TP.HCM đề xuất lập 4 thành phố “con”

08/08/2013 - 09:45

PNO - PNO - Chiều tối 7/8, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa IX (bất thường) đã bế mạc. Hội nghị diễn ra trọn ngày với nhiều nội dung, trong đó nội dung chủ yếu là góp ý dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc triển khai thí điểm...

 Cần một nghị quyết riêng của Quốc hội

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, thước đo của mô hình mới tích cực hay không là ở điểm chính quyền này có thực sự của dân, do dân, vì dân không; có khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân không; người nghèo, người yếu thế trong xã hội có dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công hay không?...

Theo Bí thư Thành ủy, nếu thật sự muốn xây dựng một chính quyền của dân, do dân, vì dân thì phải dũng cảm lắng nghe ý kiến người dân về bộ máy hiện hành; lắng nghe những kỳ vọng, mong muốn về bộ máy của mô hình mới, bằng nhiều kênh khác nhau như thông qua MTTQ, HĐND…

TP.HCM de xuat lap 4 thanh pho “con”

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải phát biểu kết luận hội nghị.

Theo dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM, khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị, sẽ có một số nội dung không phù hợp với một số điều của Hiến pháp, Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật Ngân sách nhà nước và một số văn bản quy định hiện hành khác. Do vậy, điều kiện về pháp lý để triển khai mô hình mới cần có sự cho phép bằng một nghị quyết của Quốc hội trong khi chờ đợi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Chính quyền địa phương.

Nếu thuận lợi, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 và tháng 11/2013, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết cho phép triển khai mô hình chính quyền đô thị TP.HCM và cho phép lập 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc thuộc chính quyền TP.HCM.

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM sẽ lập phương án tổ chức sắp xếp bộ máy nhân sự, xác định chức năng nhiệm vụ của chính quyền từng đô thị, dự toán ngân sách triển khai đề án hoàn thành trong năm 2015 để có thể triển khai áp dụng mô hình mới từ năm 2016, cùng với thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

4 thành phố tương lai

Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức gồm 4 thành phố trực thuộc; các xã, thị trấn còn lại là pháp nhân công quyền, có địa vị pháp lý như nhau (dù quy mô và đặc điểm khác nhau). Trong đó, cấp chính quyền thành phố gồm 13 quận nội thành là đô thị trung tâm.

Cấp chính quyền cơ sở gồm bốn đô thị vệ tinh là các thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc, và 3 thị trấn, 35 xã khu vực nông thôn. Người đứng đầu UBND các thành phố mới được gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng và có ngạch bậc tương đương với phó chủ tịch UBND TPHCM.

Cụ thể, thành phố Đông sẽ bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức có diện tích 211 km2, dân số 890.000 người, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm, giáp với trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với chức năng kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính, tín dụng), công nghệ cao, du lịch sinh thái…

Thành phố Tây gồm toàn bộ quận Bình Tân hiện nay, một phần phường 7, phường 16 của quận 8 và bốn xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh với diện tích 109 km2, dân số 810.000 người, có trung tâm là khu đô thị xã Tân Kiên, giáp quốc lộ 1. Thành phố Tây chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, quận 6, Tân Bình.

Thành phố Nam bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích phường 7 của quận 8 (phần phía Nam rạch Bà Tàng) và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 169 km2 với quy mô dân số 470.000 người, lấy khu đô thị Nam Sài Gòn làm trung tâm phát triển (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng), thị trấn Nhà Bè và đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.

Thành phố Bắc bao gồm toàn bộ quận 12, Hóc Môn có diện tích 162 km2 với dân số 860.000 người, trung tâm phát triển là xã Tân Thới Nhì với hành lang phát triển là quốc lộ 22, có chức năng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao và phát triển các khu dân cư phục vụ việc giãn dân, chỉnh trang đô thị quận Gò Vấp, Tân Bình. Ngoài ra, thành phố Bắc cũng có phân khu chức năng phát triển khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng có quy mô khoảng 1.000 héc ta tại quận 12.

Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI