Nhằm xây dựng thành phố với diện mạo mới, phục vụ người dân sở tại, thu hút du khách quốc tế, TP.HCM sẽ có những sự kiện văn hoá, nghệ thuật, lễ hội được tổ chức thường niên hoặc cách năm.
Để việc tổ chức được hiệu quả, TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2-15/11. Những nội dung lấy ý kiến gồm có: chọn sự kiện nào tiêu biểu để tổ chức thường niên; góp ý, hiến kế về cách thức, thời điểm, không gian tổ chức.
|
TP.HCM tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, lễ hội để các chương trình đạt hiệu quả cao hơn, phục vụ người dân tốt hơn. |
Người dân có thể gửi ý kiến đóng góp về Phòng Văn hoá Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành uỷ (127, Trương Định, quận 3) hoặc hộp thư điện tử: gopysukienvhnt@gmail.com (nội dung ghi rõ “Góp ý về tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, lễ hội thường niên TP.HCM").
13 sự kiện được TP.HCM đưa ra:
* Đường hoa Nguyễn Huệ
- Thời gian: 22/1-28/1 (nhằm 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết Nguyên đán)
- Địa điểm: đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM)
* Hội hoa Xuân
- Thời gian: tổ chức trong 12 ngày (từ 25 tháng Chạp đến mùng 6 Tết Nguyên đán)
- Địa điểm: Công viên Tao Đàn (quận 1, TP.HCM)
* Lễ hội Áo dài TP.HCM
- Thời gian: tuần đầu của tháng 3 hàng năm
- Địa điểm: khai mạc và bế mạc tại đường đi bộ Nguyễn Huệ
- Nhằm tôn vinh áo dài và những giá trị văn hoá truyền thống, lan toả tình yêu áo dài, gồm nhiều hoạt động: thi duyên dáng áo dài, diễu hành và đồng diễn áo dài…
* Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ
- Thời gian: 14, 15, 16/8 âm lịch hàng năm
- Địa điểm: huyện Cần Giờ
- Lễ hội được tổ chức từ năm 1913, đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, nhằm thể hiện lòng thành, tín ngưỡng của ngư dân. Lễ gồm các hoạt động: viếng nghĩa trang liệt sĩ rừng Sác, lễ Thượng đại kỳ lễ hội, tặng bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá…
Phần hội gồm: triển lãm hình ảnh truyền thống đấu tranh cách mạng, khu ẩm thực miền biển, đêm hội trăng rằm, tết trung thu cho trẻ em…
* Liên hoan nghệ thuật hàn lâm Giai điệu mùa thu
- Thời gian: tháng 8 (định kỳ 2 năm/lần)
- Địa điểm: Nhà hát Thành phố (quận 1)
- Gồm 3 lĩnh vực: nhạc kịch, nhạc giao hưởng thính phòng, múa ballet của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Là nơi phát triển nghệ thuật hàn lâm để khán giả thưởng thức và quảng bá hình ảnh TP.HCM.
* Lễ hội TP.HCM: Ngôi nhà chung của chúng ta
- Thay thế cho Lễ hội TP.HCM - Phát triển và Hội nhập
- Thời gian: tháng 12 hàng năm
- Địa điểm: đường đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên bến Bạch Đằng, Công viên 30/4
- Có sự tham gia của lãnh sự quán các nước, các tổ chức quốc tế, đồng bào các dân tộc, các hội đồng hương trong nước.
Lễ hội gồm có gian hàng giới thiệu văn hoá các quốc gia, dân tộc; biểu diễn, giao lưu nghệ thuật; khu trò chơi dân gian, ẩm thực, quà lưu niệm; tổ chức liên hoan ẩm thực, lân sư rồng…
* Liên hoan Văn hoá Nghệ thuật Dân gian Việt Nam
- Thời gian: 1 tuần trước Giỗ tổ Hùng Vương (tháng 3 âm lịch)
- Địa điểm: đường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1)
- Thực hiện theo từng chuyên đề cụ thể, mời các nước trong khu vực ASEAN tham gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật dân gian; đoàn kết, giao lưu văn hoá giữa các dân tộc.
Liên hoan sẽ có chương trình trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, tái hiện những trò chơi dân gian, trao thưởng cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị tích cực tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian.
* Liên hoan Hợp xướng TP.HCM mở rộng
- Thời gian: tháng 5 hàng năm
- Mỗi năm tổ chức theo một chủ đề khác nhau. Liên hoan sẽ mở rộng, mời các tỉnh khác cũng như các quốc gia khác đến tham dự để tăng sự đa dạng.
* Ngày hội Văn hoá đọc năm 2020
- Thời gian: tháng 6 hàng năm
- Địa điểm: đường đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1)
- Nhằm tôn vinh giá trị sách, khẳng định vai trò, vị trí của sách trong đời sống người dân. Ngày hội có nhiều không gian: đọc sách xưa, giới thiệu sách hay, triển lãm ảnh văn hoá đọc, bản đồ biển đảo…
* Ngày hội Gia đình hạnh phúc
- Thời gian: dự kiến tổ chức trong 1 tuần, tháng 6 hàng năm
- Địa điểm: đường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1)
- Nhằm tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng văn hoá ứng xử trong gia đình; thúc đẩy sự quan tâm của gia đình, xã hội đến các dự án, phong trào nhằm giúp xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Ngày hội gồm các hoạt động: hội thảo nghiên cứu khoa học về các vấn đề của gia đình Việt Nam, triển lãm hình ảnh, hội thi cắm hoa nghệ thuật, hội thi nấu ăn, tuyên dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có đóng góp trong việc thúc đẩy xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc…
* Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương: Giải thưởng Trần Hữu Trang
- Thời gian: diễn ra trong 3 tuần, tháng 9 (dự kiến 2 năm/lần)
- Địa điểm: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Thành phố (quận 1)
- Với những thăng trầm của sân khấu cải lương, giải thưởng Trần Hữu Trang tạm dừng từ năm 2014 đến nay. Theo đề án, giải sẽ trở lại vào năm 2020 nhằm góp phần bảo tồn loại hình này, tìm kiếm tài năng mới để kế thừa, tôn vinh những nghệ sĩ có nhiều cống hiến…
Thí sinh tham dự là những nghệ sĩ đang hoạt động cải lương chuyên nghiệp trên toàn quốc, có thời gian hoạt động từ 5 năm trở lên và từ 25 tuổi trở lên.
Ngoài ra, cũng sẽ có giải thưởng cống hiến suốt đời cho các nghệ sĩ cải lương đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
* Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM
- Thời gian: đầu tháng 12 hàng năm
- Địa điểm: đường đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên bến Bạch Đằng (quận 1)
- Giới thiệu những nét đẹp trong âm nhạc truyền thống và đương đại Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đưa âm nhạc đến công chúng bằng hình thức hiện đại hơn, phát huy, lan toả tình yêu âm nhạc…
Lễ hội sẽ gồm nhiều hoạt động biểu diễn, giao lưu, trình chiếu ánh sáng nghệ thuật…
* Liên hoan nhạc kèn TP.HCM
- Thời gian: cuối tháng 12
- Địa điểm: đường đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên bến Bạch Đằng (quận 1)
- Tạo điều kiện cho các nhạc công giao lưu, học hỏi, biểu diễn, phục vụ đời sống âm nhạc của người dân, thu hút khách du lịch…
Trung Sơn