TP.HCM không thể cứ là 'bò sữa' bị vắt quá nhiều nữa!

05/12/2018 - 12:45

PNO - Cần phải có đánh giá một cách rõ nét về TP.HCM trong bối cảnh Nghị quyết 54 đang bị đánh giá là chưa phát huy đầy đủ về sự tự chủ.

Sáng 5/12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khoá IX tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại hội trường.

Phát biểu về áp lực thu chi ngân sách của thành phố, đại biểu (ĐB) Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM - cho rằng, nếu đối chiếu báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, sẽ thấy sang năm 2019, khả năng thu nội địa căng thẳng vô cùng và áp lực chi rất lớn.

TP.HCM khong the cu la 'bo sua' bi vat qua nhieu nua!
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: Minh Thanh

“Dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2019 phát sinh trên địa bàn thành phố sẽ cao hơn dự toán năm 2018 là 22 nghìn tỷ đồng. Như vậy, dự toán thu nội địa phải tăng 16 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô là phải tăng 5,4 nghìn tỷ đồng và hoạt động xuất nhập khẩu phải tăng 800 tỷ đồng. Vấn đề đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tối đa trong thu nội địa”, ông Khuê nói.

Trong khi đó, ngoài quyết liệt trong thu nội địa như trên, còn nhiều bất cập liên quan đến vấn đề thu theo ông Khuê cần phải xem xét rốt ráo.

Theo ông, Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (NQ54) cho thành phố giữ lại 100% vốn từ cổ phần hóa, thoái hóa vốn doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, câu chuyện kéo dài từ cả năm nay đó là thành phố chưa có lộ trình cho công tác cổ phần hóa, thoái hóa vốn doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, dù số thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu được điều tiết 100% từ ngân sách Trung ương. Nhưng theo ông Khuê, thành phố cũng cần nhắm làm sao khai thác tốt, để dẫn đến khả năng kết nối thu chi dễ dàng hơn.

“Tôi thấy rằng nguồn thu từ xổ số kiến thiết, nếu tính toán lại chúng ta tăng hơn 12%. Nếu dành cho chi đầu tư công thì đây rõ ràng là điểm giải pháp mà thành phố phải tính đến”, ông nói.

Một khó khăn nữa, theo ông Khuê, sắp tới, theo Quyết định 1629 của Chính phủ, bắt đầu từ 1/7/2019, tiến hành điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng. Đặt ra vấn đề phải giải quyết bù chi.

“Chúng ta bù giữa nguồn thu để làm sao giải quyết được việc tăng lương cơ sở này. Bộ Tài chính trình Chính phủ cho chúng ta dùng 2,2 nghìn tỷ đồng cho đợt cải cách tiền lương tới. Trong đó, 50% chi cho thu nhập tăng thêm và 50% để lại cho chăm lo an sinh xã hội. Như vậy là rất khó”, ông Khuê đánh giá.

Với thành tích nhiều năm liên tục vượt chỉ tiêu thu ngân sách, ông Khuê cho rằng cần phải có chính sách đúng cho thành phố.

“Tôi nói với Bộ trưởng Bộ Tài chính, TP.HCM không giấu diếm gì Trung ương. Tôi rất mong Bộ Tài chính cần phải có đánh giá một cách rõ nét đối với TP.HCM trong bối cảnh Nghị quyết 54. Cần cải tiến tỷ lệ để lại cho thành phố. Bây giờ chúng ta chỉ được 18%. Tức làm ra 100 đồng, nhưng chỉ được sử dụng 18 đồng, còn lại 82 đồng nộp ngân sách Trung ương. Trong khi đó, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 với các đòi hỏi làm sao thực hiện tốt chăm lo an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn của người dân, thì rõ ràng đây là một thách thức không nhỏ”, ông Khuê nói.

Theo ông, trong phân bổ sắp tới, ông yêu cầu phải có định mức chỉ tiêu xác định rõ, không thể cảm tính. “Không thể xem TP.HCM là một bò sữa mà vắt sữa một cách quá nhiều nữa. Chúng ta phải tạo điều kiện để thành phố chăm lo an sinh xã hội đầy đủ. Hơn nữa, TP.HCM là vùng thu hút rất đông nguồn nhân lực của cả nước, nhưng tôi cho rằng việc quan tâm trở lại đối với thành phố chưa đầy đủ”, ông ưu tư.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố năm 2018 ước đạt 369.621 tỷ đồng, đạt hơn 98% dự toán, tăng 7,14% so cùng kỳ.

Liên quan đến Nghị quyết 54, UBND thành phố cho biết, hiệu quả kinh tế xã hội của nghị quyết nhìn chung còn khiêm tốn. Ngoài vấn đề cần thời gian để đo đếm, vẫn còn một số nội dung “ý kiến khác nhau” giữa các bộ ngành Trung ương.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ĐB Trần Quang Thắng nói: “Nghị quyết 54 đến nay chưa phát huy đầy đủ về tự chủ trong các quyết định triển khai các dự án then chốt của thành phố. Nguyên nhân là còn vướng Luật Đầu tư công, Luật Đất đai và nguồn lực từ tỷ lệ 18% để lại cho TP.HCM quá hạn chế để bảo đảm các yếu tố quan trọng như thời điểm, tốc độ và quy mô”.

Quốc Ngọc

 
TIN MỚI