PNO - PNO - Năm nào cũng vậy, bước vào mùa mưa là người dân sống tại vùng ven của TP.HCM đều lo lắng, bất an bởi nguy cơ sạt lở, ngập úng luôn rình rập đe dọa tài sản và tính mạng của người dân.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện các giải pháp chống ngập, chuyện giải quyết vấn đề ngập úng, sạt lở ven kênh vẫn là bài toán nan giải của TP.HCM
Quận, huyện tích cực chống ngập úng
Để chủ động rà soát công tác chuẩn bị phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2013, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại các quận 2, 4, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn. Qua đợt kiểm tra cho thấy, các quận, huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng, ứng phó thiên tai - tìm kiếm cứu nạn khá chi tiết và sát hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt với các đơn vị trường học thuộc vùng trũng, thường xuyên ngập nước, chính quyền địa phương cấp phường, xã cũng đã tích cực hỗ trợ để các trường chống ngập, giúp học sinh đến trường thuận lợi, an toàn hơn.
Ông Trần Minh Triết, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết: "Trong thời gian qua, được sự quan tâm của TP và huyện Hóc Môn, nhiều trường học và các tuyến đường thường xuyên bị ngập nước đã được đầu tư kinh phí sửa chữa đường ống thoát nước, tôn cao sân trường… Tuy nhiên, trong đợt triều cường lịch sử vừa qua, Hóc Môn vẫn còn một số trường bị ngập nước như Trường TH Ấp Đình, THCS Phan Văn Hớn…Vì vậy, chúng tôi đang có văn bản yêu cầu UBND các phường có trường bị ngập trong đợt vừa qua tích cực gia cố đê bao, khơi thông kênh rạch để tránh tình trạng ngập úng cục bộ tiếp tục xảy ra".
Tình trạng ngập úng trong mùa mưa gây nhiều khó khăn cho việc đi lại, sinh sống của người dân
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP, tính đến thời điểm hiện nay, các quận, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng được 319/319 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008, 2009 và năm 2011 với chiều dài đạt 300/312 km. Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả ngăn triều cho gần 11.000ha đất sản xuất nông nghiệp; chống ngập úng, bảo vệ cho trên 17.000 hộ dân. Ông Trần Trung Hiếu, trưởng phòng GD-ĐT Quận 12 chia sẻ: Toàn quận giờ chỉ còn ít trường bị ngập vì triều cường vì các dự án công trình thủy lợi tại các điểm thường xuyên ngập đã được triển khai khá tốt. Các tuyến kênh rạch An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An, nơi tập trung khoảng 12 trường MN, TH và THCS đã được UBND các phường này phân trách nhiệm cho từng đơn vị, chịu trách nhiệm quản lý từng khúc sông, đê bao trên địa bàn nên công tác phòng chống ngập úng cho trường học là tương đối hiệu quả.
Hiện nay, ngoài các tuyến đê bao xung yếu đang được khẩn trương gia cố, hệ thống công trình thủy lợi tại các Quận 12, Q.8. Bình Thạnh, Nhà Bè đang được đẩy nhanh thì sự chỉ đạo kịp thời và chủ động triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” trong phòng ngừa, ứng phó của các cấp ủy và chính quyền địa phương đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân vì vỡ đê bao, ngập úng. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP, cho biết: "Đợt đỉnh triều năm trước toàn TP có 3 tuyến đê bao bị vỡ (Thủ Đức, Bình Thạnh, Q.2) nên công tác gia cố, ứng phó với tình trạng ngập úng do thủy triều, vỡ đê bao năm nay tập trung theo hướng hiệu quả và đúng tiến độ. Năm nay, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP đã tổ chức nhiều nhóm đi kiểm tra các địa bàn xung yếu nhằm theo dõi sát sao, chủ động cùng các địa phương đề ra giải pháp phù hợp, đồng thời hỗ trợ địa phương trong việc gia cố, xử lí các điểm có nguy cơ cao .
Trường học vẫn lo ngập
Theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn nhiều nơi triển khai thực hiện các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước vẫn còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ, tình trạng ngập vẫn cứ ngập. Những khu vực trọng yếu, dễ xảy ra ngập như Bình Thạnh, Q.8, Q.2 và huyện Nhà Bè, tình trạng ngập úng kéo dài suốt nhiều năm nay. Đợt đỉnh triều cường tháng 4 vừa qua, không chỉ các tuyến lộ giới xương cá các quận huyện trên ngập sâu trong nước, mà ngay những trục đường chính cũng ngập sâu do bể bờ bao, đê chắn và thủy triều. Trong đó, vất vả nhất có lẽ là học sinh các trường tại các điểm ngập úng trên.
Tại Q. Bình Thạnh, đợt đỉnh triều vừa qua hàng loạt trường học bị nước "tấn công" như: trường THCS Bình Quới Tây, TH Tầm Vu, phân hiệu trường TH Hòa Bình, TH Bình Hòa… Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Qưới Tây cho biết: “Năm nào vào mùa mưa trường cũng bị ngập, nước dâng cao quá đầu gối người lớn, PH-HS phải công kênh con em vào lớp”. Cùng với mưa là ngập, gây khó khăn trong việc đi lại, học tập vui chơi của học sinh. Ngay tại địa bàn Q.1 cũng có không ít trường bị ngập như: THCS Văn Lang, TH Hòa Bình. Ông Lê Minh Quang, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Bình, Q.1 trăn trở: “Đã nhiều năm nay khi có mưa, dù lớn hay nhỏ và nước triều cường dâng cao, con đường vào trường nước luôn ngập quá đầu gối người lớn. Nước bẩn, bốc mùi cùng với rác tràn vào sân trường làm cho học sinh, PH-HS và GV rất vất vả khi đi học, dạy và đưa đón".
Chị Nguyễn Thị Hải, có con đang học lớp 7 tại trường THCS Bình Qưới Tây lo ngại: “Ngày nào tôi cũng phải theo dõi tình hình triều cường trên địa bàn P.28. Mấy ngày nay, nước “bao vây” xung quanh lối vào khiến ngôi trường gần như bị “cô lập”. Tình trạng này làm phụ huynh chúng tôi rất lo lắng, vì nếu cho con nghỉ học thì sợ các cháu không theo kịp chương trình, còn cho con đi học thì sợ con bị té ngã, ốm đau. Năm nào phụ huynh chúng tôi cũng kiến nghị với phường và quận giúp nâng cao nền đường vào trường nhưng chưa có câu trả lời”.
Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều điểm bị ngập nặng do triều cường, trong đó, xã Phước Lộc bị nặng nhất. Việc đưa đón học sinh của trường mầm non Vành Khuyên thuộc ấp 3 gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian qua, số lượng các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước đã được đầu tư cho các quận, huyện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vị trí, địa điểm xung yếu chưa được đầu tư, kinh phí duy tu của địa phương. Vì vậy cần thiết phải đẩy nhanh việc duy tu, sửa chữa, gia cố hệ thống bờ bao thường xuyên để giúp công trình ổn định và phát huy hiệu quả lâu dài.