TP.HCM muốn loại bỏ dịch vụ đòi nợ thuê

30/08/2019 - 15:43

PNO - TP.HCM muốn chấm dứt dịch vụ đòi nợ kiểu nhắn tin khủng bố, đe dọa, tung lên mạng xã hội, tạt sơn, tạt máu vào nhà con nợ, đập phá đồ đạc người vay...

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính cấm loại dình dịch vụ đòi nợ thuê trước những biến tướng nguy hại của hoạt động này. 

Tính đến hết quý I/2019, địa bàn TP.HCM có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó 42 công ty trong nước và 3 công ty có yếu tố nước ngoài. Tổng số người làm thuê nghề này là 711 người (trong đó có 5 người nước ngoài).

Để đảm bảo các công ty này chấp hành đúng về an ninh trật tự, quy định của doanh nghiệp, kinh doanh dịch vụ đòi nợ, lực lượng công an TP.HCM đã ra quân kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp, đã lập biên bản vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt là 3 triệu đồng với hành vi “Sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc trong cơ sở kinh doanh có đủ điều kiện về an ninh, trật tự”.

Cụ thể, vào ngày 29/3/2019, Công an TP.HCM kiểm tra công ty cổ phần dịch vụ thu hồi nợ Hùng Long (904 Âu Cơ, P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM), tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có hai nhân viên không đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn theo quy địnht tại điều 15 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ.

TP.HCM muon loai bo dich vu doi no thue
Nhiều người đòi nợ thuê khủng bố người vay bằng cách viết sơn lên tường (ảnh internet)

Đồng thời, Công an TP.HCM cho biết, đã có thông báo trả lời 7 đơn (3 đơn tố cáo, 2 đơn tin báo tố giác tội phạm, 2 phản ánh) có liên quan đến các công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1 trường hợp với tổng số tiền là 1,5 triệu đồng. Dự kiến trong tháng 10/2019, Công an TP.HCM có kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này.

Đánh giá về những khó khăn trong việc quản lý dịch vụ này, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Các đối tượng núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động cho vay “tín dụng đen” nhằm thu lợi bất chính. Nếu các con nợ không trả đúng hẹn, họ thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tiến hành đòi nợ trái pháp luật, làm sợ hãi hoặc gây hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.

TP.HCM muon loai bo dich vu doi no thue
Thậm chí là tạt máu, tạt sơn vào nhà để gây áp lực (ảnh internet)

Theo ông Tuyến, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhanh không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức nên tìm đến cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy…) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp đã tìm đến cá nhân, cơ sở hoạt động cho vay “tín dụng đen”, khi không có khả năng chi trả thì phát sinh hệ lụy đòi nợ trái pháp luật.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP quy định điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ, như: được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Các công ty đòi nợ nắm rõ quy định này, qua kiểm tra đều xuất trình đầy đủ hồ sơ, bằng cấp chuyên môn hợp lệ. Ngoài số nhân viên đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, hiện nay công ty đòi nợ đã biến tướng thành lập thêm pháp nhân công ty bảo vệ, khi tiến hành đòi nợ thì sử dụng số nhân viên viên này tham gia để gây áp lực khách hàng, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý hành chính của cơ quan chức năng.

“Vào năm 2018, UBND TP.HCM đã có kiến nghị đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục, ngành nghề cấm kinh doanh. Đến nay, UBND TP.HCM vẫn quan điểm này bởi vì quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết.

Mặt khác, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp vô tình là kẽ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự khác, các băng ổ nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp đến an ninh trật tự. Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, kiến nghị Bộ tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ”- ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI