TPHCM có Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn đầu tiên

02/07/2020 - 10:18

PNO - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) do Đại học Quốc gia TPHCM thành lập vào sáng 2/7.

Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn ra đời góp phần cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là Viện đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”. Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Viện ICED ra đời với kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế bền vững
Viện ICED ra đời với kỳ vọng sẽ góp phần vào phát triển kinh tế bền vững

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: ICED ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo chú trọng về giải pháp khoa học công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái doanh nghiệp - Chính phủ - đại học. Thông qua ICED, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đóng góp, kết nối nền kinh tế tuần hoàn giữa thế giới và Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nhận định: Thời gian qua, Đại học Quốc gia TPHCM đã có nhiều sáng kiến, đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. ICED ra đời cũng là cơ hội để Đại học Quốc gia TPHCM tham gia sâu quá trình phát triển kinh tế toàn hoàn tại TPHCM. Ông kỳ vọng nơi đây sẽ quy tụ các chuyên gia hàng đầu, trong đó có lĩnh vực công nghệ cao.

Theo ông Philipp Rösler, nguyên Phó thủ tướng Đức và nguyên CEO Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại chỉ dựa trên nền tảng lấy - tạo ra - vứt bỏ, khiến thế giới đang đối diện với thách thức về nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, môi trường bị phá hủy. Lượng rác thải khổng lồ phải mất hàng trăm năm mới tiêu hủy hoàn toàn, sức khỏe con người đang bị đe dọa do môi trường sống bị xuống cấp trầm trọng. Mô hình kinh tế tuần hoàn ra đời dựa trên nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng tái sử dụng, tân trang, tái tạo và tái chế. Đây sẽ là giải pháp cho mô hình phát triển bền vững.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI