Tốt khoe, xấu che, sao lớn?

11/01/2020 - 09:26

PNO - Không phải vì công bố những mặt còn tồn tại mà ngành văn hóa xấu hơn trong mắt công chúng. Ngược lại, thẳng thắn, dũng cảm nhìn nhận những yếu kém, có khi lại ghi điểm với dư luận.


Không ai không biết đến những vụ việc không được tốt đẹp của ngành văn hóa trong năm qua, nhưng để công bố, có vẻ bản thân ngành văn hóa lại… chưa sẵn sàng. 

Tại buổi họp báo thường kỳ quý IV của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT-DL) và bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu của năm diễn ra vừa qua tại Hà Nội, trước câu hỏi “Vì sao không công bố các sự kiện “xấu” trong năm?”, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn của bộ, nói: “Bộ đã nghĩ đến chuyện này, nhưng để công bố thì cần sự chuẩn bị chín muồi mới triển khai được”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, trong thời gian tới, nếu thực hiện được việc công bố các sự kiện còn hạn chế thì rất tốt”, người phát ngôn của bộ nói.

Vì sao sự kiện tiêu biểu có thể “khoe” ngay được, còn những sự kiện xấu hoặc hạn chế, lại phải chuẩn bị chín muồi mới triển khai? Nếu người nào không biết, lại tưởng, Bộ VH-TT-DL công bố sự kiện bí mật nào động trời, sợ gây hoang mang dư luận nên chần chừ hết năm này đến năm khác. Tuy nhiên, ở đây, lại toàn những sự vụ lộ rõ sự yếu kém cũng như những tồn tại của ngành mà các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải rất nhiều trong năm qua, chỉ cần một cú nhấp chuột trên mạng cũng có 
thể thấy. 

"Bảo vật quốc gia"  - trang Vườn xuân Nam Trung Bắc bị hỏng sau khi sửa chữa
"Bảo vật quốc gia" Vườn xuân Nam Trung Bắc bị hỏng sau khi sửa chữa

Vậy vì sao lại phải cần “chuẩn bị chín muồi” để công bố những điều mà ai cũng biết? Có không ít người đặt câu hỏi: “Như thế nào mới gọi là “chín muồi” theo suy nghĩ của bộ? Và phải chăng, bộ cũng nên công khai tiêu chí “chín muồi”, để khi công bố, dư luận đỡ bị “sốc”?”. 

Triển khai bình chọn những sự kiện tiêu biểu theo hướng tích cực được; có lý nào, bộ lại gặp khó khăn trong việc triển khai bình chọn những sự kiện còn tồn tại trong năm qua? Hay ngay từ đầu, ý hướng của bộ đã là tốt khoe, xấu che?

Tổng kết là một công việc có ý nghĩa, để nhìn lại một năm, ở cả những việc làm được và cả những việc còn tồn tại, cần khắc phục, nhằm hoạch định kế hoạch cho năm tới. Nói những mặt được, thì cũng cần nói cả những điểm chưa được. Cũng chẳng có ngành nào trong quá trình quản lý và hoạt động chỉ có tốt đẹp, thuận lợi mà không tồn tại khó khăn. Vì thế, câu chuyện quản lý văn hóa cần biết vượt ra khỏi phạm vi “trong nhà”, “đóng cửa bảo nhau” để nghĩ rộng hơn. Nhất là với vị trí cơ quan đầu ngành, Bộ VH-TT-DL hoàn toàn có thể tổng kết một năm bằng những kết luận đường hoàng, dõng dạc. Chỉ “có vấn đề”, mới thiếu tự tin như vậy.

Nói thật, năm nào đi dự tổng kết của ngành, cánh phóng viên chúng tôi cũng chán lắm! 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI