TP.HCM: Cây xanh đô thị chỉ để làm củi?

30/04/2013 - 14:02

PNO - PN - TP.HCM có rất nhiều cây xanh trồng trên đường phố hoặc công viên được xếp vào hàng cổ thụ, có giá trị cao, nhưng lâu nay ít ai biết mỗi khi bị đốn hạ, chúng được bán với giá rất bèo, thậm chí không bằng giá củi trên thị...

Giá bèo còn khuyến mãi

Trong vai một doanh nghiệp kinh doanh gỗ, chúng tôi tìm đến Công viên Gia Định (Q.Gò Vấp), nơi đang có hơn 160 cây xanh bị “trảm” để thực hiện dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Sau nhiều ngày lân la tìm hiểu, chúng tôi đã tìm ra được đơn vị đang thầu việc đốn hạ và thu mua số gỗ này với một giá bèo không tưởng.

TP.HCM: Cay xanh do thi chi de lam cui?

Phần lớn số cây xanh phải đốn hạ trong lần này được Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) giao cho Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại và dịch vụ Minh Thảo (DN Minh Thảo) đốn hạ và thu mua. Theo hợp đồng, Khu 1 bán cho DN Minh Thảo tổng cộng 110 cây xanh nằm trong phạm vi dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. DN Minh Thảo thực hiện tất cả các công đoạn: đốn hạ, cưa, cắt và dọn gốc. Tổng số gỗ trên, Khu 1 chỉ bán được 80 triệu đồng. Trong khi đó, theo danh sách chúng tôi có được, đơn cử chỉ với 59/110 cây xanh mà DN Minh Thảo nhận thu mua, tổng sản lượng gỗ đã lên đến gần 80m3. Trong số này có đến 15 cây loại III (tức cây được xếp vào hàng cổ thụ). Nhiều cây có giá trị cao như: sọ khỉ, lim xẹt, dầu, sao đen… Như vậy, tính trung bình mỗi m3 gỗ, Khu 1 bán chưa tới một triệu đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, mức giá này quá bèo so với giá gỗ trên thị trường hiện nay. Ông C. (lãnh đạo một DN kinh doanh gỗ trên địa bàn Q.7) đánh giá: “Mức giá này thậm chí không bằng giá củi trên thị trường. Chỉ riêng 59 cây này tôi có thể trả 300 triệu đồng, bao luôn công đốn và vận chuyển”. Theo ông Đ., trong số gỗ trên, nhìn khối gỗ là có thể thấy nhiều cây có thể sản xuất được đồ nội thất. Hiện gỗ tạp để làm ván công nghiệp đã có giá ba triệu đồng/m3, còn gỗ để sản xuất được đồ nội thất giá từ 10 triệu - 21 triệu đồng/m3. Tương tự, theo ông L. (lãnh đạo một DN kinh doanh gỗ tại Q.Thủ Đức), các loại gỗ quý như: sọ khỉ, sao đen, lim xẹt… hiện có giá thấp nhất trên thị trường là 8,5 triệu đồng/m3 gỗ tròn (gỗ chưa xẻ). Nếu mua gỗ đã đốn hạ thì số gỗ trên có giá khoảng một tỷ đồng. Còn nếu mua tại vườn, phải bỏ công đốn thì có thể bỏ thầu từ 300 triệu - 400 triệu đồng.

Không chỉ bán rẻ so với thị trường, theo tài liệu chúng tôi có được, tại quyết định số 2722/QĐ, Sở GTVT TP.HCM xác định khối lượng đốn hạ cây xanh nằm trong ranh dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài chỉ có 161 cây gồm: 33 cây loại I, 110 cây loại II và 18 cây loại III. Thế nhưng, hiện Khu 1 đang cho đốn tới 211 cây. Như vậy, có 50 cây nằm ngoài danh sách phê duyệt của Sở GTVT TP. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số cây này đang nằm trong danh sách cây xanh đang được Khu 1 giao cho DN Minh Thảo đốn hạ. Như vậy, không chỉ bán cây giá rẻ, phải chăng Khu 1 còn khuyến mãi, làm lợi thêm cho DN Minh Thảo?

TP.HCM: Cay xanh do thi chi de lam cui?

Hàng trăm cây xanh trong công viên Gia Định đã bị đốn sạch, bán với giá bèo

Thất thoát ngân sách vì bảng giá lạc hậu?

Giải thích về việc đốn cây ngoài số lượng được giao, ông Ngô Bá An - Phó Giám đốc Khu 1 thừa nhận, Sở GTVT TP chỉ giao quyết định đốn hạ 161 cây, nhưng trong quá trình khảo sát thực tế đã phát sinh thêm 50 cây. Đây là những cây trước đây không được đánh số quản lý do nằm trong nhà dân hoặc nhiều vị trí khác. Tuy nhiên, tất cả số cây này đều nằm trong ranh giải tỏa của dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Bình, Gò Vấp đã thống nhất không thuộc diện phải đền bù cho người dân. Vì vậy, Khu 1 đã quyết định đốn hạ để bàn giao mặt bằng cho dự án. Việc đốn hạ được giao cho DN Minh Thảo thực hiện cộng với số cây trong công viên tổng cộng là 110 cây.

Còn về việc bán cây giá rẻ, tại văn bản số 1377/KQL1, Khu 1 cho rằng, trước đây, Khu có ký hợp đồng đốn hạ cây xanh với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh (CT CVCX). Tại hợp đồng này, CT CVCX đã đưa ra tiền công đốn, vận chuyển 161 cây xanh… hơn 544 triệu đồng, trong khi dự toán giá trị củi, gỗ thu hồi lại chỉ khoảng 100 triệu đồng. Có nghĩa, nếu Khu 1 thực hiện hợp đồng với CT CVCX thì sau khi đơn vị này đốn hạ, ngoài việc thu được gỗ, ngân sách nhà nước còn phải thối lại cho CT CVCX hơn 444 triệu đồng. Khu đã thương thảo với CT CVCX nhằm giảm chi phí đốn hạ nhưng CT vẫn giữ nguyên chi phí.

TP.HCM: Cay xanh do thi chi de lam cui?

Theo ông An, trước tình hình trên, Khu đã tiến hành đăng báo kêu gọi các DN tham gia nhưng chỉ có CT Minh Thảo tham gia đốn hạ, thu mua.

Tuy nhiên, ông An cũng thừa nhận mức giá này là rẻ so với giá thị trường. Theo ông An, về nguyên tắc, Khu phải bán theo đơn giá quy định của Nhà nước nhưng giá bán bây giờ đã lạc hậu. Giá bán được tính như giá củi, dù chúng tôi biết, có những cây lớn có khả năng dùng vào nhiều việc khác chứ không phải chỉ để làm củi. Chúng tôi cũng thấy bức xúc về chuyện này. Sở GTVT TP cũng thấy sự bất hợp lý đó, nhưng việc đốn hạ, thanh lý cây xanh hiện nay phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước nên phải theo đơn giá định mức của Nhà nước mới thanh toán, quyết toán được. Hiện Sở GTVT TP đã làm việc với Sở Tài chính để ra bảng giá mới nhưng vẫn chưa ra được. Trước mắt, trong lúc đơn giá mới chưa ban hành, sắp tới khi đốn hạ, thanh lý cây xanh, chúng tôi sẽ công khai để kêu gọi nhiều đơn vị cùng tham gia. Bên cạnh đó, hai việc đốn hạ và thanh lý sẽ được tách biệt ra. Đơn vị nào bỏ giá tốt sẽ được tham gia thực hiện.

 Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI