TP.HCM chỉ đạo nóng doanh nghiệp vận tải giảm giá cước

07/09/2015 - 06:58

PNO - Sau 2 tháng, giá xăng giảm 5 lần liên tiếp nhưng giá cước lại vận tải nhiều nơi vẫn đứng yên khiến nhiều người điêu đứng...

Trước diễn biến đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh taxi và kinh doanh vận tải tuyến cố định xem xét điều chỉnh giảm giá cước, đồng thời đăng ký, kê khai giá cước.

TP.HCM chi dao nong doanh nghiep van tai giam gia cuoc
Hành khách đón xe tại bến xe Miền Đông.

Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho phóng viên PhunuOnline biết, hiệp hội vừa gửi văn bản đề nghị các thành viên tính toán giảm giá cước và kê khai niêm yết giá cước. 

Từ cuối tháng 8/2015, Bộ Tài chính đã có hai công văn liên tiếp đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu sở GTVT phối hợp với Sở tài chính giám sát chặt chẽ giá cước vận tải, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải kê khai lại giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng dầu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng A92 đã giảm tới 7 lần với tổng giảm lên tới 5.590 đồng/lít. Bù trừ với 4 lần tăng giá thì giá xăng hiện nay rẻ hơn so với giá đầu năm 550 đồng/lít, tương đương giảm 3,1%. Trong đó, 5 lần giảm giá liên tiếp kể từ ngày 4/7 đã đưa giá xăng hạ nhiệt tới tận 15,85%.

Giá dầu diezen cũng đã giảm tới 4.800 đồng/lít kể từ đầu năm và khi bù trừ cho 2 lần tăng giá, mặt hàng này hiện vẫn rẻ hơn giá đầu năm là 3.390 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ là giảm 20,4%. Cũng như giá xăng, giá mặt hàng này có tới 7 lần giảm liên tiếp 2 tháng qua đã giúp giá bán lẻ hạ tới 18,7%. Và riêng một lần giảm tới 1.200 đồng/lít, giá xăng đã giảm 6,4%.

Theo ông Hỷ, so với thời điểm tăng giá cước vào tháng 5-2015 đến nay, giá xăng đã giảm tổng cộng 1.900 đồng/lít (hai lần tăng với tổng cộng 1.480 đồng/lít và năm lần giảm tổng cộng 3.380 đồng/lít), nên các doanh nghiệp có thể tính toán giảm cước taxi ở mức hợp lý. 

Trong khi đó, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết thêm, đến nay đã có gần 10 doanh nghiệp hoạt động tại bến đăng ký giảm giá cước từ 4 – 10% giá vé. Ngoài ra chưa kể một số doanh nghiệp có thể đã kê khai ở bến xe đầu tỉnh (khai thác đến Tp. Hồ Chí Minh). 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá, Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Sở Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị giảm giá cước, hạn cuối đăng ký kê khai điều chỉnh là 11/9. Hiện đã có 2 đơn vị đăng ký điều chỉnh giảm giá cước. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng, với vận tải hành khách, vốn có các chi phí cố định nên các doanh nghiệp có thể tính toán giảm giá cước với tỉ lệ tương ứng ngay sau khi giá xăng giảm.

Theo ông Chánh, cái khó của các doanh nghiệp vận tải hiện nay là phải chở đúng tải, chi phí khấu hao cao, một số tuyến đường thu phí tăng 3-4%, một số tuyến đường khác lại có lộ phí cao, thậm chí có những trường hợp thỏa thuận giá ghi hợp đồng một đằng nhưng thu cước thật sự lại thấp hơn, vì vậy giá cước thay đổi không thể dễ dàng thông báo giảm bao nhiêu trên 1km.

UBND TP.HCM cũng đã giao Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT và các sở ngành TP.HCM thực hiện quản lý giá cước vận tải bằng ôtô, trong đó Sở Tài chính TP được giao báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM. 

TP.HCM chi dao nong doanh nghiep van tai giam gia cuoc

Trước đó, từ cuối tháng 8/2015, Bộ Tài chính đã có hai công văn liên tiếp đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu sở GTVT phối hợp với Sở tài chính giám sát chặt chẽ giá cước vận tải, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải kê khai lại giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng dầu.

  • Phương Ngọc
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI