TP.HCM đề xuất mua trực thăng chữa cháy 1.000 tỉ đồng: Khó hiểu

09/04/2016 - 09:12

PNO - Đại tá Trần Thanh Châu cho biết vừa trình lên Hội đồng Nhân dân TP HCM kế hoạch mua trực thăng chữa cháy giá 1.000 tỉ đồng/chiếc.

Trong buổi họp báo định kỳ quý I-2016 ngày 8/4 do Cảnh sát PCCC TP HCM (Bộ Công an) tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Người Lao động về kế hoạch đề xuất mua trực thăng chữa cháy, Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết vừa trình lên Hội đồng Nhân dân TP HCM xem xét kế hoạch mua trực thăng chữa cháy.

Đại tá Trần Thanh Châu cho hay: "Giá của mỗi chiếc trực thăng chữa cháy lên đến 1.000 tỉ đồng. Việc trang bị trực thăng chữa cháy đáp ứng nhu cầu trong công tác dập lửa ở các nhà cao tầng, khu vực khó dập lửa."

TP.HCM de xuat mua truc thang chua chay 1.000 ti dong: Kho hieu
Đề xuất mua trực thăng chữa cháy. Ảnh minh họa

Với yêu cầu bảo vệ tính mạng con người là trên hết về lâu dài lực lượng Cảnh sát PCCC TP HCM sẽ phải trang bị nhiều phương tiện hiện đại hơn nữa. Trước đó, đã mua một số thiết bị như robot chữa cháy, thiết bị dập lửa do hóa chất,...

Tuy nhiên trước đây, từng trao đổi về việc này, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho rằng, đa phần các nước khai thác những loại máy bay trực thăng chuyên dùng cho cứu hộ cứu nạn, chữa cháy rừng là chính.

Cũng theo ông, vấn đề không lưu, quy chế bay, bảo dưỡng, đội ngũ phi công... cũng khá phức tạp bởi không phải mua máy bay về là dùng ngay, có khi mấy năm mới sử dụng đến, rất dễ hư hỏng.

Một vướng mắc khác là bãi đỗ cho sân bay trực thăng. Hiện rất ít tòa nhà cao tầng của Việt Nam có sân bay riêng được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực về tải trọng, độ cao và diện tích. Trong khi các nước, các tòa nhà lớn thường có sân bay và nếu xảy ra cháy, trực thăng có thể đỗ trên nóc tòa nhà bên cạnh, từ đó phun nước dập tắt đám cháy.

Ông dẫn chứng, Việt Nam từng sử dụng trực trăng để dập tắt một số đám cháy rừng, tuy nhiên với cháy tòa nhà cao tầng trong thành phố thì gặp rất nhiều khó khăn. Vì thành phố bị bao bọc bởi các tòa nhà cao tầng, hệ thống dây cáp, cột sóng di động và nhiều thiết bị khiến máy bay hoạt động không an toàn.

"Bản đồ thành phố không cập nhật phần tĩnh không, độ cao cho phép hoạt động của máy bay. Nếu phải cứu hộ, cứu nạn vào đêm tối, phi công sẽ không biết đường mà bay", một cán bộ của Cục Hàng không chia sẻ.

Cũng theo cán bộ này, các máy bay chỉ có thể cứu hộ cứu nạn đối với những sự cố lộ thiên như cháy rừng. Với các tòa nhà cao tầng được thiết kế khép kín, nguồn cháy không xác định, chỉ thấy khói bốc cao, nếu sử dụng máy bay trực thăng thả nước xuống tòa nhà thì cũng không hiệu quả.

Minh Ánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI