edf40wrjww2tblPage:Content
Thạc sĩ loại giỏi cũng thất nghiệp
Thạc sĩ Phan Thị Nhung, quê ở Đà Nẵng có bằng cử nhân và thạc sĩ loại giỏi nhưng phải đi làm công nhân. Dù được Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bút phê vào hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng xem xét trường hợp này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có tín hiệu vui nào. Đó là một trong những trường hợp “thất nghiệp” được báo chí đề cập nhiều gần đây. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi, đằng sau nó là những câu chuyện đầy tâm sự của những cử nhân, kỹ sư mang nhiều kỳ vọng đi học cao học để rồi thất vọng tràn trề.
P.Th.M. tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM. Thuộc vào top 5% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường nên M. được hưởng chế độ tuyển thẳng vào cao học. M. mong muốn được về quê giảng dạy cho một trường đại học hoặc cao đẳng để tiện chăm sóc ba mẹ.
Vừa tốt nghiệp cao học, một trường đại học ở quê thông báo tuyển giảng viên, M nộp hồ sơ vào. Dù thông báo chỉ tuyển từ bậc thạc sĩ trở lên, nhưng có đến hơn 30 hồ sơ nộp vào ứng tuyển. Qua mấy vòng thi tuyển, M. lọt vào top 5 người có điểm số cao nhất nhưng cuối cùng cô bị rớt. Hai người trúng tuyển giảng viên không tốt nghiệp loại giỏi, cũng không phải là hai người có điểm thi tuyển cao nhất, nhưng họ được cộng thêm điểm ưu tiên là dân tộc thiểu số và gia đình có công cách mạng. Có một người trong trường bảo M. cứ gửi hồ sơ lại trường, khi nào tuyển giảng viên nữa họ sẽ gọi, nhưng hồ sơ để đến hơn 2 năm sau, cô đến hỏi vài lần trường nhưng lần nào cũng chỉ được trả lời kiểu ậm ờ, nước đôi, bảo chờ tiếp.
M. nộp hồ sơ xin giảng dạy tại các trường trung học phổ thông. Khi đưa bằng thạc sĩ ra, tưởng đâu sẽ được trọng dụng, ai dè ngược lại. Các trường lại tỏ ra e ngại. Một số thầy cô mách riêng cho M. biết rằng: “Người giỏi mà trẻ thì thường hay có những ý tưởng táo bạo, cách tân, các giáo viên lâu năm không thích. Hơn nữa, thạc sĩ về trường cũng chỉ giảng dạy như các giáo viên tốt nghiệp đại học, nên thành ra tuyển thạc sĩ phải tốn thêm tiền lương, trong khi không làm nhiều hơn”. Xin tới xin lui, hiện M. vẫn thất nghiệp.
Trường hợp của H.M.L. còn ly kỳ hơn. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, ĐH Mở TP.HCM, khó xin việc, L. thi tiếp lên cao học. Tốt nghiệp cao học, chạy đôn chạy đáo xin việc. L. không nhớ đã gửi bao bộ hồ sơ đi đến các công ty, nhưng đều chỉ nhận được lời hứa hẹn “sẽ gọi lại sau”. Sau một thời gian mệt mỏi, L. mới ngộ ra rằng những chỗ mình gửi hồ sơ không có nhu cầu tuyển hoặc ngại tuyển những người có bằng thạc sĩ. Đến nay hơn 2 năm, L. vẫn chưa tìm được công việc thật sự phù hợp với ngành học của mình.
Cần thay đổi cách nghĩ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng đăng ký dự thi cao học tại các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng dần. Bên cạnh những học viên đã có việc làm được đơn vị cho đi học thì số lượng học viên chưa có việc làm cũng không ít. Kết quả khảo sát tỷ lệ có việc làm của SV sau khi tốt nghiệp tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH cũng sụt giảm đáng kể.
Anh Sena Arata - Phó VPĐD Công ty CP tư vấn G.A tại TPHCM, chia sẻ: “Các tân cử nhân, kỹ sư ra trường kiếm không được việc làm lại đổ xô đi học cao học, không phải là giải pháp tối ưu. Một người tốt nghiệp ĐH, lần đầu đi xin việc họ thường ở vị trí nhân viên. Còn một người có bằng thạc sĩ khi đi xin việc thì thường được xếp vào vị trí lãnh đạo hoặc chuyên viên, đó là một lợi thế nhưng cũng là một thiệt hại lớn. Vì có nhiều vị trí ở các doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển những người có học vị thạc sĩ. Hơn nữa nếu tuyển một người có học vị thạc sĩ thì phải trả lương cao hơn những người có trình độ ĐH mà nhu cầu công việc chỉ cần trình ĐH”.
Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), mỗi năm, TP.HCM tuyển dụng khoảng 270.000 lao động. Trong đó, chỉ 1 đến 1,3% là nhu cầu lao động có trình độ thạc sĩ. Nguyên nhân này xuất phát từ việc các doanh nghiệp ở nước ta đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ sau đại học…
Ông Trần Anh Tuấn.
Nguồn: Falmi.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi, chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì xin việc ở đâu ai cũng nhận. Đó là tư tưởng hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, nhiều cơ quan Nhà nước, công ty cần những người có đủ kinh nghiệm, trình độ năng lực, chứ không cần bằng cấp thạc sĩ, rất ít đơn vị có nhu cầu nhận lao động từ trình độ thạc sĩ trở lên, trừ các đơn vị là trường học, viện nghiên cứu…”.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, một nguyên nhân nữa, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi thường có tâm lý, chỉ muốn làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp có mức thu nhập cao hay ở các thành phố lớn, trong khi nhu cầu nhân lực tại những nơi này thường rất ít, dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều. Hiện nay, chưa có quy định gì về việc ưu tiên cho lao động có bằng thạc sĩ trở lên, ngoài việc khi được ký hợp đồng lao động, mức lương khởi điểm của bằng thạc sĩ sẽ cao hơn bằng đại học một bậc theo đúng quy định về hệ số lương của Nhà nước. Việc tăng lương, thăng chức như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của mỗi người.
“Dù anh có bằng thạc sĩ nhưng không làm được việc thì cũng không thể bằng một anh đại học có năng lực chuyên môn cao. Việc đào tạo trình độ thạc sĩ ở nước ta cũng vẫn còn nhiều bất cập, chỉ chú trọng vào giảng dạy lý thuyết chứ ít có các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng làm việc. Việc đào tạo thạc sĩ cũng hết sức tràn lan, có nhiều ngành đào tạo không phù hợp với thực tiễn nhu cầu lao động”, ông Tuấn nói.
Mỗi năm có thêm gần 90.000 thạc sĩ Theo số liệu thông kê của Bộ GD&ĐT, trong năm học 2009-2010, số thạc sĩ được cấp bằng trong các trường ĐH, học viện cả nước là 10.740 người, nhưng số tuyển mới là hơn 23.000. Năm học 2011-2012, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo được 89.923 học viên cao học. Như vậy, chỉ trong một năm, khoảng gần 90.000 thạc sĩ "ra lò". |
Công Chương