TP.HCM: “Bình thường hoá” dạy và học sau tết như thế nào?

05/02/2022 - 18:57

PNO - Ưu tiên bán trú cho học sinh cuối cấp, học sinh ở xa; luân phiên tổ chức theo từng khối… là cách “bình thường hoá” được TP.HCM áp dụng từ sau tết.

Ưu tiên bán trú cho học sinh ở xa

Ngay sau tết, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) sẽ tổ chức “bình thường hóa” hoạt động bán trú, căn tin cho học sinh. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Lâm Triều Nghi cho hay, nhà trường chỉ ưu tiên cho những học sinh ở xa để đảm bảo hoạt động bán trú tuân thủ đúng theo các quy định, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. 

“Khoảng 600-700 học sinh sẽ tham gia bán trú, tương đương với 1/3 tổng số học sinh toàn trường. Nhà trường sẽ lập hội đồng xét duyệt việc tổ chức bán trú, chỉ những học sinh có địa chỉ xa trường mới được tham gia bán trú. Đối với việc nghỉ trưa, nam sinh sẽ nghỉ trưa ngay tại phòng học, còn nữ sinh thì nghỉ trưa tại khu vực bán trú riêng”, thầy Nghi nói. 

Chia sẻ về kế hoạch tổ chức cho học sinh học tập “bình thường mới” từ sau tết, cô Nguyễn Thị Thanh (Hiệu trưởng THPT Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) cho hay, trường sẽ chia buổi học theo từng khối, kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, để giảm bớt số học sinh/ buổi học, đảm bảo vừa dạy học theo chương trình, vừa đảm bảo phòng dịch.

Trường học tại TP.HCM lập cả hội đồng xét duyệt việc tổ chức bán trú
Trường học tại TP.HCM lập cả hội đồng xét duyệt việc tổ chức bán trú

“Để hoạt động dạy và học được bình thường nhất có thể, căn tin và bán trú sẽ được tổ chức. Riêng bán trú sẽ ưu tiên chỉ tổ chức cho học sinh khối 12, vì đây là khối lớp cuối cấp, được tăng thời lượng tiết học trực tiếp tại trường.

Dự kiến sẽ có khoảng 150 học sinh cuối cấp tham gia bán trú. Trong khi đó, cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ 800 học sinh, do vậy sẽ đảm bảo các quy định phòng dịch khi tổ chức bán trú”, cô Thanh nói. 

Tại quận 1, sau khi đối thoại với phụ huynh về việc dạy học trực tiếp, bà Lê Thị Bình (Trưởng phòng GD-ĐT Q.1) cho hay, sự đồng thuận của phụ huynh ở các khối lớp cho con đi học trực tiếp sau tết trên địa bàn quận cao, song phụ huynh mong muốn nhà trường sẽ tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.

“Khi học sinh mầm non, tiểu học và khối 6 trở lại trường, để hoạt động dạy và học được bình thường hóa, dự kiến thời gian đầu, các trường trung học cơ sở sẽ ưu tiên tổ chức bán trú trước cho khối 6, 9, tạo điều kiện để học sinh khối 9 ôn tập, và học sinh khối 6 làm quen, bắt nhịp với môi trường học tập mới.

Các trường tiểu học sẽ sắp xếp luân phiên tổ chức bán trú cho các khối lớp, căn cứ vào tình hình dịch sẽ mở rộng tổ chức hết, bình thường hóa nhất có thể…”, bà Lê Thị Bình chia sẻ. 

“Bình thường hóa” hoạt động dạy và học

Trong nỗ lực “bình thường hóa” hoạt động dạy học ngay sau tết, ông Đoàn Bội Ngọc (Trưởng phòng GD-ĐT Q.4) thông tin, quận rất chú trọng khâu tư vấn, chuẩn bị thật tốt tâm lý và cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cao nhất khi học sinh tất cả các khối lớp cùng trở lại trường. Ban giám hiệu phổ biến đến từng GVCN, GVCN sinh hoạt thật kỹ với từng phụ huynh, học sinh về công tác phòng dịch, sao cho sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình được nhịp nhàng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Khẳng định hoạt động dạy học tại trường từ sau tết phải ngày càng bình thường hóa, linh hoạt phù hợp với đặc thù nhà trường và đối tượng học sinh, ông Trịnh Duy Trọng (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhấn mạnh công tác hướng dẫn học sinh về các kỹ năng phòng dịch cần phải được GVCN làm thật kỹ, đi sâu vào quy định phòng dịch của trường, đảm bảo tất cả học sinh đều nắm để càng ngày càng thực hiện tốt hơn, có kỹ năng, thói quen phòng chống dịch.

TP.HCM nỗ lực bình thường hoá hoạt động dạy và học từ sau tết
TP.HCM nỗ lực "bình thường hóa" hoạt động dạy và học từ sau tết

Trong đó, việc bình thường hóa hoạt động bán trú, căn tin tại trường học trong điều kiện có dịch là rất khó, tuy nhiên để tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh, học sinh, các trường cần phải nỗ lực rất lớn, tính toán phù hợp với từng đối tượng học sinh và đặc thù đơn vị. 

Đơn cử như hoạt động căn tin, ngoài bán nước thì cần cân nhắc bán thêm đồ ăn sáng, tạo điều kiện giúp học sinh được ăn sáng, nhất là với những học sinh ở xa, giúp các em không bỏ bữa, đảm bảo sức khỏe cho các em.

“Để đảm bảo an toàn phòng dịch khi học sinh tất cả các khối lớp cùng trở lại trường sau tết, các trường chú ý phân ca; phân khu vực vui chơi, sinh hoạt với sự hướng dẫn cụ thể cho học sinh từng lớp.

Trường có khuôn viên nhỏ thì việc tổ chức càng phải khoa học, bài bản. Đặc biệt, phải chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng, thói quen mới về phòng dịch”, ông Trịnh Duy Trọng chỉ rõ.

Én Bông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI