TP.Hà Nội: “Bà hỏa” đe dọa nhiều nơi

03/08/2022 - 06:22

PNO - Trước vụ cháy quán karaoke khiến ba chiến sĩ cứu hỏa hy sinh chiều 1/8, từ đầu năm 2022 đến nay, ở TP.Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây thương vong. Gần đây nhất, ngày 21/4, vụ cháy tại khu tập thể Kim Liên, Q.Đống Đa đã làm năm người chết, hai người bị thương.

Tại một số địa điểm có hiện trạng giống với hai vụ cháy kể trên, chúng tôi ghi nhận, nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu. Cụ thể, trên đường Nguyễn Khang, Q.Cầu Giấy, vẫn còn nhiều quán karaoke sử dụng biển quảng cáo cỡ lớn bịt kín tòa nhà, che khuất lối thoát hiểm. Trong khi, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quy định, các cơ sở kinh doanh karaoke không sử dụng biển quảng cáo cỡ lớn che khuất toàn bộ mặt tiền.

Hệ thống dây điện chằng chịt tại khu nhà tập thể G6A Thành Công (Q.Ba Đình)
Hệ thống dây điện chằng chịt tại khu nhà tập thể G6A Thành Công (Q.Ba Đình)

Tại các khu tập thể cũ thuộc P.Kim Liên (Q.Đống Đa), P.Ngọc Khánh, Giảng Võ (Q.Ba Đình), vẫn tồn tại tình trạng cơi nới, thậm chí đốt vàng mã. Anh Bùi Quang Hiếu - sống ở khu tập thể G6 Thành Công, P.Thành Công, Q.Ba Đình - cho biết, gia đình anh mới chuyển về sống tại tầng 5 khu này và anh cảm thấy bất an khi thấy mọi người đốt vàng mã ngay tại chiếu nghỉ tầng 2: “Khu tập thể này là tòa nhà xuống cấp nặng, nhưng một số cư dân không có ý thức phòng cháy. Nhiều lần, tôi góp ý nhưng không hiệu quả”.

Theo một cán bộ làm công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) của TP.Hà Nội, cháy nổ xuất phát từ nhiều nguồn nhưng phổ biến nhất là do hạ tầng điện quá tải, chập cháy. Mật độ dân cư tăng cao, hệ thống quạt, máy lạnh, máy điều hòa nhiệt độ hoạt động hết công suất vào mùa hè càng khiến hạ tầng điện quá tải. Vụ cháy năm ki-ốt bán hàng trên đường Cầu Diễn ngày 5/7 vừa qua được xác định do chập điện. “Lúc xảy ra cháy, đang có mưa rất to nên chỉ có chập điện mới gây cháy lớn như vậy” - vị cán bộ này nói. 

Theo vị này, các nhà hàng, quán karaoke thường đấu nối quá số lượng thiết bị, thay đổi kết cấu, tận dụng không gian làm chặn lối thoát hiểm. Về tình trạng các quán karaoke gắn biển quảng cáo bịt kín tòa nhà, vị này cho hay, cảnh sát PCCC đã khuyến cáo không sử dụng biển quảng cáo cỡ lớn bằng vật liệu dễ cháy nổ, còn việc cấp phép cho các cơ sở kinh doanh treo biển quảng cáo lại thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng khác.

Hệ thống dây điện mất an toàn tại khu nhà ở tập thể Văn Chương (Q.Đống Đa)
Hệ thống dây điện mất an toàn tại khu nhà ở tập thể Văn Chương (Q.Đống Đa)

 

Trung tá Nguyễn Ích Thọ - nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Q.Ba Đình - cho rằng, mật độ dân số tăng khiến nhu cầu sử dụng thiết bị điện tăng, vật dụng trong gia đình cũng có nhiều đồ dễ cháy hơn, nhà cao tầng nhiều hơn nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh cũng khiến việc tiếp cận hiện trường vụ cháy gặp nhiều trở ngại. “Nếu xảy ra cháy vào giờ cao điểm thì công tác tiếp cận hiện trường cũng như tiếp nước gặp vô vàn khó khăn” - ông phân tích.

Theo trung tá Nguyễn Ích Thọ, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi gây cháy với hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, thợ hàn để xảy ra cháy, nổ phải bị xử lý hình sự.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP.Hà Nội, tính từ đầu năm đến giữa tháng 6/2022, TP.Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy làm 12 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 5,6 tỷ đồng. Loại hình xảy ra cháy chủ yếu là nhà dân đơn lẻ, nhà kho, xưởng sản xuất, nhà ở kết hợp kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu gây cháy là do sự cố về điện, chiếm 133/206 vụ, 64,56%.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI