Loay hoay tìm nơi tiêm ngừa
Hơn hai tháng qua, số lượng vắc xin dịch vụ tại Viện Pasteur TPHCM như: vắcxin 4 trong 1, vắc xin cúm (kể cả trẻ em, người lớn), 6 trong 1, vắc xin ngừa dại, thủy đậu… dần rơi vào trạng thái hết hàng. Gần đây, vắc xin viêm dạ dày ruột do virus Rota cũng đã hết. Như vậy, tính đến ngày 14/8, Viện Pasteur TPHCM gần như cạn kiệt vắc xin dịch vụ khi 39/40 loại vắc xin đều ở trạng thái hết hàng, chỉ còn một loại là vắc xin Prevenar ngừa bệnh viêm màng não, viêm phổi do phế cầu, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Ngay từ cổng, nhân viên của viện đã liên tục hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế khác tiêm ngừa. Nhiều người qua Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, BV quận, huyện để tiêm cho kịp liệu trình. Các trường hợp bệnh nhân bị chó, mèo cắn chọn lựa đến BV Bệnh nhiệt đới để tiêm ngừa vì… không biết đi đâu.
|
Các hàng ghế tại Viện Pasteur TPHCM trống trơn vì hết vắc xin dịch vụ, chỉ còn một loại là vắc xin Prevenar ngừa bệnh viêm màng não, viêm phổi do phế cầu - Ảnh: P.A |
Đợi tiêm ngừa tại Khoa Khám bệnh, BV Bệnh nhiệt đới, chị T.N.Y.N. (26 tuổi, ở quận 3) cho biết đang chờ đến lượt tiêm ngừa dại mũi thứ hai vì bị chó cắn. Ban đầu, chị đến Viện Pasteur TPHCM nhưng nơi này thông báo hết vắc xin. Chần chừ vài ngày, chị tiếp tục quay trở lại viện đăng ký tiêm. Lần này, chị được hướng dẫn sang BV Bệnh nhiệt đới vì không biết khi nào mới có vắc xin lại.
Bị chó nhà cắn ở mặt nhiều ngày, vùng má của bé L.T.S. (18 tháng tuổi, ở quận Bình Thạnh) vẫn còn các vết bầm tím khiến mẹ của bé lo lắng. Trước đó, bé S. được tiêm vắc xin ngừa dại tại Viện Pasteur TPHCM, chỉ còn mũi tiêm cuối cùng trong liệu trình thì nơi đây thông báo hết vắc xin. Để đảm bảo liệu trình cho bé, chị quyết định đến BV Bệnh nhiệt đới.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - đơn vị đang cố gắng khắc phục tình trạng hết vắc xin dịch vụ. Tuy nhiên, việc mua sắm vắc xin phải theo quy trình, đấu thầu nên có thể phải mất vài tháng nữa mới khắc phục được. Do đó, trong thời gian này, người dân nên đến các cơ sở y tế khác để tiêm ngừa, tránh trì hoãn sẽ giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Các bệnh viện, trạm y tế... vẫn còn vắc xin dịch vụ
Theo bác sĩ Võ Xuân Huy - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bệnh nhiệt đới - ba tháng qua, số lượng người có nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ tăng lên. Trong đó, bệnh nhân bị chó, mèo cắn… đến tiêm ngừa dại tăng gấp đôi với khoảng 200 mũi tiêm/ngày. Lượt bệnh nhân tiêm ngừa uốn ván, bạch hầu, viêm phế cầu, viêm gan A, B… tăng nhẹ. Đa số người bệnh được Viện Pasteur TPHCM hướng dẫn sang. “Hiện BV có đầy đủ vắc xin ngừa bệnh nên mọi người yên tâm, tránh đi tới, đi lui tốn kém chi phí và thời gian”, bác sĩ Huy nói.
Bác sĩ Huy khuyến cáo: “Nhiều người đang hiểu nhầm chỉ có Viện Pasteur và BV Bệnh nhiệt đới mới có vắc xin nên có tâm lý chờ đợi, hoặc trì hoãn tiêm ngừa, điều này không đúng. Hiện nay, ở các BV, cơ sở y tế tại quận, huyện và TP.Thủ Đức vẫn có vắc xin theo chương trình tiêm chủng quốc gia và vắc xin dịch vụ khác. Trường hợp cơ sở y tế tạm hết vắc xin sẽ hướng dẫn mọi người đến BV gần nhất để tiêm ngừa”.
Dược sĩ Phạm Công Huy - Phó khoa Dược, BV Lê Văn Thịnh - cũng cho biết những ngày qua, BV cũng có lúc hết một số loại như vắc xin 6 trong 1, cúm mùa, viêm não Nhật Bản, viêm gan A, B… do các công ty dược khó khăn trong nhập hàng. Vài ngày sau BV đã bổ sung đầy đủ vắc xin, số lượng đảm bảo cho người dân như vắc xin uốn ván, viêm gan… còn trên 100 liều. Hiện tại, BV chỉ hết vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, còn lại đều có đủ.
Một số trạm y tế tại quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận 11… cho biết vẫn còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia và cả vắc xin dịch vụ như 6 trong 1, thủy đậu, dại, viêm gan A, sởi - quai bị - rubella… Tùy vào lịch tiêm của các trạm y tế, vắc xin dịch vụ được tổ chức tiêm ngừa vào một hoặc nhiều ngày trong tuần.
Tương tự, các BV nhi ở TPHCM cũng cho biết vẫn đảm bảo nguồn vắc xin. Tuy nhiên cũng có một số khó khăn chung, nhất là ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và tình hình chiến sự trên thế giới. Điển hình hai năm qua, khi dịch COVID-19 xuất hiện, đã có thời điểm TPHCM phải tạm dừng các hoạt động tiêm chủng để tập trung phòng, chống cũng như tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho người dân. Do vắc xin có hạn sử dụng nên một số công ty dược hạn chế hoặc không nhập vắc xin. Sau dịch bệnh, khó khăn từ chiến sự giữa Ukraine và Nga làm cho không chỉ vắc xin dịch vụ mà các thiết bị y tế, một số thuốc điều trị cũng không thể có ngay lập tức.
Bên cạnh đó, quy định về mua sắm vật tư, thuốc, vắc xin… phải qua các quy trình, đấu thầu với nhiều thủ tục, cơ chế làm cho các cơ sở y tế có tâm lý lo ngại, trì hoãn nên chậm trễ trong bổ sung vắc xin dịch vụ. Hiện nay, không chỉ riêng Viện Pasteur TPHCM mà những cơ sở y tế khác cũng “vướng” trong việc nhập hàng.
Phạm An