TP.HCM dốc toàn lực, quyết vượt qua đợt dịch nguy hiểm

07/07/2021 - 06:30

PNO - Chưa lúc nào TP.HCM bị “tổn thương” như hiện nay khi số ca bệnh COVID-19 tăng mỗi ngày, số vùng phong tỏa cũng tăng.

500 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng

Bác sĩ L.H. của Bệnh viện (BV) Điều trị COVID-19 Trưng Vương có lẽ chưa bao giờ hình dung được cảnh tượng như hiện giờ khi ngày ngày, anh gặp đồng nghiệp qua những bộ quần áo bảo hộ kín mít. Từ giữa tháng Sáu, BV Trưng Vương được lệnh phải chuyển đổi công năng hoàn toàn, từ BV đa khoa thành BV chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19. Chỉ sau khoảng hai tuần, BV đã tiếp nhận 700 bệnh nhân COVID-19, gần như chật kín số giường dự kiến. 

TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát chặt cửa ngõ ra vào thành phố để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19 Ảnh: Tam Nguyên
TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát chặt cửa ngõ ra vào thành phố để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19 Ảnh: Tam Nguyên

Những ngày cùng chiến đấu chống COVID-19, bác sĩ L.H. không khỏi chạnh lòng khi thấy các đồng nghiệp trẻ đọc vội tài liệu y khoa trong trang phục bảo hộ trắng toát. Nhưng chắc chắn anh và các đồng nghiệp sẽ không bao giờ lơ là nhiệm vụ. 

Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - chủng Delta của vi-rút SARS-CoV-2 khiến một số người mắc trở nặng đột ngột, từ triệu chứng nhẹ chuyển ngay sang tình trạng suy hô hấp. Chính vì vậy, TP.HCM cần sớm trang bị thêm máy móc, vật tư y tế để kịp cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19. 

Tính đến ngày 6/7, số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM đã lên gần 7.000 người. Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị phương án có 500 giường hồi sức trong tổng số 15.000 giường bệnh cho người mắc COVID-19. Tùy tình trạng bệnh, người bệnh có thể được chuyển vào những BV khác nhau. 

Lực lượng y tế khám sàng lọc, tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân ở TP.HCM Ảnh: Tam Nguyên
Lực lượng y tế khám sàng lọc, tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân ở TP.HCM Ảnh: Tam Nguyên

Sẽ có bảy BV thuộc nhóm hồi sức chuyên sâu cho bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng, gồm BV Chợ Rẫy (100 giường), BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (100 giường), BV Điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch (75 giường), BV Điều trị COVID-19 Trưng Vương (75 giường), BV Điều trị COVID-19 Thủ Đức (50 giường), Bệnh viện Nhi Đồng 2 (20 giường) và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (20 giường). Có bốn BV điều trị các trường hợp COVID-19 có triệu chứng, hai BV tiếp nhận, điều trị các trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. 

Trong 130 BV ở TP.HCM, đến nay, có ít nhất 55 nơi đã phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 đến khám, chữa bệnh. Tính từ ngày 18/5/2021 - khi BV Vinmec Central Park phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên của đợt bùng phát dịch lần thứ tư ở TP.HCM - đến nay, đã có 459 người được các BV công lập và tư nhân ở TP.HCM phát hiện mắc COVID-19. Đến nay, đã có năm BV phải phong tỏa hoàn toàn, gồm BV Q.Tân Phú, BV Nam Sài Gòn, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV Phạm Ngọc Thạch và BV Đa khoa Sài Gòn.

Kiểm soát chặt từ bệnh viện đến đường phố

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM - cho biết từ đầu tháng Sáu đến nay, số bệnh nhân điều trị nội trú đã giảm bốn lần. Những trường hợp có sức khỏe ổn định được cho xuất viện, tiếp tục theo dõi tại địa phương, chỉ còn khoảng 280 bệnh nhân điều trị nội trú tại cơ sở 1 (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh).

Y, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương thăm khám bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh: Phạm An
Y, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương thăm khám bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh: Phạm An

Do bệnh nhân ung thư là đối tượng có nhiều nguy cơ nếu chẳng may nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, BV Ung Bướu TP.HCM quyết định hạn chế số người chăm sóc, chỉ cho phép họ vào khu điều trị nội trú chăm sóc bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt, già yếu, khuyết tật, những bệnh nhân còn lại phải cố gắng tự chăm sóc mình. 

Hiện bệnh nhân ra vào BV Ung Bướu TP.HCM phải qua bốn bước kiểm tra: sau khi khai báo y tế ở cổng, bệnh nhân được bác sĩ khám hỏi lại một lần nữa về những yếu tố dịch tễ; khi đến cầu thang vào khoa điều trị nội trú, bệnh nhân phải được bảo vệ kiểm soát, dán nhãn mới được vào phòng bệnh; trong quá trình điều trị, y bác sĩ tiếp tục hỏi lại về dịch tễ của bệnh nhân. Số bệnh nhân đến khám ngoại trú cũng đã giảm một nửa để đảm bảo khoảng cách an toàn trong BV; những người đến hóa trị, xạ trị ngoại trú đều được xét nghiệm (test) nhanh kháng nguyên. 

Từ hai tuần nay, BV Chợ Rẫy cũng siết chặt việc quản lý người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh được khuyến cáo mua sắm vật dụng ngay trong căng-tin BV để tránh tiếp xúc với người bên ngoài khuôn viên BV; vật dụng gửi từ bên ngoài vào đều phải đóng gói, được phun xịt khử khuẩn, đặt trên bàn, sau đó người nuôi bệnh mới được thông báo xuống nhận hàng. Người nuôi bệnh chỉ được ra vào căn phòng có người thân đang điều trị, không được đi sang phòng khác, không trò chuyện với những người nuôi bệnh khác. Những bệnh nhân chạy thận vẫn được duy trì ba ngày/tuần nhưng trước khi vào phòng chạy thận 30 phút, bệnh nhân phải có kết quả test nhanh âm tính với COVID-19. Cứ ba ngày/lần, toàn bộ nhân viên của BV phải được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. 

Các cửa ngõ ra vào TP.HCM được tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt để phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tam Nguyên
Các cửa ngõ ra vào TP.HCM được tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt để phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tam Nguyên

Bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Chợ Rẫy - cho biết việc chống dịch trong BV luôn thay đổi tùy theo tình hình dịch bên ngoài. Hiện tại, BV Chợ Rẫy hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bên trong và bên ngoài BV. Số bệnh nhân nội trú đã giảm còn 1/3 (còn 1.000 người, là những bệnh nhân nặng như chấn thương sọ não, suy tim, suy thận, ung thư…), bệnh nhân ngoại trú giảm còn 1/5. 

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Hùng Vương - cho biết do là BV phụ sản nên số bệnh không giảm nhiều như các BV khác. Với những trường hợp mổ cấp cứu, bệnh nhân được test nhanh và test RT-PCR cùng lúc và đa phần được mổ trong phòng cách ly. Mỗi lần vào phòng mổ, phẫu thuật viên phải mặc đủ ba lớp, gồm quần áo mổ, quần áo bảo hộ, quần áo mổ vô trùng. Do vậy, sau ca mổ, phẫu thuật viên luôn đầm đìa mồ hôi. Dù vậy, theo bác sĩ Diễm Tuyết, đó là việc cần làm lúc này.

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM ngày 5/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo TP.HCM phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố. Khi thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, việc tổ chức xét nghiệm tầm soát COVID-19 sẽ hiệu quả hơn nhiều; người dân sẽ không phải tập trung quá đông ở nơi lấy mẫu xét nghiệm. 

Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền TP.HCM có giải pháp để người dân không phải lo lắng về chuyện đi lấy mẫu xét nghiệm; khi người dân có triệu chứng nhưng không thể đến BV thì cử nhân viên y tế đến tận nhà để test nhanh; khi phong tỏa, nên ưu tiên xét nghiệm người cao tuổi, người có bệnh lý nền để phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm giảm số mắc bệnh nặng. Phó Thủ tướng cho rằng, TP.HCM nên cho phép người dân tự thực hiện các test nhanh; việc xét nghiệm phải gắn với kết quả các xét nghiệm trước đó, gắn với điều tra dịch tễ, không phải trường hợp F1 nào cũng làm xét nghiệm ngay. 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Trường đại học New South Wales, Úc) nhận định, với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, TP.HCM cần thực hiện phương án phong tỏa để phòng dịch lan rộng. Để tầm soát vi-rút 
SARS-CoV-2 trên diện rộng (với mục tiêu đạt đến 5 triệu người),  công tác tổ chức phải thật tốt, đảm bảo an toàn khi xét nghiệm, bao gồm lấy mẫu, bảo quản và chuyển mẫu đi xét nghiệm. Làm xét nghiệm trên 5 triệu người đòi hỏi cơ sở vật chất hùng hậu. 

Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, năm 2020, các giới chức y tế Úc đã tiến hành xét nghiệm trên 7,4 triệu mẫu bằng phương pháp RT- PCR. Kết quả cho thấy, tỷ lệ mẫu dương tính là 0,4% (4/1.000 người). Nếu lấy tỷ lệ này để tham khảo thì khi xét nghiệm trên 5 triệu người ở TP.HCM, sẽ có khoảng 20.000 người dương tính với SARS-CoV-2. 

Tổ chức xét nghiệm cho người dân muốn ra khỏi TP.HCM

Ngày 6/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký công văn khẩn đề nghị các cơ sở y tế nhanh chóng triển khai xét nghiệm cho người dân có nhu cầu ra khỏi thành phố. Khi người dân có nhu cầu rời khỏi thành phố đến các tỉnh, thành khác, cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, có thể đến các bệnh viện hoặc trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức hoặc các phòng xét nghiệm khác đã được Bộ Y tế cho phép. Những nơi này sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng phương pháp RT-PCR. 

Sở Y tế cho biết khi kết quả xét nghiệm là âm tính thì những nơi thực hiện xét nghiệm phải trả kết quả xét nghiệm cho người dân. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính thì phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Mức giá xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR được áp dụng theo mức giá thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định tại Công văn số 4356 ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế là 734.000 đồng/mẫu. Mức giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 238.000 đồng/mẫu. 

Trong tháng 7/2021, TP.HCM sẽ áp dụng thí điểm hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) kết hợp giải pháp STAYHOME và HCMCovidSafe để tăng cường công tác quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm COVID-19 tại các quận 7, Gò Vấp, 12, Tân Bình và Đại học Quốc gia TP.HCM. Đến tháng 8/2021 sẽ triển khai áp dụng rộng rãi trên tất cả quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đây là công nghệ thông qua việc thu thập thông tin từ thiết bị điện thoại thông minh và vòng đeo tay của ca nghi nhiễm, người được phân công giám sát có thể giám sát việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của các ca nghi nhiễm để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở…

 

Cần quan tâm bảo vệ người cao tuổi

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh, BV Nhi Đồng 1 - trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, TP.HCM cần đẩy mạnh test nhanh kháng nguyên để sàng lọc các ca F0 còn “lang thang” trong cộng đồng. Trong trường hợp cần thiết, nhân viên y tế có thể hướng dẫn người dân tự làm test nhanh để sàng lọc F0 nhanh, hiệu quả. Việc cần làm tiếp theo là ưu tiên tập trung chăm sóc, tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho những người có nguy cơ, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, đặc biệt là người cao tuổi đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa, cách ly, khu vực có nguy cơ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích: “Người cao tuổi nếu mắc COVID-19 thì bệnh có nguy cơ nặng hơn, điều trị kéo dài hơn, chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Do đó, việc phòng ngừa bệnh cho người cao tuổi cũng là một trong những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả”. 

Ông tái khuyến cáo, để tránh bị lây nhiễm, người cao tuổi nên hạn chế tối đa việc ra ngoài, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn... và bệnh lý nền như bệnh đái tháo đường; trong tình huống buộc phải ra ngoài, nên đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người xung quanh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người thân nên động viên, chăm sóc về dinh dưỡng lẫn tinh thần cho người cao tuổi trong gia đình, nhắc nhở họ tập thể dục nhẹ trong nhà để giảm căng thẳng, lo âu; thành viên nào thường đi ra ngoài thì nên hạn chế tiếp xúc bởi rất có thể mình là đối tượng nguy cơ, lây cho ông bà, cha mẹ. Nếu người cao tuổi đang sử dụng thuốc, cần liên hệ với cơ sở y tế đang điều trị để được tư vấn và cấp phát thuốc theo quy định hoặc yêu cầu khám bệnh từ xa, khám bệnh tại nhà. Trường hợp bất khả kháng, phải đi BV điều trị, con cháu nên hỗ trợ nhưng phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như vệ sinh tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần, vệ sinh nơi ở thường xuyên, khai báo y tế đầy đủ. 

Phạm An

 

Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 không phải “bùa hộ mệnh”

Hiện tại, nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… yêu cầu người dân từ vùng dịch khi vào địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3-7 ngày (tùy địa phương) kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định, giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 là cần thiết nhưng không phải là “bùa hộ mệnh” để chủ nhân của nó được đến bất kỳ đâu. Giấy này chỉ có giá trị tạm thời và kết quả âm tính không có nghĩa là không có nguy cơ bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính, chủ nhân của giấy này phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn trong suốt lộ trình di chuyển, dừng, đỗ và hạn chế tiếp xúc.

Nhận định về thời hạn bất nhất mà các địa phương đặt ra đối với giấy xét nghiệm âm tính, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, cần có quy định nhất quán của Bộ Y tế, áp dụng cho toàn quốc. Ông nói: “Không nên để mỗi tỉnh đưa ra một thời hạn về giá trị của giấy xét nghiệm. Sự bất nhất này sẽ làm khó và gây hoang mang cho người dân”. Trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 chỉ là hình thức tạm thời trước khi có QR CODE đã được tích hợp thông tin khai báo y tế, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và cả thông tin tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 (nếu có).

Ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - cũng khẳng định, tỉnh này chỉ áp dụng tạm thời hình thức kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong khi chờ Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định thời hạn giá trị kết quả âm tính và sử dụng QR CODE tích hợp các thông tin y tế. 
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho biết hiện các đơn vị liên quan đang khẩn trương nghiên cứu và sẽ sớm trình UBND TP.HCM phê duyệt, triển khai việc tích hợp và ứng dụng mã QR để cấp cho những người đã được xét nghiệm. 

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 973 về tăng cường phòng, chống lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh. Cụ thể, các đối tượng này phải thực hiện tốt thông điệp 5K. Đối với xe chở hàng hóa đường dài, lái xe phải ghi lại lịch trình vận chuyển, danh sách lái xe, người bốc, dỡ hàng hóa, các trường hợp có tiếp xúc và hạn chế tiếp xúc, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Người điều khiển phương tiện vận chuyển đến hoặc đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc ổ dịch phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên hai lần, lúc đến và lúc đi.  Tuyết Dân

Hiếu Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI