TP.HCM: Gần 90% viện trợ nước ngoài dành cho y tế

22/04/2014 - 10:20

PNO - PNO – Trong 175 khoản viện trợ với tổng trị giá gần 42,4 triệu USD, gần 90% khoản tập trung cho các chương trình, dự án trên lĩnh vực y tế, thuốc men, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phòng, chống HIV/AIDS.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Báo cáo của UBND TP.HCM về công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại thành phố năm 2013 cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt cho phép các đối tác Việt Nam tiếp nhận 175 khoản viện trợ trị giá gần 42,4 triệu USD (tăng 77% so với cùng kỳ năm 2012), gồm 8 chương trình, dự án với tổng giá trị hơn 4 triệu USD và 167 khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị gần 38.4 USD.

Tuy số lượng các khoản viện trợ phi chính phủ có giảm nhưng giá trị giải ngân năm 2013 của thành phố đạt gần 35,4 triệu USD, tăng 16% so với năm 2012.

Nhìn chung, trong năm 2013, lĩnh vực tài trợ và đối tượng thụ hưởng không thay đổi nhiều so với các năm trước. Gần 90% các khoản viện trợ tập trung cho các chương trình, dự án trên lĩnh vực y tế, thuốc men, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phòng, chống HIV/AIDS. Hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trên các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, hỗ trợ người nghèo và môi trường còn hạn chế, chỉ chiếm 10% các khoản viện trợ.

Một số lĩnh vực mà TP.HCM có nhu cầu và đã kêu gọi viện trợ nhưng chưa được nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm như bảo vệ môi trường, nông nghiệp…

Tính đến cuối năm 2013, TP.HCM có 142 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt động (tăng 7 đơn vị so với năm 2012). Phần lớn các tổ chức đến từ khu vực châu Mỹ (60 tổ chức) và châu Âu (51 tổ chức); châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 31 tổ chức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại thành phố nảy sinh một số khó khăn liên quan đến an ninh, đối ngoại. Một số điểm đáng lưu ý như nhiều tổ chức xin cấp giấy đăng ký hoạt động nhưng không có đối tác cụ thể tại thành phố và không chủ động liên hệ với các cơ quan đầu mối tại địa phương để tìm đối tác. Khoảng 1/3 số tổ chức phi chính phủ nước ngoài được gia hạn hoặc bổ sung địa bàn hoạt động tại TP.HCM nhưng không chủ động liên hệ với cơ quan đầu mối tại địa phương, hoặc không triển khai hoạt động tại thành phố.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài có xu hướng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động dự án mà không chuyển cho đối tác Việt Nam hoặc chuyển sang hình thức hỗ trợ kỹ thuật (cung cấp tình nguyện viên, tập huấn nâng cao năng lực) thay vì tài trợ trực tiếp. Một số tổ chức phi chính phủ tổ chức hội thảo hoặc tập huấn tại TP.HCM nhưng chỉ xin phép cơ quan trung ương mà không phối hợp, thông tin với thành phố.

Gần đây, một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã được các cơ quan, đơn vị cấp trung ương cấp giấy chứng nhận hoạt động là tổ chức khoa học công nghệ. Hiện tượng này cho thấy, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi trở thành các Quỹ từ thiện, các tổ chức khoa học công nghệ Việt Nam.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI