TP.HCM chia sẻ mô hình bệnh viện tương lai trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

19/12/2019 - 18:28

PNO - Với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành y đang thay đổi mạnh mẽ để phục vụ người dân tốt hơn. Dưới đây là 10 yếu tố mà một bệnh viện tương lai phải đạt được.

1. Quy mô bệnh viện sẽ nhỏ hơn, chuyên khoa hơn

TP.HCM chia se mo hinh benh vien tuong lai trong cuoc cach mang cong nghiep 4.0
 

Bệnh viện sẽ có ít giường bệnh hơn so với hiện tại để tập trung nguồn lực phòng chống bệnh tật; sử dụng rộng rãi các can thiệp không xâm lấn cho phép thời gian hồi sức ngắn; chăm sóc ngoại trú và quản lý bệnh tại nhà được triển khai rộng rãi... rút ngắn thời gian người bệnh phải nằm viện.

Bệnh viện đa khoa sẽ dần được thay bằng các bệnh viện chuyên khoa vì người bệnh chỉ thích đến các bệnh viện chuyên khoa phù hợp nhất với bệnh của họ.

Xe cứu thương sẽ được trang bị đầy đủ các dụng cụ y khoa cần thiết, được vận hành bởi chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (paramedic), giúp thuận lợi trong chẩn đoán và ổn định bệnh nhân trong quá trình vận chuyển người bệnh đến bệnh viện.

2. Bệnh viện sẽ thân thiện hơn

TP.HCM chia se mo hinh benh vien tuong lai trong cuoc cach mang cong nghiep 4.0
 

Bệnh viện sẽ giống khách sạn 4 sao hoặc 5 sao, có khu vực tiếp tân lớn, có cửa hàng và nhà hàng phục vụ các nhu cầu tiện ích của người bệnh. Bệnh viện có sân vườn để bệnh nhân và người thân có thể ngồi nghỉ hoặc đi dạo; sẽ không hạn chế giờ thăm viếng...

Cha, mẹ sẽ được khuyến khích ở lại với bệnh nhi. Phòng trẻ được trang bị phù hợp, có khu vực nhà bếp. Các phòng bệnh rộng rãi, được trang bị màn hình tương tác lớn để bệnh nhân theo dõi kết quả, diễn tiến bệnh của mình; có thể yêu cầu tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu bằng videolink; xem thông tin y tế cá nhân qua tìm kiếm trên mạng; đặt phòng dịch vụ, kết nối trực tuyến với bệnh nhân khác có tình trạng bệnh tương tự.

Bệnh nhân sẽ được thông báo tốt hơn, đóng vai trò lớn trong việc đưa ra quyết định về tất cả các khía cạnh chăm sóc của họ, bao gồm các lựa chọn điều trị và cả chăm sóc cuối cùng của cuộc đời.

Khái niệm chăm sóc y tế truyền thống “một kích cỡ cho tất cả” sẽ được thay thế bằng cách “tiếp cận cá nhân” nhiều hơn trong hoạt động quản lý người bệnh.

3. Số lượng nhân viên y tế của bệnh viện sẽ ít hơn

TP.HCM chia se mo hinh benh vien tuong lai trong cuoc cach mang cong nghiep 4.0
Robot y tá trao đổi với Đại tá, Bác sĩ Trương Hoàng Việt, Giám đốc BV Quân dân y miền Đông

Phần lớn công việc quản trị bệnh viện thông thường (thủ tục nhập viện và xuất viện) sẽ được thực hiện thông qua màn hình touchscreens (như tại Trung tâm Y tế Samsung ở Seoul, Hàn Quốc). Bệnh án điện tử cập nhật tự động mỗi khi có một y lệnh về chỉ định xét nghiệm, khi có kết quả ngay lập tức sẽ thông tin đến những người có liên quan, kể cả bệnh nhân.

Phần mềm ứng dụng tinh vi sẽ liên tục tích hợp các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nhân với các thông số trên máy theo dõi người bệnh và kết quả xét nghiệm, ngay lập tức đề xuất can thiệp, thậm chí bắt đầu điều trị, sau đó theo dõi hiệu quả của can thiệp điều trị, tương tự như cơ chế hoạt động của máy bay không người lái.

Do đó, sẽ có ít bác sĩ có mặt thường xuyên trong bệnh viện; vẫn có một số nhân viên tối thiểu thường trực để chăm sóc các trường hợp khẩn cấp và tham gia vào đội Code-Blue (đội cấp cứu ngưng tim - ngưng thở).

Các cuộc thảo luận sẽ được thông báo bởi các chương trình máy tính có thể cá nhân hoá cho từng tình huống của từng bệnh nhân. Tất cả các biến số, bao gồm cả phân tích xu hướng, liên quan đến từng bệnh nhân sẽ được phân tích, trình bày đồ họa để bệnh nhân và gia đình có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến trường hợp của họ.

Những dữ liệu này sẽ được kết hợp với một chương trình trang web thích hợp - khi một chẩn đoán mới được thực hiện, máy tính sẽ hướng người bệnh đến thông tin khoa học liên quan đến trường hợp cụ thể của họ; ví dụ, một bệnh nhân ung thư vú không cần phải đọc mọi thứ về các loại ung thư vú, mà chỉ về loại hình và giai đoạn họ mắc bệnh, do đó cung cấp thông tin cá nhân chính xác hơn.

4. Telemedicine sẽ ở khắp mọi nơi

TP.HCM chia se mo hinh benh vien tuong lai trong cuoc cach mang cong nghiep 4.0
Bác sĩ Sài Gòn hội chẩn qua điện thoại từ sáng tới khuya cứu thiếu niên thoát cửa tử đeo bám

Công nghệ ứng dụng cho y học từ xa Telemedicine sẽ được áp dụng triệt để với khả năng gần như vô tận trong tương lai. Các kỹ thuật thực tế ảo sẽ được sử dụng rộng rãi để nâng cao kết quả phẫu thuật. Các chuyên gia phẫu thuật có thể can thiệp phẫu thuật từ xa bằng cách sử dụng cánh tay robot mà không cần phải có mặt trong phòng mổ.

5. Nhiều robot phục vụ trong bệnh viện

TP.HCM chia se mo hinh benh vien tuong lai trong cuoc cach mang cong nghiep 4.0
Phẫu thuật bằng Robot ở BV Chợ Rẫy

Sử dụng thang máy đã được lập trình sẵn, thức ăn và các đồ tiếp liệu khác có thể được vận chuyển tự động từ một khoa, phòng của bệnh viện tới một khoa, phòng khác, thậm chí đến từng phòng bệnh nhân, các hoạt động này sẽ được thực hiện bởi robot.

Robot cũng sẽ được sử dụng để vận chuyển bệnh nhân đi làm các xét nghiệm, làm thủ thuật; thay thế phần lớn các nhà vật lý trị liệu để hướng dẫn người bệnh tập thể dục. 

6. Sử dụng các thiết bị theo dõi không xâm lấn

Khi nhập viện, bệnh nhân sẽ được trang bị một số đầu dò đa cảm ứng không xâm lấn và liên tục theo dõi các thông số như nhịp tim, độ bão hòa oxy, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, lượng nước tiểu, mức đường huyết,... cân bằng dịch ra-vào cũng sẽ được giám sát và ghi lại thường xuyên. 

Những dữ liệu này sẽ được chuyển về hệ thống điều khiển trung tâm của bệnh viện và liên tục giám sát, cảnh báo đến nhân viên y tế của bệnh viện.

7. Liệu còn tồn tại khoa ICU (chăm sóc tích cực)?

TP.HCM chia se mo hinh benh vien tuong lai trong cuoc cach mang cong nghiep 4.0
Những thiết bị y tế tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy

Khả năng sẽ có một khoa chăm sóc đặc biệt nhưng sẽ rất khác so với định dạng hiện tại. Một số chuyên gia gợi ý rằng thay vì phải có một ICU riêng biệt, nếu bệnh nhân cần chăm sóc tích cực, giường bệnh thông thường sẽ được chuyển đổi thành giường hồi sức bằng cách đưa máy thở, thiết bị theo dõi sát mà không cần chuyển bệnh nhân.

Hai ý tưởng này đều có những thuận lợi và bất lợi riêng, tuỳ tính chất và đặc thù chuyên khoa của mỗi bệnh viện để chọn lựa hướng thích hợp.

8. Bệnh nhân sẽ được vận động sớm

TP.HCM chia se mo hinh benh vien tuong lai trong cuoc cach mang cong nghiep 4.0
Bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Quận Thủ Đức

Với sự trợ giúp của robot, bệnh nhân sẽ được tập thể dục thụ động và khuyến khích tập thể dục một cách tích cực bất cứ khi nào có thể. 

Nhờ vào vòng tay "thông minh", nhân viên bệnh viện sẽ biết chính xác bệnh nhân ở đâu vào bất cứ lúc nào và sẽ được cảnh báo đến bộ phận giám sát của bệnh viện.

9. Liên tục chăm sóc tại bệnh viện và tại nhà

Nhờ công nghệ telemedicine, bệnh nhân xuất viện sẽ tiếp tục được bệnh viện quản lý từ xa bởi cùng đội ngũ cán bộ y tế đã chăm sóc họ trong thời gian nằm viện.

Với màn hình lớn và webcam, thông qua videocall, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi không xâm lấn nếu cần; có thể hoàn tất việc kiểm tra theo dõi thường xuyên với điều dưỡng hoặc bác sĩ, thảo luận về bất kỳ vấn đề nào mới phát sinh hoặc còn lo ngại.

Chất lượng hình ảnh và tốc độ kết nối sẽ không khác gì so với lúc ở bệnh viện. Hệ thống theo dõi sau khi ra viện sẽ làm giảm số lần quên tái khám sau khi ra viện, giảm tỷ lệ tái phát bệnh.

10. Quyết định ngưng điều trị và cải thiện chăm sóc cuối đời

Đối với bệnh nhân có tình trạng bệnh lý có nguy cơ dẫn đến tử vong, không thể can thiệp điều trị thêm, thảo luận và quyết định cuối cùng sẽ được củng cố bằng cách tiếp cận các dữ liệu chính xác hơn về tiên lượng, chất lượng cuộc sống qua phân tích nguồn dữ liệu lớn, sâu bằng các chương trình thống kê tinh vi. Tiếp đó, quá trình chăm sóc cuối cùng của cuộc đời được bắt đầu.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI