TP.HCM: Giấc mơ "18 thôn vườn lan"

08/09/2015 - 13:48

PNO - Bà giáo Phước chủ vườn lan Mokara hơn 1.000m2 với thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng và giấc mơ "18 thôn vườn lan".

Bà giáo Phước vừa bước vào những ngày hưu trí đầu tiên. Mỗi sáng, bà khoan thai ra vườn lan, nâng niu từng nhành hoa, tỉa từng chiếc lá. Vườn Lan Mokara hơn 1.000m2 của bà đang cho thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng.

Đã có thể sống anh nhàn, nhưng bà vẫn đứng ra lập hợp tác xã (HTX) nông nghệp, mở lớp tập huấn làm nông cho bà con trong xã... bà Lê Thị Mỹ Phước, ở ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM - Trung tâm của "Mười tám thôn vườn trầu".

TP.HCM: Giac mo
Niềm vui của bà giáo Phước là mỗi sáng chăm sóc vườn lan Mokara

Gầy dựng vườn lan

Ở đây, cây trầu từng có thời hoàng kim, nuôi sống và thậm chí làm giàu cho không ít gia đình. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, đất xấu dần khiến trầu còi cọc, người ăn trầu cũng hiếm nên trầu khó bán. Vì thế, người dân dần loại bỏ vườn trầu, dù chưa tìm được loại cây thay thế.

Bà giáo Phước là người chứng kiến sự thịnh suy của cây trầu; gia đình bà từng có tiếng trong ấp về sản lượng trầu nhưng cuối cùng đành bỏ hết. Cũng như những hộ khác trong ấp, bà từng “đau đầu” khi tìm kiếm một mô hình kinh tế mới cho gia đình.

Với bằng thạc sĩ ngành sinh học, bà từng giảng dạy ở khoa Nông nghiệp, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sau đó chuyển sang khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

“Năm 2000, tôi được học trò tặng hai giò lan về chưng. Tiếng là có chuyên môn sinh học, nhưng tôi không rành về cây lan lắm. Tôi ngạc nhiên khi thấy cây lan lâu tàn, lại có thể cho thêm hoa mới nên bắt đầu tìm hiểu.

Càng tìm hiểu càng mê, đi đâu gặp lan, tôi cũng tha về, treo khắp nhà. Khi tìm hiểu chuyên sâu, tôi nhận ra khí hậu, thổ nhưỡng vùng Hóc Môn rất phù hợp với cây lan, đặc biệt là loại lan Mokara, cho hiệu quả kinh tế cao nếu trồng đúng kỹ thuật”.

Sẵn diện tích hơn 1.500m2 vốn trước đây trồng trầu, bà giáo Phước đầu tư vào vườn lan, làm chuyên nghiệp để kiếm thu nhập chứ không trồng chơi như trước.

Ngoài giờ lên giảng đường, bà mày mò tìm hiểu, đến các vườn lan lớn để tham quan, học hỏi. Đầu tiên, bà trồng lan Ngọc Điểm, sau đó chuyển qua Dendro và cuối cùng là chọn Mokara để trồng đại trà. Đến năm 2002, vườn lan Mokara của bà bắt đầu cho thu nhập ổn định.

Giúp nông dân dân tiêu thụ

Theo bà Phước, trong các loại cây nông nghiệp thì lan là loại mang lại thu nhập ổn định và cao nhất. Nếu đầu tư 1.000m2 đất, sẽ trồng được 6.000 gốc Mokara, tốn 300 triệu đồng tiền cây giống (50.000đ/gốc) và 200 triệu đồng phí xây dựng.

Từ tháng thứ 6, khoảng 20% lan Mokara bắt đầu cho thu hoạch, sau đó tăng lên 50%. Sau một năm, mỗi cây cho 10-15 cành, vị chi mỗi tháng có thể “bỏ túi” gần 30 triệu đồng.

“Mokara là cây ít sâu bệnh, ra hoa đều và gần như không có tuổi vì sau khoảng ba năm, cây bắt đầu già, ta có thể cắt ngang thân cây hạ xuống, sau sáu tháng lại thu hoạch với thân cây mới, còn gốc có thể tách ra thành những cây mới khác. Nếu làm giỏi, sau một năm đã có thể lấy lại vốn, sau đó chỉ việc chăm sóc và thu lợi”, bà chia sẻ.

Khi trồng được nhiều, bà lại lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Bà tự tìm đến các đại lý hoa, ra cả chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM) để thăm dò, kiếm đầu ra cho sản phẩm. Bà cũng tận tình khuyến khích, hướng dẫn kỹ thuật cho các gia đình khác trong ấp chuyển qua trồng lan.

Làm ra sản phẩm rồi, chính họ lại cậy nhờ bà trong việc tiêu thụ. Bà Phước làm đại lý thu mua, nhập lan về chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Hiện bà thu lan ba lần/tuần, mỗi lần được gần 10 triệu đồng để chuyển đi.

“Tôi không dám lấy lời, chỉ lấy chút chênh lệch để bù cho phí vận chuyển. Bà con giao lan, tôi giao tiền luôn nên nhiều phen đưa hàng đi giao, bị rớt giá tôi cũng phải chịu thay cho bà con. Gia đình mình không khó khăn lắm nên “gánh” được, quan trọng là nông dân ở đây chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, đỡ vất vả mà có thu nhập tốt” - bà bộc bạch.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI