TP.HCM đối diện nguy cơ mất hơn 171 tỷ mua máy móc cho bệnh viện: Lỗi tại ai?

09/06/2018 - 16:17

PNO - 30/5/2018 là hạn cuối trong công văn UBND TP.HCM gửi Bộ Tài Chính, Bộ Y tế kiến nghị gia hạn thời gian hoàn tất việc mua máy móc thiết bị y tế cho 20 bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng.

Luật Bảo hiểm Y tế số 25/2008/QH12 và Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung số 46/2014/QH13 quy định: Nếu tỉnh/thành nào còn kết dư quỹ bảo hiểm y tế trong năm tài chính (thời kỳ hạch toán) sẽ được giữ lại 20% quỹ bảo hiểm y tế sử dụng.

Năm 2015, quỹ bảo hiểm y tế tại TP.HCM có dư sau một năm trừ tất cả các chi phí khám chữa bệnh, do đó, năm 2017, sau khi tất toán, thành phố được giữ lại 20% số dư này.

TP.HCM doi dien nguy co mat hon 171 ty mua may moc cho benh vien: Loi tai ai?
 

Bộ Tài chính, Bộ Y tế... không phản hồi TP.HCM

Năm 2017, TP.HCM được chi hơn 171 tỷ đồng từ số tiền kết dư trong năm 2015 của quỹ bảo hiểm y tế để mua sắm máy móc cho các bệnh viện. UBND TP và Sở Y tế TP.HCM đã duyệt cho 20 bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng được mua sắm máy móc. Và theo quy định, sau ngày 29/12/2017, nếu quỹ này không được sử dụng hoặc sử dụng không hết phải trả lại cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngày 31/7/2017, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM gửi công văn số 6826/SYT-KHTC, đề nghị các bệnh viện đã được phân bổ ngân sách phải sớm mua máy móc thiết bị, tránh để hết thời hạn mà chưa mua được máy móc phục vụ người dân. Dựa theo chỉ đạo này, nhiều bệnh viện đã rục rịch mời thầu; thậm chí có bệnh viện đã chuẩn bị công bố kết quả trúng thầu.

Thế nhưng, sau đó UNBD TP đột ngột gửi thông báo số 634/TB-VP chỉ đạo “Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế là đơn vị mua sắm tập trung gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn kinh phí kết dư quỹ bảo hiểm y tế năm 2015”, chứ không để các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu.

TP.HCM doi dien nguy co mat hon 171 ty mua may moc cho benh vien: Loi tai ai?
 

Ngay tại thời điểm đó, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ảnh việc đấu thầu tập trung máy móc chưa bao giờ thực hiện nên sẽ khó diễn ra đúng tiến độ và đặt hoài nghi “Sở Y tế sẽ mua kịp máy móc cho các bệnh viện?”.

Đến ngày 31/12/2017, thời hạn sử dụng quỹ kết dư của Bảo hiểm Y tế chấm dứt, ngành y tế TP.HCM vẫn chưa mua được máy móc. Đúng như nhận định của Báo Phụ Nữ, ngành y tế TP.HCM không thể hoàn tất việc đấu thầu mua sắm vào cuối năm 2017 nên trước đó vào ngày 26/12/2017, UBND TP.HCM gửi công văn cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cam kết đến ngày 31/1/2018 sẽ hoàn tất việc đấu thầu mua sắm.

Lời đề nghị này không được BHXH Việt Nam từ chối hay đồng ý mà chỉ phản hồi: “Sẽ xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Tài chính”.

Công văn này chưa được liên Bộ Tài chính – Y tế phản hồi thì ngày 6/3/2018, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục gửi công văn đến Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xem xét gia hạn thời gian thực hiện gói thầu kéo dài đến ngày 31/5/2018. Nguyên nhân theo Sở Y tế là quá trình đấu thầu máy móc xảy ra trục trặc do phải giải quyết một số kiến nghị của nhà thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

TP.HCM doi dien nguy co mat hon 171 ty mua may moc cho benh vien: Loi tai ai?

Và đến nay, cả công văn xin gia hạn đến tháng 1/2018 và tháng 5/2018 đều chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài chính, Bộ Y tế. Điều này đồng nghĩa, TP.HCM đối diện nguy cơ mất trắng hơn 171 tỷ đồng cho việc mua sắm máy móc cho 20 bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng.

Bộ không nên giữ "quyền im lặng"

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết đã đề nghị các Bộ Tài chính, Bộ Y tế cho ý kiến cụ thể đối với từng trường hợp vướng mắc trong sử dụng nguồn kinh phí dành cho khám chữa bệnh chưa sử dụng hết năm 2015, trong đó có tổng hợp tình hình thực hiện của TP.HCM. BHXH cũng trình bày kiến nghị của Sở Y tế TP.HCM đã nêu về việc gia hạn thời gian sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ bảo hiểm y tế. BHXH sẽ thông báo cho TP.HCM khi có ý kiến trả lời từ Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, TP.HCM đã lựa chọn và công bố được hết 5 gói thầu về máy móc, thiết bị y tế cho 20 bệnh viện và trung tâm y tế; tuy nhiên đến nay, TP.HCM vẫn chưa nhận được văn bản đồng ý của Bộ Tài chính, Bộ Y tế về việc gia hạn thời gian xét thầu sau 31/12/2017.

Nếu như không được thông qua, các công ty trúng thầu sẽ khiếu nại Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình – đơn vị tổ chức đấu thầu. Và những lần sau, nếu TP.HCM tiếp tục tổ chức đấu thầu máy móc từ quỹ kết dư bảo hiểm y tế thì sẽ khó mời các công ty tham gia dự thầu!

TP.HCM doi dien nguy co mat hon 171 ty mua may moc cho benh vien: Loi tai ai?
 

Một chuyên gia tham dự thầu khẳng định: “Ngay cả đấu thầu thuốc tập trung lần đầu tại TP.HCM cũng trầy trật, không diễn ra đúng thời hạn. Trong khi, đấu thầu tập trung máy móc còn khó gấp nhiều lần đấu thầu thuốc, vì mỗi bệnh viện có nhu cầu máy móc, cấu hình máy… không giống như viên thuốc cụ thể. Do đó, những bệnh viện tự đấu thầu được thì nên để bệnh viện thực hiện, còn những cơ sở không đủ năng lực thì nên tập trung về Sở. Và những tình huống như vậy nên liệu cơm gắp mắm”.

Giám đốc một bệnh viện tuyến quận bức xúc: “Bệnh viện được duyệt ngân sách vài tỷ đồng để mua máy phẫu thuật sọ não, phẫu thuật cột sống… nên các bác sĩ rất mừng vì cơ hội để thực hiện phẫu thuật chuyên sâu tại bệnh viện, hạn chế chuyển viện. Thế nhưng đột ngột nhận thông báo mua tập trung, giờ… xem ra như trắng tay”.

Giá như các bệnh viện được tự chủ đấu thầu máy móc như công văn ban đầu là UBND phê duyệt, BHXH cấp ngân sách thì ít ra, số tiền từ quỹ kết dư 2015 tại TP.HCM sẽ không trắng tay như hiện nay. Và hiển nhiên, nhiều bệnh viện đã có máy móc phục vụ cho người bệnh.

Dù có đồng ý hay từ chối lời đề nghị xin gia hạn thời gian mua sắm máy móc từ quỹ kết dư bảo hiểm y tế thì Bộ Tài chính, Bộ Y tế cũng phải phản hồi để các bệnh viện biết cách tính toán phục vụ người bệnh.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI