Trong kiến nghị này có dự án nạo vét, kiên cố hóa, cải thiện hệ thống thoát nước chống ngập dọc tuyến kênh Trung Ương. Trên thực tế, Trung Ương chỉ là một trong số rất nhiều dòng kênh đang bị “tắc thở” do nạn lấn chiếm kênh rạch.
|
Người dân địa phương ngán ngẩm sống chung với nạn ô nhiễm do kênh bị lấn chiếm |
Kênh nghẹt dòng, dân bỏ lúa vụ hai
Kênh Trung Ương có chiều dài 12,7km, chảy qua hai huyện Bình Chánh, Hóc Môn (TP.HCM). Dòng kênh này được đào thủ công liên tục trong 3 năm nhằm làm nơi tiêu thoát nước cho gần 100.000 hộ dân ở hai huyện này nhưng nay, nó chỉ còn là “mương chứa rác”, dòng chảy bị tắc nghẽn.
Dưới kênh, đoạn giao với đường Dân Công Hỏa Tuyến (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh), xác động vật cùng với rác thải sinh hoạt lềnh bềnh. Giữa trưa nắng, mùi hôi bốc lên nồng nặc khiến người qua lại phải bịt mũi.
Không chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ nuôi heo cũng xả trực tiếp ra kênh. Mọi thứ rác thải, vật dụng, xác động vật đều bị vứt xuống kênh, nên dòng nước bị đọng lại, bốc mùi hôi thối. Nhiều đoạn kênh còn bị dân ngăn lại để nuôi cá, lấn chiếm làm nhà, thậm chí họp chợ. Mùa mưa, nước tràn lên bờ gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân.
Dòng kênh Trung Ương tắc nghẽn đã ảnh hưởng đến gần một mẫu ruộng của ông Lê Văn Cư (ngụ tại ấp 2, xã Vĩnh Lộc A) và nhiều hộ sản xuất khác. Mấy năm nay, ông Cư chỉ trồng được một vụ lúa thay vì hai vụ như trước. “Nếu làm được hai vụ thì gia đình tôi không những có lúa để ăn mà còn dư để bán. Nhưng dòng kênh ứ đọng kiểu này, nếu làm hai vụ, mới sạ đã ngập nước” - ông Cư nói.
Trước tình trạng trên, UBND H.Bình Chánh vừa có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp để cứu hơn 1.700 hộ nuôi cá và trồng lúa đang bị ảnh hưởng. UBND H.Bình Chánh cho rằng, ngoài nguồn nước từ sông Chợ Đệm chảy sang, còn có nhiều nguồn nước thải công nghiệp không đạt chuẩn xả ra môi trường, làm ô nhiễm kênh rạch và diện tích ô nhiễm ngày càng lan rộng.
Đáng chú ý là tình trạng nước thải công nghiệp tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân chảy tràn vào hệ thống nước mưa, đổ ra nhiều nhánh kênh B, kênh C rồi thông ra sông Chợ Đệm. Các hộ nông dân nuôi cá gần đây đã phải gánh chịu tình trạng cá chết nhiều hơn, cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
|
Theo người dân địa phương, tác nhân gây ô nhiễm kênh Trung Ương là các doanh nghiệp xả thải và hộ chăn nuôi |
Tại TP.HCM, tình trạng lấn chiếm kênh rạch để làm nhà ở, chung cư hiện khá phổ biến, không trừ địa phương nào. Tại P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, người dân địa phương rất bức xúc việc rạch Đuôi Trâu bị lấn chiếm. Năm 2012, con rạch này có bề ngang 6,5m nhưng hiện chỉ còn là một con mương nhỏ. Con rạch Bần Đôn đoạn qua P.Bình Thuận, Q.7 từng là con rạch lớn, rộng đến 100m nhưng đến nay, có chỗ chỉ còn khoảng 50m.
Thực trạng kênh rạch bị lấn chiếm để lại hậu quả rất khủng khiếp. Có thể kể, từ khi A41 dài 2km bị tắc nghẽn, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn. Theo thống kê, trong hai tháng 5 - 6/2018, TP.HCM đã hứng chịu 10 trận ngập tương đối nghiêm trọng, nhiều khu vực ngập sâu nhiều giờ liền, khiến đời sống của người dân bị đảo lộn.
Cần đẩy nhanh các dự án thông dòng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào cuối tháng 3/2017, Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM và nhiều lực lượng của H.Bình Chánh đã ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh Trung Ương đoạn qua xã Vĩnh Lộc B. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện những đoạn kênh còn lại vẫn ô nhiễm trầm trọng, điển hình là đoạn qua xã Vĩnh Lộc A.
Vào năm 2016, UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM tổ chức khảo sát, lập dự án nạo vét, kiên cố hóa, cải thiện hệ thống thoát nước chống ngập dọc tuyến kênh Trung Ương. Đến nay, dự án đang được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thẩm định, phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dự án được giao cho trung tâm trên làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự kiến hơn 175 tỷ đồng, nhưng đến nay, vẫn chưa có động tĩnh.
Tiến sĩ Tô Văn Thanh - Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam nhận định: “Công tác bảo vệ hành lang sông, hệ thống kênh rạch thoát nước tại TP.HCM còn nhiều yếu kém, có nơi còn hợp thức hóa diện tích đất dùng cho việc thoát nước để xây dựng nhà ở. Để giải quyết được bài toán chống ngập, TP.HCM cần phải xử lý cho được các điểm lấn chiếm kênh rạch, khai thông dòng chảy. Nếu để tình trạng lấn chiếm kéo dài, hệ lụy về ngập úng, sạt lở sẽ rất khó lường”.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP.HCM có gần 17.000 căn nhà “ổ chuột” trên kênh và ven kênh, rạch rất khó giải tỏa vì vướng đến giá cả đền bù, kế hoạch tái định cư. Theo kế hoạch, việc giải tỏa, di dời sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn: từ nay đến năm 2020, giải tỏa 9.800 căn; từ năm 2020-2025, hoàn thành mục tiêu và tổ chức lại cuộc sống của người dân.
Tại buổi làm việc (vào cuối tháng Năm vừa qua) với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM và lãnh đạo 24 quận, huyện cùng các sở, ngành về tình hình ngập nước, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các đơn vị phải xử lý dứt điểm các vị trí lấn chiếm kênh rạch trong năm 2018.
Theo cập nhật của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, có 59 cửa xả thuộc 23 tuyến đường, 105 hầm ga thuộc 41 tuyến đường, 13,9km cống và 394 hầm ga thuộc 92 tuyến đường bị xây dựng lấn chiếm, 61 vị trí trên kênh, rạch phục vụ thoát nước bị lấn chiếm. Có ít nhất 10 quận, huyện có tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước.
|
Sơn Vinh