Danh sách này được công bố theo yêu cầu tại Công văn số 2043/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30/5/2016 và Công văn số 6018/VP-ĐTMT ngày 27/6/2016 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố.
|
77 dự án tại TP HCM đang thế chấp ngân hàng |
Báo Tri thức trẻ đưa cụ thể những dự án đó là:
1. Dự án Chung cư tại 82-84 Calmette, phường Nguyễn Thái Bình do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Bến Thành thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM từ ngày 14/11/2014.
2. Mặt bằng thương mại – dịch vụ tại Chung cư Homyland 2 của Công ty cổ phần Đầu tư An Phong thế chấp ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Tây từ ngày 9/7/2015.
3. Khu căn hộ Hoàng Anh RiverView của Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM từ ngày 18/2/2016.
4. Dự án E.Town Central của Công ty Cổ phần BĐS Song Mai thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Tây từ ngày 29/1/2016.
5. Khu căn hộ của Công ty Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Tân Bình từ ngày 27/1/2015.
6. Dự án Khu dân cư City Land của Công ty Đầu tư địa ốc TP.HCM thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Thủ Đức từ ngày 21/1/2015.
7. Dự án chung cư tại quận Tân Bình thế chấp bằng 2 hợp đồng vay của công ty L.Q Joton thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Sài Gòn từ ngày 25/11/2015.
8. Khu dân cư Intrestco của công ty An Hưng (Bình Chánh) thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Phú Yên từ ngày 26/5/2016.
Dự án đang cầm cố tại Ngân hàng Công thương Việt Nam
9. Cao ốc An Thịnh của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc III thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh 3 TP.HCM từ ngày 11/4/2016.
10. Khu nhà ở Bông Sao của Công ty Cổ phần Địa ốc 8 thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh 8 TP.HCM từ ngày 18/1/2016.
11. 84 nền tại Khu nhà ở phường Phú Hữu, Quận 9 của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Không Gian Xanh thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN TP.HCM từ ngày 26/8/2015.
12. 49 giấy chứng nhận tại Khu biệt thự Quốc Tế của Công ty TNHH Tư vấn Quốc Tế thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 1 TP.HCM từ ngày 15/9/2015.
13. 59 thửa đất tại Khu nhà ở Phú Hữu của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Song Lập thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội từ ngày 28/10/2015.
14. Khu cao ốc phức hợp tại phường Phú Hữu của Công ty TNHH Đầu tư Nhà Phố thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 1 TP.HCM từ ngày 8/9/2015.
15. L3-07-11 và L3-07-08 thuộc Dự án Central Park của công ty CP Quảng cáo và Xây dựng TTD thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 5 từ ngày 23/5/2016.
16. Dự án SSG Tower của công ty SSG Văn Thánh thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 4 từ ngày 30/12/2014.
17. Căn hộ 25-04 Toà nhà Pearl Plaza của công ty TNHH Việt Thăng Long thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thủ Thiêm từ ngày 27/3/2015.
18. Dự án khu dân cư Vina Nam Phú của công ty Nam Phú thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 1 từ ngày 24/9/2015.
Dự án đang cầm cố rải rác tại các ngân hàng khác
19. Dự án Delta River Tower do Công ty Cổ phần Cảnh Hưng – Hải Thành thế chấp tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam từ ngày 30/9/2015.
20. Chung cư An Cư của Công ty TNHH Bố Minh thế chấp tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Chi nhánh Gia Định từ ngày 11/4/2016.
21. Cao ốc Văn phòng HDTC của Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM từ ngày10/7/2015.
22. Dự án La Astoria của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Gia Hưng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Sở GD TP.HCM từ ngày 3/11/2015.
23. Khu dân cư Phường Bình Trưng Tây và Phường Bình Trưng Đông của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Gia Hưng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Sở GD TP.HCM từ ngày 30/10/2015.
24. Dự án chung cư thấp tầng tại thửa 301, tờ 16, phường Thảo Điền của Công ty Cổ phần TDS thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh Sài Gòn từ ngày 22/10/2015.
25. Dự án chung cư tại thửa 1923 và thửa 2089 thuộc tờ 1, Thảo Điền của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân Đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn từ ngày 22/4/2015.
26. Dự án khu dân cư với 31 thửa đất tại ấp Thảo Điền, phường Thảo Điền của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân Đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn từ ngày 17/3/2015.
27. Chung cư tại số 40 Kim Biên, Quận 5 của Công ty Cổ phần SX và TM Phương Đông thế chấp tại Ngân hàng TMCP Á Châu – Chi nhánh Hòa Hưng từ ngày 24/7/2015.
28. Dự án Tulip Tower của Công ty Cổ phần Xây dựng Thuận Hưng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Bản Việt từ ngày 21/10/2015.
29. Chung cư tại 70 KP2 Lê Văn lương, Tân Hưng, Quận 7 của Công ty TNHH TM-DV Vận tải Ngọc Phương thế chấp tại Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt – Chi nhánh TP.HCM từ ngày 25/7/2015.
30. Chung cư Minh Thành của Công ty TNHH Thương mại XNK Dịch vụ Minh Thành thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Nam Sài Gòn từ ngày 12/11/2010.
31. 152 căn hộ + 4 khu TTTM tầng trệt, tầng 1,2,3 tại Sunrise City (South) của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh TP.HCM từ ngày 25/3/2015.
32. Chung cư Docklands Sài Gòn của Công ty Cổ phần Bảo Gia thế chấp tại Ngân hàng First Commercial Bank – Chi nhánh TP.HCM từ ngày 27/12/2013.
33. Cao ốc Bình Đông Xanh của Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 thế chấp tại Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt – Chi nhánh TP.HCM từ ngày 23/2/2016.
34. Khu công viên văn hóa – du lịch – thể thao phía Nam Tạ Quang Bửu, Quận 8 của Công ty Cổ phần TM-DV-XD-KD Nhà Vạn Thái và Công ty Cổ phần Đầu tư XD &PT Đô thị Sông Đà thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Tân Bình từ ngày 19/1/2016.
35. Dự án Peridot của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại – Dịch vụ Điện Lực thế chấp tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh 4 từ ngày 24/3/2016.
36. Căn hộ The Art của Công ty TNHH Xây dựng – Kinh doanh Nhà Gia Hòa thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín – Chi nhánh TP.HCM từ ngày 10/11/2015.
37. Dự án Rivera Park Sài Gòn của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội từ ngày 28/4/2016.
38. Dự án Tecco Tower Tham Lương của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Ứng dụng Công Nghệ Mới thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh 3/2 từ ngày 17/7/2015.
39. 5 căn hộ và một số sản thương mại thuộc dự án cao ốc Hưng Phát của công ty Hưng Lộc Phát đã thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn từ ngày 6/1/2015.
Các trường hợp người mua nhà tại dự án thế chấp căn hộ đã mua
Tại dự án Masteri Thảo Điền có 10 trường hợp, gồm cả người trong nước và nước ngoài đã thế chấp căn hộ tại Ngân hàng Thương mại Kỹ thương Việt Nam - Chi nhánh Sài Gòn từ năm 2015. Chẳng hạn trường hợp ông bà Chang Yin HSin - Phạm Thị Ánh Nguyệt đã cầm cố hai căn hộ T3-B12A-04 và T3-B12A-04 tại ngân hàng Indochina - chi nhánh Đồng Nai từ ngày 2/12/2015; Căn hộ T1-A05-02 của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và vận tải Hoàng Nhân đã cầm tại Ngân hàng Bản Việt - chi nhánh TP.HCM từ ngày 11/11/2015.
Tại dự án chung cư cao cấp Homy Land 2 của công ty TM Giao thông Bảo Sơn, có 5 trường hợp là các công ty kinh doanh khác nhau đã cầm cố căn hộ tại nhiều ngân hàng trên địa bạn.
Một trường hợp khác là công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam đã cầm cố căn hộ ký hiệu T4 6A3 thuộc dự án The Krista tại ngân hàng Shinhan Việt Nam từ ngày 1/4/2014.
Sau khi TP HCM công bố danh sách này, nhiều người mua nhà tỏ ra hoang mang. Tuy nhiên, Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VietHome cho biết không phải cứ thế chấp ngân hàng là xấu, là đáng lo sợ.
Trình bày trên báo Vietnamnet, ông Đào đánh giá: “Khi công bố mà hầu hết dự án đều thế chấp thì có giải quyết được vấn đề gì hay không? Cái gốc của vấn đề là phải làm sao có hành lang pháp lý chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ngân hàng và khách hàng. Nếu chủ đầu tư vay nhưng vẫn làm tốt và có thêm nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thì càng có lợi cho khách hàng. Nếu việc công bố thông tin không khéo léo có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực.
LS Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partner, cho rằng, công bố thông tin để làm minh bạch thị trường là tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là nói dự án nào, của ai, thế chấp ở đâu, từ lúc nào… như các thông tin vừa qua của cơ quan chức năng thì chỉ có hại nhiều hơn là có lợi. “Theo quy định pháp luật thì chủ đầu tư được phép thế chấp dự án hình thành trong tương lai để vay vốn. Qua đó, ngân hàng cũng đã có thẩm định tính khả thi của dự án rồi mới cho vay. Do vậy, chủ đầu tư có thế chấp dự án hay không, không phải điều đáng lo ngại. Điều người dân cần biết là căn hộ họ mua có bị thế chấp hay không?
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã quy định, chủ đầu tư dự án trước khi bán nhà hình thành trong tương lai, phải nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng để cơ quan này xác nhận đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn.
Trước khi bán căn hộ, chủ đầu tư cũng phải làm thủ tục giải chấp căn hộ đó tại ngân hàng và phải có ngân hàng bảo lãnh. Do vậy, quy định pháp luật hiện rất chặt chẽ trong việc này.
Nếu cơ quan nhà nước muốn hỗ trợ người dân thì cần tạo cơ chế thuận tiện hơn nữa, để người dân có thể kiểm tra, cập nhật xem trong những dự án đang thế chấp, thì căn nào đang thế chấp, căn nào đã giải chấp… chứ không phải cung cấp thông tin chung chung gây hoang mang.
Những người đã mua nhà hoặc sắp mua nhà nên làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ cung cấp văn bản của cơ quan chức năng hoặc văn bản của ngân hàng, nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, chứng minh căn hộ của họ không bị thế chấp. Còn chuyện chủ đầu tư thế chấp những phần còn lại, theo quy định, không phải là yếu tố đáng quan ngại” - LS Bình phân tích.
Tuy nhiên, hiện nay có chủ đầu tư phải thế chấp dự án, để làm thủ tục bảo lãnh cho khách hàng, theo quy định của Điều 5, Luật Kinh doanh Bất động sản, nhưng không vay vốn. Ví dụ như dự án The Art (quận 9). “Việc chủ đầu tư thế chấp dự án là điều hết sức bình thường và nên chủ động công khai chi tiết, tránh trường hợp công bố thế chấp nhưng không rõ là thế chấp phần nào. Điều này hoàn toàn không phải là tiêu chí đánh giá uy tín năng lực của chủ đầu tư mà phải xem thực tế các dự án họ đã và đang triển khai.
Mặt khác, dự án đã thế chấp không có nghĩa là chủ đầu tư không được bán. Ngân hàng cũng cần thu về dòng tiền, nên nếu ngân hàng cho phép chủ đầu tư bán và kiểm soát dòng tiền này thì chủ đầu tư vẫn được phép bán. Do vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm, khi chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn theo đúng quy định”, ông Châu nói
NGUYÊN PHƯƠNG (Tổng hợp)