TP.HCM đang mất dần lợi thế xuất khẩu

18/10/2019 - 07:09

PNO - Mệnh danh là đầu tàu kinh tế với quy mô, tỷ trọng xuất khẩu đứng đầu cả nước nhưng TP.HCM đang mất dần vị thế này.

Chưa đầy hai thập kỷ giảm 34%

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu (XK) của TP.HCM so với cả nước giảm dần, từ 50% cả nước trong năm 2000 đã giảm xuống mức 16% trong năm 2018. Thị trường XK lớn nhất của thành phố là Trung Quốc, kế đến là Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia. Trong khi đó, tỷ trọng XK sang thị trường  EU rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của TP.HCM.

Tại Hội nghị chuyên đề Đầu tư và XK TP.HCM diễn ra ngày 17/10, TS Đinh Công Khải – Viện trưởng Viện Chính sách Công, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, TP.HCM đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm XK và đa dạng hóa thị trường thấp. XK của TP.HCM vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển XK theo lợi thế so sánh của thành phố.

Bên cạnh đó, TP.HCM chưa đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng XK và hàm lượng giá trị gia tăng thấp trong các ngành hàng XK theo cách tiếp cận năng lực cạnh tranh của cụm ngành và chuỗi giá trị. Chính sách, giải pháp hỗ trợ XK cho từng ngành thiếu tính hệ thống và kém hiệu quả. Chưa xác định được những ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng XK cao dựa trên các phân tích, đánh giá một cách khoa học. Các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển XK trong những năm trước vẫn còn dàn trải, thiếu tính chiến lược dài hạn.

TP.HCM dang mat dan loi the xuat khau
Quy mô, tỷ trọng xuất khẩu của TP.HCM giảm với tốc độ đáng ngạc nhiên

Cùng nhìn nhận trên, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá trong nhiều năm qua TP.HCM luôn là địa phương đứng đầu trong XK, tuy nhiên xu hướng hiện nay tốc độ phát triển XK của TP.HCM không ổn định, một số mặt hàng như nông sản, dệt may, giày dép… có xu hướng tăng trưởng chậm. Nông sản vẫn là ngành XK chủ lực, cần giải quyết các rào cản liên quan đến kiểm dịch động thực vật, chất lượng hàng hóa và tập trung áp dụng công nghệ cao, hoàn thiện logistic, phát triển thị trường…

Mất lợi thế vì đâu?

Nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ logistic tại TP.HCM hiện nay rất manh mún và phân tán. Hiện cả nước có khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ logistics quốc tế và 37.000 DN làm dịch vụ logistics nội địa. Nhưng trong đó, có đến 90% số DN có quy mô doanh thu dưới 100 tỷ/năm, nhiều DN không tận dung lợi thế do quy mô.

Một trong những nguyên nhân đẩy chi phí vận tải tại Việt Nam cao là do ảnh hưởng từ chi phí không chính thức và chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩm, tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong quản lý, cung ứng dịch vụ còn thấp (15-20%), tỷ lệ DN tham gia vào giao nhận quốc tế thấp.

Thêm vào đó, một thực trạng hiện nay là các sản phẩm start up có tiềm năng thương mại lớn lại được mang sang Singapore đầu tư, bán cho nước ngoài là chính, nhà nước bị thất thu thuế. Một số  công ty start up của Việt Nam tại Singapore lại quay lại làm cho Việt Nam với giá cả triệu USD, dòng tiền lại chuyển sang Singapore.

Vì vậy, cần có cơ chế cho các cá nhân, tổ chức start up, đặc biệt là các start up có khả năng thương mại hóa sản phẩm công nghệ thông tin có thể bán ra toàn cầu, chứ không nên chỉ đơn thuần tập trung vào gia công.

Để thay đổi, nhiều ý kiến DN  cho rằng,  TP.HCM cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hàng XK sang lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh  xuất khẩu dịch vụ. Mặt khác, triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút DN FDI; khuyến khích DN các tỉnh, thành giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu qua các cảng của TP.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, định hướng phát triển của TP.HCM là vẫn duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn. Đồng thời, nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng XK. TP sẽ tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống (dệt may, da giầy,..), sản phẩm công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao, hàng hóa theo đề án phát triển của TP; dịch vụ hỗ trợ XK,…

Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển ngành logistic, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông; tăng cường kết nối giao thông đến các vùng sản xuất để TP trở thành trung tâm logistic và dịch vụ XK vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí logistic.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận hoạt động XK đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế xã hội của TP, hiệu quả của XK chính là giá trị của XK. Phải xác định hàng hóa theo quy trình hàng hóa tinh vi, giá trị cao, có tính khả thi. Chọn thị trường XK để quyết định giá trị XK, xác định mục tiêu XK.

Cách mạng 4.0 sẽ chi phối nền kinh tế số kinh tế toàn cầu chứ không chỉ sản phẩm công nghệ XK. Để hoạt động XK của TP trong thời gian tới phát triển bền vững, cần gắn kết với phát triển nguồn nhân lực, kết nối giao thông; cần sự cộng hưởng giữa DN XK, nhà nghiên cứu, chính quyền TP và giải pháp thông minh nhất vẫn là cùng hợp tác để phát triển. Dịch vụ là tiềm năng thế mạnh của TP để giải quyết hàng hóa của vùng kinh tế TP.HCM.

Ông Phí Anh Tuấn - Đại diện hội tin học TP.HCM đề nghị TP.HCM tiếp tục phát triển gia công XK phần mềm (hiện VN đứng top 6 trên thế giới), vì có lợi thế hệ thống các trường đại học tập trung chính ở TP.HCM, thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh về học, làm việc tại TP. Tuy nhiên, thực ra cơ cấu gia công XK phần mềm ngành công nghệ thông tin nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn đang ở cấp độ bán sức lao động nhiều hơn là sử dụng giá trị gia tăng cao.

Nhà nước cần có cơ chề hỗ trợ thêm cho những DN có sản phẩm XK, vì những sản phẩm này sẽ mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho tương lai; để phát triển bền vững cần khuyến khích, hỗ trợ cơ chế cho các trường đại học đầu tư đào tạo thêm các mảng, đặc biệt là xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, phân tích dữ liệu cần nhu cầu nhân lực rất lớn. Các DN thì phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, điều hành DN để tăng hiệu quả, năng suất lao động, XK…

Ông Tuấn lấy ví dụ khi làm việc với Tân cảng, trước đây khi làm bằng tay, năng suất giải phóng container của họ là 9 container/giờ, sau khi áp dụng công nghệ thông tin, năng suất tăng lên 50 container/giờ. Điều này cũng giúp DN giảm chi phí logistic rất nhiều.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI