Khốn khổ vì công chứng ẩu
Người đàn ông trên đã mang giấy tờ giả đứng tên ông Q. đi công chứng để thế chấp nhà đất, vay 3 tỷ đồng và người cùng đi với ông ta lại chính là… vợ của ông Q.
Ông Q. cho biết, trong thời gian vợ chồng ông ly thân, ông đi nước ngoài thì vợ ông nhờ một người đàn ông khác giả làm chồng, lấy giấy tờ giả mang tên ông Q. để đi công chứng. Đáng nói là, việc giả mạo này lại qua mặt được một VPCC nên hiện ông Q. chưa thể bán nhà chia tài sản với vợ vì căn nhà đã bị thế chấp vay 3 tỷ đồng.
|
Ông Trần Quốc Cảnh cho biết, hiện nay giấy tờ giả được làm rất tinh vi, trong khi các văn phòng công chứng lại không có máy móc và người có chuyên môn để phát hiện (ảnh lớn). Hai phôi bằng giả và thật rất khó nhận biết bằng mắt thường (ảnh nhỏ) |
Một trường hợp khác là chị T.T.S., 36 tuổi, ngụ tại P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM. Theo chị S., vào tháng 10/2016, chị bị kẻ cướp giật giỏ xách có chứa giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất số 155 tờ bản đồ số 44 ở ấp Chợ, xã Phước Thạnh, H.Củ Chi, TP.HCM.
Khoảng một tháng sau, có đối tượng mang giấy tờ của chị S. đến xã Phước Thạnh gia hạn sử dụng đất thì bị phát hiện và chị S. đã nhận lại giấy chứng nhận. Thế nhưng mới đây, chị S. lại nhận được thông báo về việc có một người đã đến VPCC Trung Tâm (Q.3) làm hợp đồng ủy quyền công chứng giấy tờ nhà đất của chị S. vào ngày 31/10/2016.
Người này đã sử dụng một giấy chứng minh nhân dân (CMND) giả với đầy đủ thông tin của chị S. (chỉ thay đổi ảnh) và một số giấy tờ khác để giả dạng chị S. nhưng không hiểu sao, bộ hồ sơ này vẫn được chứng thực. Hiện chị S. đang rất khốn đốn vì tài sản của chị đang bị ngăn chặn giao dịch và chỉ có tòa án mới có thể tuyên hủy giao dịch này để trả lại quyền sở hữu cho chị S.
Vụ việc của bà N.T.T.T. (ngụ cư xá Phú Lâm, P.13, Q.6, TP.HCM) còn ly kỳ hơn cả hai vụ trên. Vào tháng 3/2016, bà T. đến VPCC làm hợp đồng cho người khác thuê nhà thì phát hiện căn nhà của bà đã bị bán trước đó. Nguyên nhân là do lúc bà T. cho các đối tượng thuê, mua nhà thì bị đánh tráo giấy tờ chủ quyền nhà; sau đó, các đối tượng này đã làm giấy tờ tùy thân giả mang tên bà T. rồi đến VPCC làm thủ tục bán nhà. Đáng nói, VPCC Đồng Tâm (Q.Tân Phú) lại công chứng cho hợp đồng mua bán nhà giữa bà T. và ông S.V.S. (ngụ tại Q.Bình Thạnh) dù người đến công chứng là một “bà T.” giả mạo.
Giấy tờ giả tinh vi, công chứng viên kém
Ông Hoàng Xuân Ngụ - Trưởng VPCC Hoàng Xuân (Q.5) - cho biết, việc mang giấy tờ giả đi công chứng hiện khá phổ biến. Không chỉ giấy tờ nhà đất, nhiều loại văn bằng, giấy đăng ký kết hôn, CMND cũng được làm giả rất tinh vi. Trung bình mỗi tháng, VPCC Hoàng Xuân phát hiện khoảng bốn trường hợp mang giấy tờ giả đi công chứng. Có những vụ việc nghiêm trọng, văn phòng đã chuyển cho công an thụ lý, giải quyết.
Ông Ngụ cho biết, việc để giấy tờ giả “lọt cửa” công chứng như hiện nay trước hết là do giấy tờ giả quá tinh vi, trong khi nhiều VPCC lại không thực hiện đúng quy trình công chứng, làm “cho mau” dẫn đến sai sót. Đồng thời, việc phối hợp giữa các đơn vị công chứng và cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý giấy tờ giả chưa tốt. Có trường hợp VPCC phát hiện giấy tờ giả, báo cho công an thì công an chậm đến, để đối tượng xài giấy giả bỏ đi, trong khi VPCC không có quyền giữ người.
Ông Trần Quốc Cảnh - nguyên giám định viên cao cấp của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an - nhận định, hiện nay, các đối tượng xấu chỉ cần mất chưa đầy 30 phút để làm ra một loại giấy tờ giả giống y như thật, trong khi nhiều VPCC không có đủ máy móc và người có kỹ năng chuyên môn để phân biệt giấy tờ giả. Do vậy, việc để giấy tờ giả “lọt sổ” là điều dễ hiểu. Ông Cảnh đề nghị: “Cần phải đặt ra quy chuẩn buộc VPCC phải có người đủ trình độ chuyên môn và có đủ máy móc chuyên dụng để nhận diện giấy tờ giả thì mới cho hoạt động”.
Ông Cảnh cũng cho rằng, việc chứng thực, sao y ở các UBND xã, phường rất dễ để “lọt sổ” giấy tờ giả. Trong khi đó, chỉ cần các đơn vị này đóng dấu sao y cho một văn bằng giả thì lập tức các đối tượng này sẽ sử dụng bản sao để thực hiện mục đích xấu của mình. Bởi, sao y có hiệu lực như bản chính.
Theo ông Cảnh, có không ít công chứng viên chủ quan, lơ là, không chịu học hỏi chuyên môn; khi xảy ra “sự cố” thì họ viện dẫn khoản 2, điều 7 của Luật Công chứng để chối trách nhiệm. Khoản 2, điều 7 quy định nghiêm cấm cá nhân, tổ chức giả mạo người công chứng, sử dụng các văn bằng, giấy tờ giả để yêu cầu công chứng... Dù có quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn, chế tài xử lý.
"Tôi cho rằng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trong việc để giấy tờ giả “lọt sổ” công chứng. Nếu công chứng viên có câu kết, bàn bạc, thỏa thuận với các đối tượng mang giấy tờ giả, người giả đi công chứng để thực hiện hành vi lừa đảo thì bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu không biết các giấy tờ liên quan đến giao dịch cần công chứng là giả mạo thì công chứng viên có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Trần Minh Hùng
(Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Sơn Vinh