TP.HCM: Mười người trong một gia đình không một mảnh giấy tờ tùy thân

08/09/2015 - 07:02

PNO - Ở ngay tại TP.HCM nhưng hơn 10 con người của hai gia đình gồm ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu đều không có mảnh giấy tờ lận lưng.

Những người lớn tuổi chịu thiệt thòi đã đành, bốn đứa trẻ đang tuổi đi học cũng không có khai sinh để đến trường…

TP.HCM: Muoi nguoi trong mot gia dinh khong mot manh giay to tuy than
Ba thế hệ không giấy tờ tùy thân trong gia đình bà Phượng

Tôi biết phải làm gì để khai sinh cho con?

Nhiều năm nay, anh Lê Tấn Duy Khải (ngụ ở 436/16F Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) ngược xuôi khắp các cơ quan công an, chính quyền từ Q.7 sang Q.8, rồi H.Bình Chánh để làm giấy khai sinh cho hai đứa con, làm CMND cho vợ, khôi phục hộ khẩu giúp cha mẹ vợ nhưng vô vọng.

Anh Khải kể, trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (vợ anh) bị hỏa hoạn, mất hết giấy tờ tùy thân. Cha mẹ chị Phượng là ông Nguyễn Văn Từng và bà Nguyễn Thị Huệ từng tạm trú tại 527/3B Dương Bá Trạc, P.1, Q.8, đã được cấp CMND tạm thời, sau đó nhà bị giải tỏa, gia đình về H.Bình Chánh sống.

Sau hai năm, giấy CMND tạm thời hết hiệu lực, từ đó đến nay, cả nhà trên 10 người gồm cha mẹ, anh chị em và ông bà nội của chị Phượng… không ai có giấy tờ gì cả, kéo theo các con anh Khải là Lê Thị Tường Vy (SN 2007) và Lê Thị Tường Vân (SN 2008) cũng đều không có giấy khai sinh.

“Thời con tôi tuổi mẫu giáo, không nhà trẻ nào chịu nhận; vào lớp một thì con tôi phải học lớp tình thương”, anh Khải ngậm ngùi.

Theo anh Khải, anh đã nhiều lần đến UBND P.Tân Hưng, Q.7 xin được khai sinh cho con chỉ với tên cha nhưng địa phương không chấp nhận, với lý do “luật không cho phép”. Anh than: “Thật sự tôi không biết phải làm cách nào để con tôi có khai sinh, trong khi cha ruột có hộ khẩu thường trú ngay tại TP.HCM. Các cháu đều đã quá tuổi đi học.

Đã vậy, mới đây người giữ giấy chứng sinh cho cháu (công tác tại P.Tân Hưng, Q.7) báo đã làm mất giấy này. Tôi biết phải làm gì để khai sinh cho con?”

Cả nhà "vô thừa nhận"?

Chúng tôi ghé nhà bà Trần Thị Kim Phượng (45 tuổi, tạm trú ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) đúng lúc bà đang chuẩn bị một ngày lang thang lượm ve chai. Bé Đào Thanh Hiền - sáu tuổi, cháu ngoại bà Phượng và bé Đào Thanh Tâm - 11 tuổi, con út bà Phượng - cũng theo bà Phượng mưu sinh đã gần ba năm nay.

Bà Phượng kể, quê gốc của bà ở Cà Mau. Năm 1982, cha bà mất, vì gia cảnh khó khăn, bà bỏ nhà lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Do bỏ nhà đi từ nhỏ, lại không biết chữ và sống trọ khắp nơi nên bà Phượng “quên” làm các loại giấy tờ tùy thân…

Năm 20 tuổi, bà chung sống với một người, lần lượt sinh ba con là Bé Hai (năm nay 23 tuổi), Bé Ba (22 tuổi) và Bé Tư (17 tuổi). Cả ba đều không được khai sinh, đến tuổi đi học thì không được đến trường, đủ tuổi làm công dân cũng không làm được CMND, đi làm cũng khó xin việc do không có giấy tờ, nên tất cả đều làm thuê, làm mướn.

Sau đó, bà Phượng chia tay chồng, dẫn con đi lang thang khắp nơi, vừa xin ăn vừa lượm ve chai, ban ngày sống nhờ cơm từ thiện, ban đêm tá túc các gầm cầu, mái hiên… Đến năm 2002, bà Phượng gặp ông Công và tạm trú tại Q.8. Đến năm 2004, họ chuyển về tạm trú tại H.Hóc Môn và sinh bé Đào Thanh Tâm tại Bệnh viện Từ Dũ.

Rắc rối lại đến bởi khi xin giấy chứng sinh thì bệnh viện yêu cầu ông bà phải chứng minh là vợ chồng, chạy về địa phương thì không được xác nhận vì bà không có CMND. Vậy là bé Tâm không thể có giấy khai sinh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI