Tổng thống Trump đe dọa ngừng viện trợ và rút Mỹ khỏi WHO trong vòng 30 ngày

19/05/2020 - 19:41

PNO - Hôm 18/5, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc họ đã phá hỏng phản ứng COVID-19 toàn cầu và là một "con rối của Trung Quốc".

Trong bức thư gửi đến WHO, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng WHO không làm đủ để chống lại sự lây lan của dịch bệnh.

Mở đầu bức thư, Tổng thống Donald Trump nhắc lại quyết định ngừng đóng góp cho WHO hôm 14/4 cùng những vấn đề khác mà Tổ chức Y tế Thế giới nên giải quyết, đặc biệt là sự thiếu độc lập đáng báo động của tổ chức này trước ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Bức thư của Tổng thống Trump gửi đến Tổng giám đốc WHO và Tổ chức hôm 18/5.
Bức thư của Tổng thống Trump gửi đến Tổng giám đốc WHO và tổ chức này hôm 18/5

Bức thư nêu ra một số sai lầm trong khâu điều tra dịch bệnh do virus corona mới của WHO, bao gồm:

- Tổ chức Y tế Thế giới liên tục bỏ qua các báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan dịch bệnh ở Vũ Hán vào đầu tháng 12/2019 hoặc thậm chí sớm hơn, bao gồm các báo cáo từ tạp chí y khoa Lancet. WHO đã thất bại trong việc điều tra độc lập các báo cáo đáng tin cậy mâu thuẫn trực tiếp với nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc.

- Vào ngày 30/12/2019, văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Bắc Kinh đã biết về vấn đề "sức khỏe cộng đồng lớn" ở Vũ Hán. Từ ngày 26/12 đến ngày 30/12, truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh bằng chứng về một loại virus mới xuất hiện tại Vũ Hán, dựa trên dữ liệu bệnh nhân được gửi đến nhiều công ty gen của Trung Quốc và nhận định của bác sĩ Zhang Jixian – công tác tại Bệnh viện Y học Trung Quốc và Tây y tổng hợp tỉnh Hồ Bắc.

- Ngày 1/1, chính quyền đảo Đài Loan đã liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết khả năng virus truyền từ người sang người. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn không chia sẻ thông tin quan trọng này với phần còn lại của thế giới.

- Quy định y tế quốc tế yêu cầu các quốc gia báo cáo nguy cơ khẩn cấp về sức khỏe trong vòng 24 giờ. Nhưng Trung Quốc đã không thông báo một số trường hợp viêm phổi không rõ nguồn gốc cho đến ngày 31/12/2019, dù có khả năng họ đã biết về những trường hợp này vài ngày hoặc vài tuần trước đó.

- Bác sĩ Zhang Yongzhen thuộc Trung tâm y tế công cộng Thượng Hải đã giải trình tự bộ gen của virus mới và gửi đến chính quyền Trung Quốc vào ngày 5/1/2020. Đến ngày 11/1, khi tiến sĩ Zhang tự đăng báo cáo lên mạng, chính quyền Trung Quốc ngay lập tức đóng cửa phòng thí nghiệm của ông để "cải chính". Ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận bài đăng của bác sĩ Zhang là lời cảnh báo sớm, tổ chức này không đưa ra nhận xét gì về hành động của Trung Quốc.

Tổng thống trump đăng tải toàn văn bức thư của Nhà Trắng gửi đến WHO hôm 18/5 lên Twitter.
Tổng thống Trump đăng tải toàn văn bức thư của Nhà Trắng gửi đến WHO hôm 18/5 lên Twitter

Tiếp theo trong lá thư, ông Donald Trump lên án việc WHO đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố sai lệch về virus corona chủng mới hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác, dẫn dắt dư luận.

Chẳng hạn như vào ngày 14/1, Tổ chức Y tế Thế giới dẫn nguồn tin thiếu cơ sở từ Trung Quốc, tuyên bố rằng coronavirus không thể lây truyền từ người sang người. Hay vào ngày 21/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị WHO không nên tuyên bố dịch bệnh là một trường hợp khẩn cấp quốc tế, và WHO xác nhận với thế giới rằng đó là một bệnh cúm không quá nguy hiểm. Dù vậy chỉ hơn một tuần sau, vào ngày 30/1/2020, bằng chứng thực tế buộc WHO đảo ngược quyết định, tuyên bố COVID-19 là tình trạng y tê khẩn cấp.

Sau đó, Tổng thống Trump bắt đầu nêu ra những mốc thời gian mà đáng lẽ WHO cần có hành động quyết liệt hơn để xác minh thông tin về dịch bệnh. Trong đó bao gồm việc gửi nhóm chuyên gia đến Trung Quốc chậm trễ hai tuần - cho đến tận nửa sau tháng 2 - vì những phản đối của Bắc Kinh nhắm vào thành viên nhóm từ Mỹ, hay ca ngợi tính minh bạch của chính quyền Trung Quốc, dù thực tế cho thấy điều ngược lại.

Đến khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3, đã có hơn 4.000 người chết, hơn 100.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 114 quốc gia.

Ở một luận điểm đáng chú ý, bức thư của Tổng thống Trump nói rằng “WHO hoàn toàn có thể làm tốt hơn”. Cụ thể là dưới thời Tổng giám đốc WHO Harlem Brundtland, bà đã nhanh chóng đưa ra lời khuyên khẩn cấp về hạn chế di chuyển đến khu vực miền nam Trung Quốc vào năm 2003 khi Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) bùng phát; đồng thời lên án chính quyền Trung Quốc cố gắng che giấu dịch bệnh.

Bức thư kết luận: “Rõ ràng là những sai lầm lặp đi lặp lại của Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus và WHO trong việc đối phó với đại dịch đã khiến thế giới trả giá đắt. Lựa chọn duy nhất của Tổ chức Y tế Thế giới lúc này là chứng minh sự độc lập khỏi Trung Quốc".

Cuối cùng, với cương vị là Tổng thống Liên bang, ông Trump đưa ra lời cảnh cáo: “Nếu Tổ chức Y tế Thế giới không cam kết cải thiện đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng tài trợ của Mỹ và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi trong tổ chức. Tôi không thể cho phép người đóng thuế Mỹ tiếp tục tài trợ cho một tổ chức mà ở hiện tại rõ ràng không phục vụ lợi ích của nước Mỹ”.

Tấn Vĩ (theo AFP, CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI