TP.HCM: Dịch bệnh bủa vây

07/03/2014 - 16:37

PNO - PN - Tại buổi giao ban giữa Sở Y tế TP.HCM với Trung tâm Y tế dự phòng TP và phòng y tế các quận huyện ngày 5/3, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP báo động, TP đang đối mặt với nhiều dịch bệnh, nhất là dịch...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tấn công trường học

Sáng 6/3, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM có 21 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị nội trú, trong đó có ba ca nặng đang thở oxy do biến chứng viêm phổi, có trường hợp chảy mủ tai, đi tiêu đàm máu... Trong số các bệnh nhân nhập viện thì gần 50% trường hợp từ các tỉnh chuyển lên như: Bình Phước, Tây Ninh, An Giang. Vài ngày trước có trẻ bị biến chứng nặng như sốt cao, suy hô hấp nhanh chóng, phải thở máy, có lúc ngưng thở.

Tuy nhiên, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM thì những biến chứng do bệnh sởi gây ra trong đợt dịch năm nay đều đã được ghi nhận trong y văn thế giới và không có những triệu chứng, biến chứng bất thường. Thậm chí, bệnh sởi cũng chưa thấy để lại các biến chứng như loét miệng giống những năm trước. Điều trị ca bệnh sởi đơn giản và bệnh viện ở tỉnh hoàn toàn can thiệp được, nhưng nhiều phụ huynh vẫn muốn chuyển trẻ lên TP.HCM điều trị cho an tâm.

Cũng theo BS Khanh, hiện TP.HCM đang triển khai chích vét vắc-xin ngừa sởi cho trẻ chưa chích ngừa hoặc chích không đầy đủ. Do đó, trong khoảng thời gian chờ cơ thể đáp ứng vắc-xin tạo kháng thể thì những trẻ mới chích lại vắc-xin phải được chăm sóc cẩn thận, hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Vì nếu mắc sởi nặng, trẻ phải điều trị từ 7-10 ngày, trong khi một ca sởi thường chỉ điều trị năm ngày.

TP.HCM: Dich benh bua vay

Một ca mắc bệnh sởi tại BV Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy

Tiếp sau chùm ca bệnh thủy đậu đầu tiên tại trường THCS Lê Quý Đôn với chín học sinh bị mắc thì ngày 3/3, 11 học sinh tại Trường tiểu học Hàm Tử, cũng đã mắc bệnh này. Trong khi đó, theo ghi nhận tại các cơ sở y tế tại TP.HCM, vắc-xin ngừa thủy đậu đã hết nhiều tháng qua và vẫn chưa biết khi nào có lại.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2014, có 895 ca tay-chân-miệng (tăng 184 ca so với cùng kỳ 2013); quai bị 39 ca (tăng 11 ca); cúm A 79 ca (tăng gần 14 lần so với cùng kỳ 2013). Tuy đang ở thời điểm mùa khô nhưng số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 500 ca. Đến thời điểm này, TP.HCM đã ghi nhận 1.631 ca sốt xuất huyết, đã có trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, đây là ca mắc sốt xuất huyết và gây tử vong trên người lớn. Bệnh nhân 22 tuổi, dân tộc Chăm, ngụ tại P.4, Q.8, TP.HCM, nhập viện vào 13g ngày 22/2 trong tình trạng lơ mơ, tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng sốc kéo dài, suy đa tạng, xuất huyết não.

Mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin sởi

Phát biểu tại buổi giao ban về tình hình dịch bệnh sáng 5/3, ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng cho biết, mùa này đang ở đáy dịch, lại là mùa khô, vậy mà sốt xuất huyết lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Thế thì không thể đổ cho thời tiết, do trời... mà là do con người.

Để ngăn chặn dịch bệnh, BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, ngành y tế TP đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng và trường học, đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh tới người dân. Đối với chiến dịch phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ, TP.HCM hướng đến mục tiêu đạt 95% đối tượng cần tiêm bù. Bộ Y tế đã đồng ý cho TP.HCM được mở rộng độ tuổi.

Cụ thể, thay vì chỉ tiêm phòng sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi như các địa phương khác, tại TP.HCM sẽ tiêm cho cả trẻ từ 9 - 36 tháng tuổi. Việc tiêm chủng này sẽ giúp cho công tác phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ hiệu quả hơn. Ngoài địa điểm tiêm tại các trạm y tế phường xã, TP cũng có thể triển khai tiêm chủng sởi ngay tại trường mầm non và có thể tiến hành tiêm lưu động. Việc thiếu vắc-xin thủy đậu đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Trước mắt, để phòng chống tốt bệnh thủy đậu nói riêng và các bệnh khác, người dân cần giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh. Những người có nguy cơ lây bệnh cao như trẻ em, người cao tuổi, người bị suy dinh dưỡng cần hạn chế tiếp xúc với đám đông. Khi có biểu hiện mắc bệnh, nên sớm đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

TP.HCM đang trong “vòng vây” của dịch bệnh, thêm vào đó là cúm gia cầm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi, buôn bán gia cầm ở các quận/huyện vẫn còn lỏng lẻo. Ông Hưng yêu cầu các quận/huyện phải nghiêm chỉnh thực hiện việc báo cáo số liệu dịch cúm trên địa bàn theo đúng quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình cúm hiện nay.

Tiến Đạt-Văn Thanh

Hôm nay (7/3), nhiều trạm y tế trên địa bàn TP.HCM bắt đầu tiêm vét vắc-xin sởi cho những trẻ chưa chích ngừa hoặc chích không đủ liều (một số trạm y tế triển khai trước ngày này hoặc có thể triển khai chậm hơn vài ngày). Số vắc-xin dự kiến chuẩn bị cho đợt chích ngừa này là 80.000 - 100.000 liều.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI