Tổng thống Pháp Macron và phép thử khó trên sân nhà

19/11/2018 - 14:41

PNO - Ghi điểm với nỗ lực đối ngoại nhằm chống lại chủ nghĩa dân túy đe dọa đoàn kết EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại đang mất điểm trên sân nhà, khi nhiều chính sách đối nội của ông bị dư luận trong nước phản đối.

Giá xăng dầu thổi bùng ngọn lửa khủng hoảng

Tong thong Phap Macron va phep thu kho tren san nha
Phong trào "áo vàng" diễn ra rầm rộ cuối tuần qua trên khắp nước Pháp.

Tình hình chính trị ở Pháp đang thu hút mối quan tâm lớn từ người dân châu Âu và cả thế giới. Về đối ngoại, trong khi Tổng thống Macron nỗ lực củng cố một châu Âu vững mạnh sau “biến cố” Brexit tại Anh, thì ông liên tục vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt từ người dân trong nước.

Căng thẳng mới nhất mà chính quyền Tổng thống Pháp phải đối diện chính là phong trào “áo vàng”, phản đối chính sách tăng giá xăng dầu gây áp lực với giới tài xế, các công ty vận tải.

Ở Pháp, màu áo vàng phản quang gắn liền với hệ thống giao thông, gợi lên hình ảnh những người tài xế đang vô cùng bức xúc trước tình trạng đời sống ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Kể từ đầu năm 2019, thuế đánh vào giá xăng dầu sẽ tăng và người chịu thiệt sẽ là người lao động trực tiếp kiếm sống bằng các hoạt động liên quan xăng dầu.

Tong thong Phap Macron va phep thu kho tren san nha
Mức tín nhiệm đối với Tổng thống Pháp Macron sụt giảm nghiêm trọng, xuống còn 25%, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Cuộc tuần hành cuối tuần qua chứng kiến 282.000 người xuống đường, tạo nên 2.000 điểm nóng trên toàn quốc. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại có 1 người chết, 400 người bị thương vì tai nạn liên quan đến tuần hành.

Theo thăm dò mới nhất do công ty khảo sát của Pháp IFOP tiến hành, Tổng thống Pháp Macron đã mất thêm 4% điểm tín nhiệm trong tháng 11, xuống còn 25%, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Chính sách tăng giá xăng dầu không phải là chính sách mới. Kế hoạch này đã được đề cập cuối 2017, được giải thích là nỗ lực của Tổng thống Macron vì muốn chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Macron đang mất tín nhiệm với cử tri, chính sách này đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong công chúng vì tác động nghiêm trọng tới mọi khía cạnh đời sống thường nhật của người dân.

Cơn bão chỉ trích

Cuối tuần trước, hàng ngàn giáo viên Pháp đã xuống đường phản đối chính quyền Tổng thống Pháp Macron. Lần đầu tiên từ năm 2011 đến nay, các tổ chức đại diện cho những nhà giáo ở Pháp kêu gọi các thành viên phải có phản ứng mạnh mẽ, tỏ thái độ giận dữ vì không đồng tình với chính sách theo định huớng của ông Macron.

Nguyên nhân khiến những giáo viên bất bình là vì kế hoạch cắt giảm gần 3.800 việc làm trong các trường học nhằm tiết kiệm ngân sách. Nhiều khả năng các vị trí bị cắt giảm là giáo viên và những nhà quản lý giáo dục.

Điều này hoàn toàn trái ngược với cam kết đặt giáo dục làm mục tiêu trọng tâm mà Tổng thống Pháp Macron từng đưa ra trước đây.

Việc cắt giảm nhân lực trong lĩnh vực giáo dục được cho sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, vì theo nghiên cứu của Bộ Giáo dục Pháp thì ước tính số học sinh, sinh viên trong giai đoạn từ 2019-2021 sẽ tăng 40.000 người. Cắt giảm giáo viên sẽ gây thiếu hụt nhân sự, nhiều khả năng dẫn đến tình trạng quá tải công việc cho những giáo viên còn lại.

Tong thong Phap Macron va phep thu kho tren san nha
Tuần hành diễn ra trên đường phố với sự tham gia của giáo viên trường học các cấp và cả giảng viên đại học.

Tuy nhiên, dù không có việc cắt giảm lao động thì các giáo viên Pháp cũng rất bức xúc với điều kiện làm việc hiện tại. Giáo viên Pháp nằm trong số lao động thu nhập thấp nhất ở EU hiện nay.

Tháng 5/2018, nước Pháp từng xảy ra cuộc biểu tình với sự tham gia của 60 công đoàn, đảng chính trị, hiệp hội, tổ chức nhằm phản đối chính sách thiên vị cho nhà giàu của Tổng thống Macron. Theo chính sách này, những người có nhiều của cải sẽ được giảm thuế, trong khi thuế sẽ được siết chặt với người thất nghiệp.

Tổng thống Macron khi ấy khẳng định ông không ngần ngại trước làn sóng chỉ trích và sẽ không ngừng lại mọi kế hoạch.

Tổng thống Pháp Macron lần lượt đối diện với mức tín nhiệm sụt giảm của cử tri qua các cuộc bầu cử quan trọng. Đầu tiên là cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 9/2017. Trong đó, đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” của Tổng thống Pháp và liên minh giành đa số tuyệt đối tại Quốc hội (61%) nhưng không thắng áp đảo như dự đoán ở mức 75-78%.

Ông Macron còn phải trải qua bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019. Những dự định kết nối châu Âu, chống lại chủ nghĩa dân túy mà ông Macron theo đuổi chỉ sẽ được củng cố một khi chính sách đối nội của ông được tin tưởng, có sự đồng thuận từ chính người dân trong nước.

Minh Khôi (Theo France 24, Local)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI