TP.HCM loay hoay với thị trường bán lẻ: Ta còn rất ít thời gian

31/05/2016 - 06:56

PNO - Việc giữ vững thị trường bán lẻ trong nước được đánh giá là đang rất khó khăn vì chúng ta còn rất ít thời gian.

Sáng 30/5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp định kỳ tháng 5, 5 tháng và công tác trọng tâm tháng 6/2016.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nêu ra một thực tế đáng lo ngại là cơ cấu thị phần chúng ta chỉ chiếm 36%, trong khi nhà đầu tư nước ngoài 51%.

Ông Phong cũng lo lắng, với định hướng của các nhà đầu tư nước ngoài mà TP không có chiến lược đối sách thì sẽ mất thị trường bán lẻ. Bởi vậy, Chủ tịch UBND TP cũng cho biết sẽ chủ trì cuộc họp cùng với ông Tuyến để làm sao giữ vững thị trường bán lẻ của TP.

TP.HCM loay hoay voi thi truong ban le: Ta con rat it thoi gian
Ông Nguyễn Thành Phong trăn trở trước việc chi phối thị trường bán lẻ. Ảnh: Người Lao Động

Việt Nam phải có thêm nhiều tập đoàn vững mạnh

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM về sự kiên quyết của UBND TP.HCM, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, quyết tâm của TP.HCM cũng là quyết tâm của cả nước. Bởi vì hiện nay chúng ta mất cả thị trường bán lẻ thì sẽ mất cả thị trường sản xuất, hai cái này luôn gắn liền với nhau.

Ông Phú nhận định, làn sóng thâm nhập mua bán của các DN Thái Lan và các nước rất mạnh mẽ, điều này đã được cảnh báo từ rất là lâu. Nhưng việc chúng ta tiếp tục mở cửa mua bán Metro, Nguyễn Kim, Fivimart, Kinh Đô,... là nguy cơ chúng ta bị mất thị trường bán lẻ đến 50%.

Ông Phú cũng đưa ra con số chứng minh, trong 100 điểm bán lẻ hiện đại trên toàn quốc theo công bố của Bộ Công thương thì riêng các tập đoàn của Thái Lan đã chiếm trên 50 điểm.

Về sản xuất, Thái Lan cũng đã đầu tư sản xuất ở Việt Nam (VN) rất lớn. Cách đây 4-5 năm, tập đoàn City đã nâng giá trứng 2 lần trên 1 tuần và khi đó các siêu thị tẩy chay không mua trứng của City. Như vậy là họ ép lại người bán lẻ và ép lại người đi gia công (nuôi lợn, nuôi gà) cho họ. Như vậy là chúng ta đang đi làm thuê cho nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định

"Nguy hiểm hơn, mặt hàng Thái Lan giá rẻ, chất lượng hơn mình, tức là sản xuất của mình kém, nguy cơ lại càng cao hơn. Từ đồng chí Đinh La Thăng, đồng chí Lê Thành Phong và ngoài này là Hiệp hội Siêu thị, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng đang kêu gọi để giải quyết các vấn đề", ông Phú cho hay.

TP.HCM loay hoay voi thi truong ban le: Ta con rat it thoi gian
Thị trường bán lẻ Việt Nam là "miếng mồi" các doanh nghiệp nước ngoài hướng đến. Ảnh: Internet

Theo chia sẻ của vị Chủ tịch Hiệp hội: "Tôi đang đề nghị tổ chức Hội nghị Diên hồng về bán lẻ để cho các chuyên gia, các doanh nghiệp hiến kế để giữ vững thị trường bán lẻ. Mình phải có những tập đoàn vững mạnh, ví dụ như Vingroup hay SaiGon Coop mới có thể chống đỡ được.

Vì vậy, thị trường bán lẻ hiện nay cần phải có thêm nhiều tập đoàn, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Hà Nội phải đứng lên giữ đầu vào của siêu thị, giải quyết xấu cho nông dân,... những chuyện đó chúng ta làm được, kinh tế chúng ta không giữ thì hàng hóa nước ngoài tràn vào".

Theo ông Phú đánh giá, điều này có vai trò rất quan trọng của Chính phủ, của các Bộ, một quả trứng 14 loại phí không thể cạnh tranh được với trứng Thái Lan. Tất cả các loại phí hải quan ta phải giảm để nâng cao năng lực cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa chứ không nói đến xuất khẩu.

"Hiện nay chúng ta đang chuyển mình quá chậm. Bán lẻ của Việt Nam chưa có chiến lược phát triển cho cả 3 cấp: Nhà nước, Bộ ngành và DN, mới chỉ làm đến đâu biết đến đấy", ông Phú nói.

Theo vị đại diện cho các siêu thị HN: "Nhà nước cũng cần phải xem lại chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Môi trường của chúng ta không bình đẳng, người nông dân sản xuất còn bị ép, Hà Nội còn duy trì bình ổn giá, cấp cho Tập đoàn Apo lãi xuất không cạnh tranh,... điều này làm méo mó thị trường, tạo nên sự phân biệt đối xử, tị nạnh nhau khiến cho chính chính sách bình ổn giá không có tác dụng và phi thị trường".

Như vậy muốn giữ thị trường bán lẻ chúng ta phải có những giải pháp, phải có hiến kế, chiến lược dài hơi (20-30 năm), mặc dù đã muộn nhưng phải làm".

Tiếp tục nói về giải pháp, ông Phú phân tích, thị phần bán lẻ chỉ còn hơn 30% nhưng hiện nay nhiều DN vẫn tiếp tục cho thuê hết. Có thể nói đây là nguy cơ, nước đến vai rồi và nếu ta không chạy thì nước tiếp tục lấn tới thôi.

"Phải tổ chức lại sản xuất, phải gắn sản xuất với phân phối, phải giảm bớt phí thuế cho DN, xây dựng chiến lược dài hạn, quy hoạch mạng lưới hình thể ra sao, gắn hàng Việt với chợ và siêu thị,...", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI