếp”.
Tại khu vực P.28, Q.Bình Thạnh lâu nay vốn “nổi tiếng” về nguy cơ sạt lở, mùa mưa này tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục ám ảnh người dân. Cách nay khoảng một tháng, hơn 600m2 đất của một hộ dân tại số 1062 đường Bình Quới, P.28 bị trôi hoàn toàn xuống sông, cuốn theo căn nhà và nhiều tài sản. Vụ sạt lở đe dọa hàng chục hộ dân sống gần đó.
Ngoài ra, nguy cơ sạt lở còn xuất hiện ở địa bàn P.Thạnh Lộc, Thanh Xuân, An Phú Đông (Q.12) với 10 hộ dân bị ảnh hưởng; P.14 (Q.8) với 9 hộ dân bị ảnh hưởng; trên kênh bà Tổng (cách cầu bà Tổng khoảng 900m), ấp Rạch Lá, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ…
Hiện trường vụ sạt lở rạng sáng 15/7 tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè
Kẻ lo sốt vó, người làm đủng đỉnh
Theo Khu Đường sông TP.HCM, hiện toàn TP có 62 vị trí có nguy cơ sạt lở. Trong đó, có 29 vị trí đặc biệt nguy hiểm; 18 vị trí nguy hiểm và 15 vị trí bình thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các vị trí có nguy cơ sạt lở đều là vị trí cũ, đã được thống kê từ nhiều năm trước. Trong khi đó, từ năm 2008 đến nay, UBND TP.HCM đã chấp thuận đầu tư hàng trăm công trình, nhưng nguy cơ sạt lở vẫn tồn tại nhiều nơi. Nguyên nhân là do các công trình chống sạt lở thi công quá chậm. Chẳng hạn, năm 2009, UBND TP đã chấp thuận đầu tư 125 công trình, nhưng đến nay vẫn còn một công trình ở huyện Bình Chánh đang thi công, tiến độ mới đạt khoảng 15% khối lượng. Tương tự, năm 2011, UBND TP chấp thuận đầu tư 59 công trình, nhưng đến nay vẫn còn bốn công trình chưa làm xong. Trong đó, có hai công trình của huyện Nhà Bè và Cần Giờ còn đang… thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật. Năm 2013, UBND TP chấp thuận đầu tư 41 công trình thì hiện 12 công trình vẫn còn đang thi công.
Giải thích nguyên nhân đầu tư kéo dài, theo một lãnh đạo Khu Đường sông, đơn vị này chỉ có trách nhiệm thi công kè chống sạt lở, không có trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Đây là trách nhiệm của UBND các quận, huyện nhưng họ thực hiện quá chậm.
Trong khi đó, theo UBND huyện Bình Chánh, cái khó hiện nay là các dự án chống sạt lở của huyện lại nằm xen cài trong các dự án khác. Công tác giải phóng mặt bằng bị phụ thuộc vào các dự án này. Chẳng hạn, tại rạch Xóm Củi, xã Bình Hưng hiện có 108 hộ dân cần di dời sớm, nhưng các hộ này lại nằm trong đất của Ban quản lý (BQL) Khu Nam, huyện không thể phê duyệt đơn giá bồi thường mà phải chờ BQL Khu Nam, nhưng BQL Khu Nam vẫn chưa phê duyệt đơn giá. Tương tự, các hộ dân ở ấp 4, xã Tân Nhựt nằm trong dự án xây dựng hành lang bảo vệ sông Chợ Đệm do BQL đường thủy nội địa phía Nam thực hiện.
Theo ông Bùi Hòa An - Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, việc di dời người dân tại ấp 1, xã Phước Kiểng, huyện đã phê duyệt dự toán bồi thường và đã trình Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TP rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Theo quy định, công việc này trước ngày 1/7/2014 là của Sở Tài chính, nhưng hiện nay trách nhiệm chính là của Sở Tài nguyên - môi trường. Vì vậy, huyện chỉ còn biết chờ và kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện nguy cơ sạt lở cao thì ứng tiền hỗ trợ người dân ra ngoài thuê nhà trọ.
Được biết, trong năm 2014, TP cần di dời khẩn cấp 1.250 hộ dân đang sống trong các khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao ở các quận: 2, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Với tiến độ bồi thường, giải tỏa như hiện nay, xem ra người dân còn phải sống chung với sạt lở dài dài...
Phan Trí
Huyện Nhà Bè, TP.HCM: Sạt lở nghiêm trọng, 10 hộ dân bị ảnh hưởng
Rạng sáng 15/7, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn ấp 3 và 4, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè. Hơn 500m2 đất vườn của khoảng 10 hộ dân tại đây bị lọt xuống sông, tường nhà bị nghiêng, nứt nghiêm trọng.
Trong đó, hộ dân ở số 104/4A Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiểng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, 200m2 đất vườn đã bị sạt hoàn toàn, kéo theo một phần căn nhà nghiêng nứt. Chị Nguyễn Thị Bích Nga (102B Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiểng) bức xúc: “Khu vực này đã có nguy cơ sạt lở từ rất lâu. Chúng tôi nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương di dời nhưng họ cứ bảo chờ”.
Cùng ngày, UBND huyện Nhà Bè và Khu quản lý giao thông đường thủy nội địa đã tổ chức đoàn đến khảo sát, kiểm tra tình hình. Theo Khu Quản lý giao thông đường thủy nội địa, trong thời gian chờ di dời người dân, trước mắt sẽ tiến hành đóng cọc, cừ tràm để ngăn không cho sạt lở tiếp.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.