Vẫn có nhiều nghệ sĩ, tuy không có những MV đạt trăm triệu lượt xem hay lọt top trending, nhưng khi mở show, chỉ cần vài phút, lượng vé đã được mua sạch.
Nghịch lý kỳ lạ
Ngay sau khi Lê Cát Trọng Lý thông báo dời concert từ tháng 2/2020 sang tháng 5/2020 vì dịch bệnh COVID-19, không hề có yêu cầu hoàn trả nào được nêu ra từ những người đã cất công mua vé trước đó, mà ngược lại, tất cả đều cho biết sẵn sàng đợi cô. Thậm chí, nhiều khán giả vẫn tiếp tục mua thêm vé. Trước đó, khi mở bán, concert có cái tên dài ngoằng của Lý - Vì sao chúng ta ở đây ôm chặt buồn? Mà sao chúng ta chẳng ôm nhau một lần?, bán hết vé trong thời gian ngắn.
|
Lê Cát Trọng Lý năm nay tổ chức concert ở 2 điểm Hà Nội và Sài Gòn. |
Tốc độ bán vé concert của Lê Cát Trọng Lý hoàn toàn trái ngược với tốc độ xem khi cô ra sản phẩm. Trên YouTube, nơi mà cuộc rượt đuổi với từ “top trending” đang trở thành công cụ so kè của nghệ sĩ, thì các sản phẩm của Lý chỉ lẹt đẹt vài chục ngàn, cao nhất chỉ vài triệu lượt xem.
Cũng giống như Lý, trên kênh YouTube của Hà Anh Tuấn, ngoài ca khúc Tháng Tư là lời nói dối của em cách đây ba năm (hiện hơn 100 triệu lượt xem), các MV còn lại, lượt xem đều thuộc dạng “tuổi gì để nói chuyện”. Thế nhưng, chưa bao giờ khán giả có thể dễ dàng mua được vé các đêm diễn của anh, trong khoảng ba năm trở lại đây. Đỉnh điểm, năm 2019, chuỗi live concert Truyện ngắn được xem là một hiện tượng của nhạc Việt, khi các đợt bán vé qua mạng chỉ diễn ra trong vòng năm phút, vì… hết vé. Để được thưởng thức chương trình của Hà Anh Tuấn, nhiều khán giả chấp nhận mua vé chợ đen, với giá lên đến 14 triệu đồng/cặp!
Trường hợp của Vũ Cát Tường cũng không khác là bao. Sau khi “tuyên chiến” với việc nghe miễn phí trên mạng, nữ ca sĩ dần chuyển sang các nền tảng nghe nhạc có trả phí. Kênh YouTube của Vũ Cát Tường là nơi đăng tải một vài MV, demo sản phẩm. Chưa bao giờ sản phẩm của nữ ca sĩ vụt lên như một hiện tượng hay đứng top 1 trending trên YouTube. Nhưng khi concert Inner Me hay Dear Ha Noi của nữ ca sĩ bán vé, chỉ trong chớp nhoáng, vài ngàn vé đã không còn.
Dường như, lượt xem hay “top trending” - một trong những tiêu chuẩn mà nhiều ca sĩ dùng để định danh, trở nên vô hiệu trước những “ca” này. Hơn thế nữa, nếu tách rời giữa hai khái niệm “khán giả miễn phí” và “khán giả chi tiền” để xác định cận cảnh hơn đối tượng khán giả thật sự, thì những cái tên bên lề của “top trending” kia là một vùng lớn đáng kể của bức tranh toàn cảnh showbiz Việt.
|
Rapper Đen Vâu và show 10 năm là cột mốc đáng nhớ không chỉ với nam ca sĩ mà với cộng đồng những khán giả yêu mến anh. |
“Top trending” không định danh nghệ sĩ
Thực tế, sự thành công của Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường hay Đen Vâu không hề ngẫu nhiên. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng: “Khi khán giả mua vé show của Lê Cát Trọng Lý hay Hà Anh Tuấn, họ không phải chỉ mua giai điệu, lời ca. Người nghe tạm gác những công việc sau lưng, lắng lại để thưởng thức âm nhạc trong khung cảnh lãng mạn đầy cảm xúc. Đó là một trong những yếu tố khiến show hấp dẫn”.
Với Nguyễn Hải Phong, câu chuyện show của các nghệ sĩ bán được vé hay các MV đạt lượng view cao là hai phạm trù khác biệt. YouTube trở thành nền tảng phát hành hiện đại và tiện ích, vì ngay khi ra mắt, sẽ nhận được phản hồi, theo dõi được xu hướng… Tuy nhiên, “top trending” chỉ phản ánh sự quan tâm, chú ý của xã hội trong một khoảng thời gian nhất định, trong khi âm nhạc thật sự nói riêng và nghệ thuật nói chung, luôn được khẳng định bởi chiều dài của thời gian.
“Tôi không cho rằng việc đầu tư MV để lọt vào top trending là dở, xấu vì đó là xu hướng phát triển của công nghệ. Nhưng âm nhạc vẫn phải giữ nguyên giá trị để khán giả họ có gì đó để nghe. Bài hát phải có đời sống riêng, phải được nghêu ngao hát, không chỉ nằm dưới khung hình cố định theo chuẩn. Vì nếu vậy, chỉ cần tắt MV đi, thì ca khúc cũng biến mất”, nam nhạc sĩ khẳng định.
|
Các show của Hà Anh Tuấn luôn trong tình trạng "cháy" vé. |
Đó là lý do thời gian qua, nhạc Việt chứng kiến nhiều hiện tượng vụt sáng rồi mất hẳn. Mới hôm nay lọt “top trending”, ngày mai, một ca khúc mới toanh xuất hiện. Vòng đời đó càng không minh chứng được giọng ca đó tài năng. Bởi điều dễ hiểu, theo nhạc sĩ Dương Cầm: “Lý do một MV nào đó “hot” trên YouTube có thể do sự đầu tư mạnh, ca sĩ có nhiều fan, ý tưởng MV gây sốc hoặc kế hoạch truyền thông tốt. Có nhiều bài hát không thật sự hay, ý nghĩa nhưng khi được “mặc” nhiều lớp áo đẹp thì thu hút được sự quan tâm của khán giả”. Nhạc sĩ Dương Cầm nói thêm, dù anh không đánh đồng, nhưng hầu như chất lượng âm nhạc của các ca khúc từng lọt “top trending” không có chất lượng cao.
Dĩ nhiên ngay cả số lượng vé bán ra của một show diễn cũng có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoài âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định, “top trending” chưa bao giờ là thước đo định danh nghệ sĩ như nhiều người vẫn tưởng.
“Cuộc đua MV là một cuộc chạy đua về tiền. Ai cũng muốn đổ thật nhiều tiền để có được MV hay, chất lượng. Điều đó thúc đẩy các nghệ sĩ, buộc họ phải tìm tòi, đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm. Nhưng, quay lại câu chuyện, làm âm nhạc để làm gì? Vì nếu lao vào cuộc đua và nhận về kết quả không tương xứng, nghệ sĩ mất tiền, mất thời gian. Tất cả phải khôn ngoan để biết thế mạnh của mình, chọn được chính xác con đường. Nếu bạn muốn đi lâu dài thì phải dành sức đầu tư, đặc biệt về mặt chuyên môn. Còn nếu mong những sự chú ý trong thoáng chốc rồi mất, thì phải chấp nhận việc hôm nay khán giả yêu thích, ngày mai, họ quên”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
|
Diễm Mi