TP Hà Nội: Trò phải ở trọ để được học trường công

16/01/2024 - 12:09

PNO - Năm học 2023-2024, TP Hà Nội có gần 30.000 học sinh không được học lớp Mười trong các trường công lập. Có gia đình phải gửi con ra ngoại thành ở trọ để con được học trường công.

 

Hình ảnh làm nóng mạng xã hội trong mùa tuyển sinh 2023 - phụ huynh chen chân xếp hàng để đăng ký cho con vào lớp Mười của 1 số trường dân lập tại Hà Nội.
Hình ảnh làm nóng mạng xã hội trong mùa tuyển sinh 2023 - phụ huynh chen chân xếp hàng để đăng ký cho con vào lớp Mười của một số trường dân lập tại Hà Nội 

Chị N.H. (quận Đống Đa) cho biết, khi thi vào lớp Mười, con chị đạt 37 điểm nhưng vẫn trượt cả 3 nguyện vọng. Do vậy, gia đình chị đã phải đăng ký cho con vào học Trường THPT Bắc Lương Sơn ở huyện Thạch Thất, cách nhà gần 50km. Với chi phí ăn uống và thuê trọ mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, chị thấy vẫn rẻ hơn nhiều so với các khoản đóng góp nếu con học trường tư ở nội thành. 

Gia đình chị Q.A. (quận Hoàng Mai) cũng phải cho con học lớp Mười ở huyện Ba Vì, cách nhà gần 70km. Chị cho biết, con chị có điểm trung bình 7,5 điểm/môn nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng. Năm học 2023-2024, cùng với Trường THPT Bắc Lương Sơn, Trường THPT Quang Minh (huyện Ba Vì) cũng được phép tuyển sinh trên toàn thành phố với điểm xét tuyển đợt 2 chỉ ở mức 18. Chị Q.A. cho biết, cực chẳng đã, gia đình chị mới phải để con trọ học ở xã miền núi xa xôi, nhưng vợ chồng chị đều có thu nhập thấp, chỉ có thể cho con học trường công lập. 

Việc thiếu trường THPT công lập là vấn đề không mới của TP Hà Nội. UBND thành phố đã cho xây thêm phòng học nhưng số tăng thêm không đáng kể nên phải tăng sĩ số học sinh mỗi lớp, khó đảm bảo chất lượng khi dạy và học theo chương trình mới.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP Hà Nội, năm học 2023-2024, Hà Nội đã phê duyệt 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, nhưng đa số trường xây mới đều ở các huyện ngoại thành, chỉ có 1 trường được xây mới ở quận Cầu Giấy, 1 trường ở quận Hà Đông - là 2 trong số những quận có mức tăng dân số cơ học, tăng học sinh đầu cấp nhiều nhất của thành phố. Các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ vừa không được xây trường công mới, vừa thiếu trường tư thục nên nếu không đậu vào trường công lập và không có tiền để học trường tư thục thì học sinh ở các quận này phải chấp nhận đi xa, ở trọ.

Dự kiến, đến cuối năm 2025, TP Hà Nội có 7 trường liên cấp được đưa vào sử dụng. Theo quy định, mỗi trường liên cấp có tối đa 68 lớp, trong đó có 24 lớp bậc THPT; trung bình mỗi khối có 8 lớp, mỗi lớp 50 học sinh. Như vậy, 7 trường phổ thông liên cấp này sẽ đáp ứng chỗ học cho khoảng 2.800 học sinh lớp Mười, trong khi 2 năm tới, số học sinh tốt nghiệp THCS dự kiến tăng 29.000 em.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội - cho rằng, TP Hà Nội thiếu trường một phần do công tác dự báo dân số chưa chuẩn. Ví dụ, năm 2015, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội dự đoán năm 2020, toàn thành có 7,9 triệu dân, nhưng thực tế, đến năm 2020, toàn thành đã có 8,2 triệu người. Năm 2018, TP Hà Nội có 7,9 triệu dân nhưng chỉ có 259 trường THPT, trong đó có 114 trường công lập. Theo quy định, dân số tăng 400.000 người thì phải tăng thêm 20 trường nhưng trên thực tế, số trường chỉ tăng thêm 7.

Để giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp công lập, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, UBND TP Hà Nội nên điều chỉnh lại một số tiêu chuẩn về xây dựng, như tăng mật độ xây dựng trường học; không tách riêng nhà giáo vụ, nhà của giáo viên; cho phép tăng tầng trường học. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ, kiên quyết thực hiện theo quy hoạch, tăng cường xử lý vi phạm ở cả các khu đô thị mới cũng như ở nội đô. Với các khu đô thị mới, cần buộc chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ, xây dựng đồng bộ các công trình công cộng, trong đó có trường học; nếu không đủ trường học, không đủ các công trình công cộng thì không cho người dân đến ở. Ở nội đô, cần di dời trụ sở các bộ, ngành và các cơ sở công nghiệp không phù hợp, sau đó dùng đất này xây dựng các công trình công cộng (trường học, công viên) chứ không dùng vào bất kỳ mục đích nào khác. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI