TP.HCM “căng mình” chống sởi

18/04/2014 - 16:41

PNO - PN - Theo nguồn tin riêng Báo Phụ Nữ TP.HCM, sáng 17/4, một bệnh nhi (ngụ tỉnh Đồng Nai) sau khi được chuyển lên TP.HCM điều trị 13 ngày, người nhà đã xin đưa về vì biến chứng viêm phổi quá nặng. Các bác sĩ đang nghi ngờ biến chứng...

edf40wrjww2tblPage:Content

TP.HCM “cang minh” chong soi

Bệnh nhi các tỉnh dồn về TP.HCM

Trước thông tin các tỉnh phía Bắc có hơn 110 trẻ tử vong do sởi và liên quan đến sởi, nhiều phụ huynh tại TP.HCM đang có con nhỏ vô cùng lo lắng vì bệnh sởi cũng đang “nóng” ở các bệnh viện (BV).

Chiều 17/4, ngồi trước phòng hành chính Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 để chờ y tá gọi tên nhập viện, mẹ bé gái Nguyễn An Bình (ngụ Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) rầu rĩ: “Bé mới chín tháng tuổi, còn vài ngày nữa mới đủ tuổi chích ngừa, chưa kịp chích thì cháu đã mắc bệnh sởi. Hiện cháu có triệu chứng ho, tiêu chảy, sốt cao liên tục không hạ. Vợ chồng tôi đọc thông tin thấy ở Hà Nội nhiều ca tử vong quá nên đưa cháu xuống TP.HCM điều trị”. Tại lầu 1, Khoa Nhiễm, mẹ của bé Nguyễn Phạm Bảo Trâm (6,5 tháng tuổi, ngụ tỉnh Hà Tĩnh, đang tạm trú tại tỉnh Bình Dương) cho biết: “Con tôi chỉ bị sởi nhẹ như sốt, ho, nổi ban nhưng thấy bé còn quá nhỏ nên tôi xin bác sĩ nhập viện nội trú điều trị, chứ ở nhà không theo dõi sát được”.

Mỗi ngày, Khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 1 có từ 40-50 ca sởi điều trị nội trú; Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 có từ 50-60 ca sởi/ngày. Tình trạng này diễn ra liên tục từ đầu năm đến nay. Thực tế, số ca nhập viện chỉ chiếm 5-10% so với tổng số ca sởi đến khám tại các BV. BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết: trong số ca nhập viện thì có khoảng 10% bệnh nhi bị biến chứng như viêm tai giữa, chảy mủ tai, bội nhiễm, khó thở phải thở máy, thở oxy và hầu hết các trường hợp đều bị viêm phổi.

Trước tình trạng dịch bệnh, nhiều phụ huynh có con nhỏ tỏ ra hoang mang. Chị Lan Phương (ngụ tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) nói: “Con tôi 13 tháng tuổi, tháng trước tôi đưa con đến BV An Sinh chích ngừa sởi cùng nhiều bệnh khác. Mấy hôm nay, đọc báo thấy nhiều trẻ tử vong do sởi, người ta lại khuyến cáo mang con đi chích ngừa sởi mũi thứ hai, nhưng khi tôi đưa con đến thì bác sĩ lại bảo con tôi chưa cần chích ngay mà phải đợi đến sáu tháng tuổi. Giờ tôi không biết thế nào”. Không chỉ mù mờ về thông tin, nhiều phụ huynh còn hoang mang liệu việc tiêm ngừa có an toàn không?

TP.HCM “cang minh” chong soi

Một bệnh nhi mắc bệnh sởi đang được điều trị tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy

Các bệnh viện sẵn sàng chống quá tải

BS Nam khuyến cáo: Bệnh sởi gây tổn thương và biến chứng ít; tuy nhiên, sau khi mắc bệnh sởi thì hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu, dễ bị mầm bệnh khác xâm nhập gây viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu chảy, viêm kết mạc, viêm tai giữa, viêm não… Vì vậy, khi nghe thông tin nhiều tỉnh/thành có ca tử vong mà người bệnh dồn về hết các BV tuyến trên là điều không nên vì dễ gây quá tải, xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Cần lưu ý, sởi là bệnh dễ lây và lây rất nhanh. Đôi lúc, những trẻ bị bệnh sởi dạng nhẹ có thể chuyển sang nặng và nguy hiểm đến tính mạng nếu trong phòng bệnh có trẻ bị biến chứng viêm phổi.

Đồng tình ý kiến này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 cho rằng: “Các phụ huynh không nên vội chuyển trẻ về BV tuyến cuối. Các BV sẽ phân chia điều trị phù hợp với tình trạng bệnh theo tuyến. Phụ huynh yên tâm, khi trẻ mắc bệnh nặng BV tuyến dưới sẽ chủ động chuyển lên tuyến trên”.

Cũng theo BS Khanh, BV này đã trang bị 10 máy thở cho Khoa Nhiễm; riêng thuốc kháng sinh, vitamin đã chuẩn bị đầy đủ. Khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 2 có 180 giường bệnh - số giường bệnh nhiều nhất của BV. Để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo khi nhập viện, BV tách hẳn mỗi bệnh truyền nhiễm ra thành khu vực riêng biệt. Riêng khu vực dành cho bệnh sởi có đến bảy phòng bệnh với lối đi riêng, có nhà vệ sinh tách biệt; chưa kể các phòng cách ly cho trẻ bị biến chứng do sởi cần thở máy, thở oxy.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) cùng các quận huyện đã họp và triển khai các biện pháp như tuyên truyền nhằm hạn chế lây lan sởi. Trung tâm sẽ thực hiện các biện pháp giám sát, điều tra dịch tễ tại cộng đồng. Sở Y tế giao cho BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới làm đầu mối để tiếp nhận các ca bệnh nặng. Các BV này xây dựng phác đồ điều trị hợp lý, hỗ trợ tập huấn cho 24 BV quận, huyện và các BV khác; chuẩn bị các thiết bị máy thở, phòng cách ly, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong BV… Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã phối hợp với ngành giáo dục TP lên danh sách các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để vận động người nhà đưa trẻ đi tiêm chủng.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP cho biết, tính đến giữa tháng 4/2014, TP đã tiến hành tiêm vét vắc-xin ngừa sởi cho hơn 60% (khoảng 60.000) trẻ trong độ tuổi tiêm chủng (từ 9-36 tháng tuổi). Theo kế hoạch thì chiến dịch tiêm vét vắc-xin ngừa sởi sẽ được tiếp tục triển khai trong hai tuần nữa, tức là đến hết tháng 4/2014. Sau đó, việc tiêm vắc-xin sởi sẽ được duy trì nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Các bác sĩ cho biết: trẻ mắc bệnh sởi thường có biểu hiện như: sốt, ho, sổ mũi nước trong, chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, nổi phát ban bắt đầu từ sau gáy lên mặt, tai và sau đó lan xuống tay, chân. Sau giai đoạn này thì các nốt ban bắt đầu bong vẩy, sẫm màu và thường hết bệnh sau bảy ngày mắc bệnh. Những biểu hiện biến chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong giai đoạn trẻ mắc bệnh. Với trẻ mắc bệnh sởi cần cách ly kể từ lúc mắc bệnh đến thêm bốn ngày sau khi các nốt ban đã hết.

Sai lầm của phụ huynh thường là cho trẻ điều trị sởi theo các phương pháp dân gian mà chưa được chứng minh hiệu quả; tự mua thuốc cho trẻ mà không đưa đi khám. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ kiêng cữ, chỉ cho trẻ ăn cháo muối, thiếu khoáng chất, khiến trẻ suy dinh dưỡng và bệnh nặng hơn. Trẻ bị ủ kín, không được vệ sinh, tắm rửa nên sốt cao hơn và dễ bội nhiễm.

BS Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc TTYTDP giải thích: bình thường thì trẻ chỉ cần tiêm một mũi vắc-xin ngừa sởi khi 12 hoặc 13 tháng tuổi. Và khoảng 4-5 năm sau trẻ sẽ tiêm nhắc lại vắc-xin ngừa sởi. Tuy nhiên, trong tình trạng hiện nay, nguy cơ trẻ nhiễm bệnh cao thì các nhà chuyên môn đã đưa ra khuyến nghị nên cho trẻ tiêm ngừa sởi mũi thứ hai sau mũi thứ nhất chừng một tháng.

  Vinh Nguyễn - Thanh Khê

Hơn 8.400 ca mắc sởi

Ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi, có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh để hạn chế sự lây lan. Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh chính xác để có các biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả.

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến ngày 17/4, đã ghi nhận 3.126 trường hợp mắc sởi trên tổng số hơn 8.441 ca bị phát ban nghi mắc bệnh sởi trong toàn quốc, trong đó 111 ca tử vong.

 Bảo Thoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI