Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thất vọng trước kết quả Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25

16/12/2019 - 06:04

PNO - Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25 vừa kết thúc hôm 15/12 - nơi các nhà đàm phán thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận giải quyết sự nóng lên toàn cầu - đã thất bại.

Các nhà lãnh đạo thế giới được giao nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn giảm phát thải mới tại hội nghị COP25 kéo dài hai tuần ở Madrid - cuộc họp lần thứ 25 của Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Nhưng nhiều quốc gia đã phê bình Chile – quốc gia chủ trì cuộc hội đàm - khi soạn thảo văn bản khung hoạt động"tệ nhất từ trước đến nay" dựa theo Thỏa thuận khí hậu Paris.

Tong thu ky Lien Hiep Quoc that vong truoc ket qua Hoi nghi thuong dinh ve khi hau COP25
Các nhà hoạt động môi trường biểu tình bên ngoài nơi tổ chức cuộc họp ở Madrid.

Thỏa thuận Paris có hiệu lực vào tháng 11/2016, kêu gọi các bên ký kết giảm mạnh lượng khí thải để mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5oC trước năm 2100. Thỏa thuận cũng kêu gọi các quốc gia giàu có cung cấp cho các nước đang phát triển viện trợ tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của họ sang các nền kinh tế sạch hơn.

Các kế hoạch khí hậu quốc gia hiện nay (nếu đạt được) vẫn sẽ dẫn đến sự gia tăng ít nhất 3oC, mà các nhà khoa học cho rằng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm ltrên diện rộng, cùng nhiều thảm họa thời tiết và nước biển dâng cao.

Làn sóng yêu cầu hành động ngày càng lan rộng trong công chúng đang gây áp lực buộc các chính phủ phải tăng cường các kế hoạch khí hậu vào cuối năm tới - nhưng hiện chỉ có khoảng 80 quốc gia nhỏ, phát thải ít cho biết họ sẽ tham gia.

Liên minh châu Âu, các quốc đảo nhỏ và nhiều quốc gia khác đã kêu gọi quyết định tại Madrid, nhằm khuyến khích hơn 190 quốc gia tham gia vào Thỏa thuận Paris đệ trình các cam kết cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn vào năm 2020.

Tong thu ky Lien Hiep Quoc that vong truoc ket qua Hoi nghi thuong dinh ve khi hau COP25
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu suy yếu khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ - quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới - ra khỏi thỏa tuận.

Thỏa thuận Paris đã bị suy yếu do động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt đầu rút quốc gia phát thải lớn nhất thế giới khỏi thỏa thuận vào tháng 11/2019, khiến các nước lớn khác cũng muốn rút lui.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - Antonio Guterres - cho biết hôm Chủ nhật (15/12) rằng ông "thất vọng" trước kết quả của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Madrid, khi thế giới bỏ lỡ cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng ấm lên toàn cầu.

Ông Guterres đưa ra tuyên bố vào lúc COP25 kết thúc chuỗi cuộc họp, nói lên "nhu cầu cấp thiết" đối với các cam kết cắt giảm carbon mới nhưng không đạt được mục tiêu mong muốn.

Tổng Thư ký LHQ phát biểu: "Tôi thất vọng với kết quả của COP25. Cộng đồng quốc tế đã mất một cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng về giảm thiểu khí thải, tăng khả năng thích ứng và nguồn tài chính để giải quyết khủng hoảng khí hậu".

Lợi ích cạnh tranh của quốc gia dường như đã vượt các lời kêu gọi hành động toàn cầu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan và những cảnh báo ngày càng nghiêm trọng từ các nhà khoa học khí hậu.

Ông Guterres nói: "Chúng ta không được từ bỏ và tôi sẽ không từ bỏ. Hơn bao giờ hết, tôi quyết tâm biến năm 2020 thành năm mà tất cả các quốc gia cam kết thực hiện những gì khoa học nói với chúng ta là cần thiết để đạt được tính trung lập carbon vào năm 2050 và giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5oC".

Tong thu ky Lien Hiep Quoc that vong truoc ket qua Hoi nghi thuong dinh ve khi hau COP25
Các quốc đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương đang bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Tấn Vĩ (Theo CNA, ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI