Video clip: Những người biểu tình "áo vàng" tiếp tục xuống đường vào ngày 15/12. |
Paris căng thẳng với một số cuộc ẩu đả giữa cảnh sát và người biểu tình, dù số người bị bắt ít hơn các tuần trước. Gần 8.000 cảnh sát đã được triển khai hôm 15/12 cùng với 14 xe bọc thép và xe vòi rồng. Đại lộ Champs-Élysées như bãi chiến trường - gạch lát đường, khung sắt bảo vệ cây bị phá, cửa hiệu bị đập phá, hàng quán đóng cửa.
Phong trào “áo vàng” bùng phát do tăng thuế nhiên liệu ở Pháp, kéo dài từ giữa tháng 11 đến nay. Tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra cứng rắn, nhưng cuối cùng phải nhượng bộ, tuyên bố năm 2019 sẽ ngưng tăng thuế xăng dầu.
Pháp là quốc gia thu thuế rất cao - thuộc top đầu thế giới. Nhờ những khoản đóng góp đó, Pháp có hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội được coi là bậc nhất thế giới. Câu hỏi là làm sao để nước này duy trì được hệ thống bảo hiểm xã hội phát triển mà không tăng thêm áp lực thuế khóa. Cuộc nổi dậy của người “áo vàng” là cơ hội để gây dựng sự đồng thuận về thuế; thông qua cuộc tranh luận công khai để đánh giá hiệu quả của các chính sách công, loại trừ hoặc chỉnh sửa những chính sách chưa hiệu quả.
Sự thật là một bộ phận dân chúng Pháp đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó là những người thất nghiệp, sống xa thành phố, với những điều kiện hạn hẹp về chỗ ở. Họ nhìn thấy sự hiện đại, những tiến bộ chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận người dân khác. Những yêu sách của người biểu tình giờ đã mở rộng sang vấn đề thuế khóa, sức mua và các điều kiện sống trong một xã hội ngày càng chia rẽ, giữa những người được hưởng lợi và những người thua thiệt.
Tìm kiếm một sự thỏa hiệp nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay ở Pháp là điều rất khó đạt được nhanh chóng. Tổng thống Emmanuel Macron hiển nhiên là mục tiêu của tất cả các phần tử cực đoan. Các ông chủ lớn trên thị trường chứng khoán Pháp cũng sớm trở thành mục tiêu. Yêu sách cắt giảm thuế đồng thời gia tăng các dịch vụ công rõ ràng là điều không thể đáp ứng được cùng lúc, đặc biệt trong ngắn hạn. Pháp không thể giảm sức ép về thuế nếu không thay đổi cơ cấu nhà nước và giảm bớt gánh nặng các dịch vụ, chưa kể phải thực hiện việc chuyển đổi sinh thái. Quá trình này cần thời gian, bởi nước Pháp không đủ giàu để làm mọi chuyện trong một sớm một chiều.
|
|
Năm nay, nợ công của Pháp đã vượt ngưỡng 100% GDP, tức là số nợ cao hơn tổng tài sản làm ra. Giảm thuế đồng thời tăng chi tiêu công là phương trình không có lời giải của chính quyền hiện nay và việc tìm kiếm sự thỏa hiệp sẽ là trọng tâm trách nhiệm của Tổng thống Macron. Người ta đòi ông phải có một thay đổi lớn trong chính sách, như những người tiền nhiệm đã làm trong nhiệm kỳ của họ.
Tổng thống Georges Pompidou đã xoa dịu được các sự kiện tháng 5/1968, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tiềm ẩn và ồ ạt cũng như đề cao trách nhiệm cá nhân. Giscard d’Estaing cũng mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974. Năm 1983, François Mitterrand phải quay lưng với luận điểm cánh tả mà ông tuyên bố khi tranh cử. Nicolas Sarkozy được người dân Pháp bầu ra để đưa nước Pháp thoát khỏi những thủ tục hành chính quan liêu, đã phải từ bỏ mục tiêu của mình, để đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 2008.
Khi lên nắm quyền, Macron hứa hẹn mang lại một thế giới mới. Nhưng giờ đây, làm thế nào ông kiên định lập trường khi hơn một nửa dân Pháp không ủng hộ? Giới bình luận cho rằng, ông Macron sẽ giảm thuế, cải thiện các dịch vụ công và các khoản trợ cấp xã hội theo 3 cách. Ông sẽ giảm các khoản thuế, phân bổ chúng tốt hơn, nhưng sẽ không khôi phục FSI (thuế đánh vào tài sản người giàu) hay loại bỏ mức thuế đồng nhất, để thúc đẩy đầu tư và tạo thêm việc làm trong lĩnh vực tư nhân.
Ông Macron cũng sẽ cải cách nhà nước và các cơ quan hành chính, giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy trung ương để tăng cường vai trò của các chính quyền địa phương. Ông có thể đẩy nhanh chương trình tư nhân hóa và xem lại hệ thống bảo trợ xã hội hiện đang chiếm hơn một nửa thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, ông Macron sẽ đàm phán với châu Âu để điều chỉnh lại quy định đồng sở hữu - quy định chi phối các mối quan hệ giữa 27 quốc gia thành viên mà phần lớn đang tìm kiếm sự thay đổi.
Tổng thống Macron đang do dự, vì ông đang tìm cách thể hiện một châu Âu nghiêm túc, không nợ nần, một châu Âu không có sai sót giữa lúc nước Pháp còn đang hỗn loạn, phong trào “áo vàng” đã lan sang Bỉ và Hà Lan. Tuần trước, ông Macron đã có bài diễn văn trước 23 triệu người Pháp, nhằm xoa dịu bất mãn của những người “áo vàng” đang làm tê liệt nước Pháp, với 4 biện pháp sẽ áp dụng ngay: tăng lương tối thiểu 100 euro, hủy việc tăng thuế với người có mức lương hưu dưới 2.000 euro, hủy thuế lương làm ngoài giờ, bỏ thuế đối với tiền thưởng cuối năm - nhưng những biện pháp trên vẫn chưa xoa dịu được người biểu tình.
Giáng Châu