TP. HCM: Người tiêu dùng sợ ... hải sản

27/04/2016 - 14:09

PNO - Lượng hàng về chợ đầu mối ổn định, giá cả không biến động, song tình hình mua bán cá biển ở nhiều chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM lại khá đìu hiu.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho hay, những ngày qua, lượng hải sản nhập về chợ vẫn ổn định ở mức khoảng 1.000 tấn/đêm, giá cả không có biến động. Nguồn gốc hải sản chủ yếu từ các tỉnh Nam Trung bộ như Nha Trang, Phan Thiết chuyển vào và từ các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Tiền Giang chuyển lên.

Tuy lượng hàng về chợ đầu mối ổn định, giá cả không biến động, song tình hình mua bán cá biển ở nhiều chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM lại khá đìu hiu. 8g30 sáng ngày 26/4, tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), các quầy bán tôm, cá, mực chỉ lác đác vài khách, lượng người bán nhiều hơn người mua. Một khách hàng vừa mua cá thu vừa nói với người bán: “Do đứa con trai chỉ ăn mỗi loại cá này nên tôi mới mua, chứ cũng lo lắm”

9 giờ 30 sáng, khu thực phẩm tươi sống ở chợ Tân Định (Q.1) - trước đây vốn đông đúc, người mua phải chen nhau, nay đường đi lối lại thênh thang. Rau củ quả, tôm cá mực đầy ắp trên các quầy hàng. Một tiểu thương thở dài: “Chợ hôm nay sao vắng như chùa Bà Đanh”.

TP. HCM: Nguoi tieu dung so ... hai san
Thủy hải sản tại TP.HCM chủ yếu được khai thác từ vùng biển phía Nam - Ảnh minh họa: Internet

Tình hình ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) càng “buồn” hơn. Chợ có khoảng 20 quầy bán cá biển, quầy nhiều nhất có năm-sáu loại cá khác nhau: cá nục, cá bạc má, cá bớp, cá mó, cá thu, cá ngừ… Mặc dù cá nhìn rất tươi ngon, giá hợp lý, như cá nục chuối 50-60 ngàn đồng/kg; cá bạc má 70-80 ngàn đồng/kg; cá bớp 200.000đ/ kg… nhưng sau một giờ đồng hồ, theo quan sát của chúng tôi, quầy bán được nhiều nhất cũng chỉ ba người mua; có quầy không bán được con cá nào. Những quầy bán kèm loại cá còn quẫy trong nước như cá lóc, cá điêu hồng, cá ba sa… thì khá đông khách mua. Gần đó, hai tiểu thương bán quần áo nói chuyện với nhau: “Mấy hôm nay tui cho cả nhà ngưng ăn cá biển, chuyển sang ăn thịt heo, thịt gà cho chắc”.

Bị ảnh hưởng nhiều hơn là các cửa hàng chuyên bán đặc sản miền biển. Chị Kim Anh, chủ một cửa hàng đặc sản Đà Nẵng ở Q.3 cho hay: “Nhiều khách hàng vốn thường xuyên đặt mua cá, những ngày gần đây, tâm lý lo lắng nên không chọn cá nữa mà đổ xô mua thịt lợn quê”.

Trả lời báo Phụ Nữ, liệu cá chết tại vùng biển miền Trung có thể vào thị trường TP.HCM? Ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NNPTNT TP.HCM khẳng định: "Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt nguồn thủy hải sản". Theo ông Sơn, hiện nguồn thủy hải sản đưa về TP tiêu thụ chủ yếu từ các tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Thủy hải sản từ các tỉnh Bắc Trung bộ (từ Đà Nẵng trở ra) về TP.HCM rất ít, chủ yếu tiêu thụ tại một số đầu mối nhỏ như cửa hàng đặc sản vùng miền chứ không đưa về chợ đầu mối và bán rộng rãi trên thị trường.

Những ngày qua, nhiều người tiêu dùng hoang mang trước thông tin cơ quan chức năng bắt giữ xe vận chuyển cá đã bốc mùi từ miền Trung đưa về các tỉnh thành phía Nam làm thức ăn gia súc, phân bón hay nước mắm, trong bối cảnh cá biển tại các tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục chết và trôi dạt vào bờ. Ông Trần Văn Sơn cho rằng, Sở NN-PTNT TP.HCM đã chỉ đạo giám sát chặt việc vận chuyển, buôn bán mặt hàng thủy hải sản, đặc biệt với hàng hóa từ các tỉnh Nam Trung bộ. Đến nay, cơ quan này vẫn chưa phát hiện bất cứ lô hàng nào có vấn đề từ các tỉnh miền Trung về thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường tại các chợ đầu mối, đặc biệt là chợ đầu mối Bình Điền.

Về việc nhận biết thủy hải sản chết do nhiễm độc có đặc điểm gì khác với thủy hải sản được ngư dân đánh bắt tươi sống và bảo quản lạnh, ông Sơn cho hay, thủy hải sản chết trôi thường đã trong giai đoạn phân hủy, thịt nhão, bụng sình và có thể bốc mùi, trong khi thủy hải sản đánh bắt tự nhiên được bảo quản bằng đá lạnh tại chợ đầu mối vẫn đảm bảo được độ tươi nhất định, thịt rắn và còn mùi tanh của cá.

An Hà - Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI