TP HCM kiến nghị phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

16/08/2016 - 12:01

PNO - UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Công an và Bộ Giao thông nghiên cứu quy định chế tài, xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm.

Theo đó, UBND TP cho rằng, người tiêu dùng chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc chọn mua và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng khi tham gia giao thông. Nhiều người mua và đội các loại mũ giả, kém chất lượng hoặc mũ không phải bảo hiểm với chi phí thấp để đối phó với lực lượng chức năng.

Theo lãnh đạo UBND TP HCM, hiện nay chưa có quy định chế tài cụ thể, rõ ràng về xử lý các trường hợp đội mũ không phải là mũ bảo hiểm cho xe máy trong khi các loại mũ bảo hiểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro và kém an toàn cho người lái xe.

Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra 676 vụ phát hiện 298 vụ buôn bán mũ bảo hiểm không có chứng từ hóa đơn, mũ không rõ nguồn gốc và mũ bảo hiểm nhập lậu; 182 vụ vi phạm quy định về chứng nhận hợp quy, nhãn hàng hóa, đăng ký kinh doanh và niêm yết giá; 11 vụ bán mũ giả nhãn hàng hóa, địa chỉ sản xuất không có thật.

TP HCM kien nghi phat nguoi doi mu bao hiem rom
Quản lý thị trường TP HCM trong đợt kiểm tra lập biên bản các điểm kinh doanh mũ bảo hiểm rởm.

Tổng cộng, lực lượng quản lý thị trường đã phạt hơn một tỷ đồng và tịch thu tiêu hủy 58.788 mũ bảo hiểm các loại với trị giá hàng hóa gần 3 tỷ đồng.

Công an thành phố cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả; tạm giữ 12.546 mũ bảo hiểm, tiêu hủy 987 cái, phạt hơn 52 triệu đồng và giải tỏa 48 điểm bày bán mũ bảo hiểm trên lòng lề đường. Hơn 200 nghìn người lái xe không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không đúng quy định bị xử lý.

Mạnh tay xử lý nhưng theo UBND TP HCM, việc sản xuất mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức và thủ đoạn hết sức tinh vi. Tình trạng bày bán mũ bảo hiểm giá rẻ, kém chất lượng vẫn tràn lan trên vỉa hè.

Từ trước đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ xử phạt người không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không cài quai theo quy định.

Chấn thương sọ não do đội mũ bảo hiểm rởm ngày càng tăng

Trước đó, TS Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, sau khi có quy định bắt buộc người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm, đến năm 2008, số người tử vong do tai nạn giao thông đã giảm gần 1.600 người.

Như vậy, có thể nói, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã góp phần làm giảm thiểu đáng kể số người tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Hiện nay, số người Việt Nam khi tham gia giao thông bằng xe máy có đội mũ bảo hiểm là khá cao, trên 90%.

Tuy nhiên, dựa vào các số liệu thu thập, đại diện của WHO cảnh báo, tại một số thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, số người đội mũ bảo hiểm không chuẩn, mũ không phải mũ bảo hiểm chiếm tỉ lệ rất lớn. Ông Nam khẳng định: “Mũ này không có tác dụng bảo vệ cho người đội khi tham gia giao thông”.

Theo TS Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam,  qua số liệu của Bộ Y tế thu thập hàng năm từ 100 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc, số người bị chấn thương sọ não nhập viện ngày càng tăng.

Năm 2010 là trên 15%. Năm 2013 là 25% (chiếm khoảng 25.000 ca chấn thương sọ não).

“Điều này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao số người đội mũ bảo hiểm cao như thế nhưng số người bị chấn thương sọ não lại tăng lên. Vậy nguyên nhân chính phải chăng do có quá nhiều người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, ông Nam trăn trở.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt Đức khi được hỏi về số nạn nhân bị tai nạn khi tham gia giao thông bằng xe máy, cho biết đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu xảy ra tai nạn. Họ không được bảo vệ bằng vỏ thép, dây bảo hiểm, vật duy nhất có thể giữ tính mạng cho họ chỉ là chiếc mũ nhựa nhỏ nhắn ở trên đầu. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do mà không ít người vẫn chấp nhận sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn cho chính mình theo kiểu đối phó.

“Chưa nói đến việc quản lý chất lượng mũ của các cơ quan chức năng, nhưng có thể thấy rằng, bản thân người điều khiển phương tiện cũng thừa biết chiếc mũ mà họ sử dụng có đảm bảo an toàn được hay không? Với giá chỉ 30 - 40 nghìn đồng, người ta có thể dễ dàng mua ở bất cứ vỉa hè nào một chiếc mũ mà chỉ cần… rơi nhẹ đã vỡ. Có thể vì tiếc tiền, vì tiện dụng, có thể vì đối phó, cũng có thể vì ý thức tự bảo vệ kém, nhưng hiểm họa là thường trực và tiêu chí cuối cùng là đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã không đạt được mục đích. Hay nói cách khác, khi chấp nhận đội những chiếc mũ rởm này, người ta đã tự thỏa hiệp với rủi ro của chính bản thân. Đó là điều đáng trách”, ông Hùng nói.

Minh Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI