Đây là thông tin do Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông báo với đoàn giám sát dịch bệnh Zika của HĐND TP chiều 29/11. Cụ thể, sau khi hồi cứu 7.000 mẫu máu của bệnh nhân (BN) nhiễm sốt xuất huyết (SXH) từ năm 2010- 2015 được lưu trữ tại BV, đã phát hiện có hai ca nhiễm vi-rút Zika.
Hoang mang, thai phụ đòi bỏ thai
Tính đến chiều 29/11, TP.HCM đã xác định có 85 ca nhiễm vi-rút Zika, riêng Q.Bình Thạnh đã có 17 ca, Q.2 14 ca. Trước thông tin bệnh Zika có thể khiến thai nhi bị tật đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần, không ít “bà bầu” đã đến BV đòi xét nghiệm tìm vi-rút Zika, yêu cầu BS giúp bỏ thai khi biết đã nhiễm Zika.
ThS-BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ băn khoăn: Tỷ lệ thai nhi bị nhiễm Zika từ mẹ rất thấp, chỉ từ 1-10%; có nghĩa là không phải cứ thai phụ nhiễm Zika là thai nhi đương nhiên nhiễm bệnh và không phải bé nào nhiễm Zika cũng bị hội chứng Zika bẩm sinh như: dị tật đầu nhỏ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Thế nhưng, nhiều thai phụ vẫn đến BV đòi xét nghiệm tìm virút, người nhiễm bệnh thì đòi bỏ thai.
Nếu BS chiều theo ý người bệnh, chúng ta lại sẽ có một bài học như đợt dịch bệnh Rubella cách đây bốn năm. Lúc đó, nhiều thai phụ nhiễm Rubella đã quyết định bỏ con, trong khi phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh vẫn sinh con khỏe mạnh, nhờ được theo dõi kỹ.
|
Muỗi truyền vi rus zika |
TS-BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc BV Từ Dũ cho biết, không phải phụ nữ mang thai nào cũng được xét nghiệm tìm vi-rút Zika. Việc xét nghiệm máu tìm virút Zika chỉ được thực hiện trên phụ nữ có các triệu chứng như: phát ban, sốt, viêm kết mạc mắt, sung huyết không mủ, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ…
Với những trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, BS tầm soát bằng cách siêu âm qua khám thai định kỳ. Nếu siêu âm phát hiện thai nhi bị tật đầu nhỏ, BS sẽ cho chọc ối xét nghiệm, nếu có kết quả thai phụ nhiễm vi-rút Zika mới kết luận trẻ bị tật đầu nhỏ do Zika.
Thực tế, trẻ bị tật đầu nhỏ không nhất thiết do bệnh Zika gây ra, mà có thể do thai nhi bị bất thường nhiễm sắc thể, có bệnh lý khác trong nội sọ… Zika không quá nguy hiểm, thai phụ nên an tâm, đừng quá hoang mang, dẫn đến lo âu sẽ khó giữ thai. Trong số 26.000 thai phụ đến khám, BV chỉ phát hiện một thai phụ nhiễm vi rút Zika.
Hiện BV đang theo dõi chín thai phụ nhiễm bệnh nhưng chưa có trường hợp nào ảnh hưởng lên thai nhi. Một trường hợp bị sẩy thai là do ảnh hưởng tâm lý, một ca xin bỏ thai vì mang thai ngoài ý muốn và đang nhiễm Zika, một thai nhi bị dị tật đầu nhỏ do bệnh lý trong thai kỳ, không phải do nhiễm Zika, sáu trường hợp còn lại đang được theo dõi, chưa phát hiện bất thường nào.
Cùng quan điểm này, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Hùng Vương chia sẻ: BV Hùng Vương cũng đang theo dõi ba thai phụ nhiễm vi-rút Zika, một ca đã sinh, em bé hoàn toàn bình thường. Hai ca còn lại thì một ca đang chờ sinh, một ca thai chết lưu nhưng không phải do Zika.
“Vì tỷ lệ thai phụ nhiễm Zika thấp, tỷ lệ thai nhi bị ảnh hưởng đầu nhỏ lại càng thấp nên không cần thiết phải xét nghiệm, chỉ cần siêu âm thai định kỳ là đủ. Có thể tăng cường số lần siêu âm thai lên, thay vì bốn tuần như trước đây thì siêu âm hai-ba tuần/lần” - BS Tuyết đề xuất.
Nhiều BV lập phòng tư vấn tâm lý cho "thai phụ zika"
Tại buổi giám sát các BV sản nhi, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông báo: Sau khi hồi cứu 7.000 mẫu máu của BN nhiễm SXH giai đoạn 2010-2015 lưu trữ tại BV, BV đã phát hiện có hai ca nhiễm vi-rút Zika, cho thấy bệnh này đã có từ lâu ở Việt Nam, hiện đang có xu hướng tăng lên nhưng mức độ và quy mô gây thiệt hại cho người bệnh không đáng lo như bệnh SXH.
Số liệu thống kê trên 22 BN nhiễm Zika điều trị tại BV cũng cho thấy người bệnh chỉ sốt nhẹ một-ba ngày là hết bệnh. Sáu ca bệnh ở BV Nhi Đồng 1 bị ảnh hưởng thần kinh khi chọc dịch não tủy cũng không phải nhiễm Zika mà mắc bệnh lý khác. Việc điều trị bệnh Zika hiện chưa có thuốc nhưng do là bệnh nhẹ, chỉ cần điều trị các triệu chứng nhức mình, sốt nhẹ vài ngày sẽ khỏi bệnh.
Vấn đề quan trọng là phải diệt muỗi trong cộng đồng và cả trong BV. Người nhiễm Zika sẽ truyền vi-rút nhiều nhất vào thời điểm một ngày trước khi phát bệnh và sau khi đã mắc bệnh mộthai ngày. Do đó, gần như người bệnh đã mắc Zika lúc ở nhà, khó có thể do nhiễm chéo trong BV.
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm và thần kinh, BV Nhi Đồng 1 khuyến cáo: Thông thường, vòng đời muỗi cái đẻ trứng từ sáutám đợt, trứng muỗi khi gặp nước có thể nở trong 10-14 ngày. Nếu gặp khô hạn, trứng rơi vào những môi trường ẩm thì có thể tồn tại đến bốn tháng. Do đó, người dân không nên để lọ hoa, nước, mẻ chén, mẻ chai… có nước quanh nhà, vì chỉ cần vài giọt nước là muỗi cũng có thể sinh sản.
Chủ trì buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP cho rằng, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố vi-rút Zika không còn là vấn đề y tế công cộng gây quan ngại quốc tế nhưng không có nghĩa TP lơ là với căn bệnh này. Việc diệt muỗi trong cộng đồng còn là cách đề phòng bệnh SXH.
“Tôi mới giám sát BV Nhi Đồng 1, thấy những bé bị SXH nặng phải nằm cách ly đặc biệt để hồi sức. Chúng ta phải tích cực diệt muỗi, lăng quăng để ngừa bệnh cho cộng đồng. Tôi cũng nghe Trung tâm Y tế dự phòng báo cáo từ đầu năm đến nay, TP đã có trên 17.000 ca nhiễm SXH, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vấn đề kinh phí sàng lọc, xét nghiệm phát hiện sớm bệnh Zika hay mua hóa chất diệt muỗi, lăng quăng thì các cơ sở y tế an tâm; dù ngân sách khó khăn nhưng TP sẽ cố gắng cân đối vì sức khỏe cho người dân”.
Văn Thanh