Tổng thống Mỹ yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19

23/09/2020 - 07:12

PNO - Tổng thống Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đã cho phép virus corona "rời khỏi Trung Quốc và lây nhiễm ra thế giới". 

Mỹ vượt mốc 200.000 ca tử vong

Hoa Kỳ đã báo cáo có hơn 200.000 người chết vì đại dịch COVID-19 trong ngày 22/9 - cột mốc nghiệt ngã đối với nước này - chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.

Theo một thống kê tổng hợp của Đại học Johns Hopkins, 200.182 người Mỹ đã chết và 6,86 triệu người được xác nhận nhiễm virus. Mỹ tiếp tục là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong lẫn nhiễm coronavirus cao nhất thế giới.

Hoa Kỳ trung bình ghi nhận khoảng 800 bệnh nhân qua đời mỗi ngày, theo một thống kê của Reuters. Con số này giảm so với mức đỉnh điểm là 2.806 ca tử vong hàng ngày được báo cáo trong ngày 15/4.

Mỹ báo cáo hơn 200.000 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Mỹ báo cáo hơn 200.000 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Ngay khi Mỹ vượt cột mốc 200.000 người chết, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden nhanh chóng chỉ trích Donald Trump: "Do những lời nói dối và sự kém cỏi của Donald Trump trong sáu tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến một trong những thiệt hại nặng nề nhất, cướp đi nhiều sinh mạng của người Mỹ trong lịch sử".

Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại quốc gia sẽ rơi vào một tình huống thảm khốc khác khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 sẽ tăng cao trong những tháng mùa đông sắp tới, nhất là ở các vùng mà biện pháp y tế công cộng không được thực hiện.

Viện sức khỏe của Đại học Washington dự báo số ca tử vong do dịch COVID-19 sẽ lên đến 378.000 người vào cuối năm 2020, với số người chết hàng ngày lên đến 3.000 vào tháng 12.

Tổng thống Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch COVID-19

Ngày 22/9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước thế giới về các hành động của họ đối với đại dịch COVID-19. Ông cáo buộc Bắc Kinh đã cho phép virus corona "rời khỏi Trung Quốc và lây nhiễm ra thế giới". 

“Liên Hợp Quốc phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về các hành động của họ” - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh.

Tổng thống Hoa Kỳ nói rõ Trung Quốc chỉ chăm lo cho lợi ích của mình khi loại virus có khả năng gây chết người lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm ngoái.

"Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố sai không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người. Sau đó, họ tiếp tục nói sai những người không có triệu chứng sẽ không lây bệnh”, Donald Trump phát biểu.

Chủng ngừa COVID-19 sẽ không xảy ra cho đến năm 2024

Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới) nói với CNN: “Thực tế, đối với toàn thế giới, ít nhất là 90% để được chủng ngừa vắc-xin, phải đến năm 2024”.

Poonawalla cho biết một số khó khăn của việc tiêm vắc-xin từ thời điểm nghiên cứu và phê duyệt để sử dụng cho bệnh nhân, bao gồm việc mở rộng quy mô sản xuất và huy động hàng tỷ USD tài trợ cho việc mua sắm số lượng liều vắc-xin cần thiết. Đồng thời, việc quản lý vắc-xin ở một số quốc gia và các khu vực phức tạp cũng là một thách thức.

Chủng ngừa COVID-19 toàn cầu sẽ không xảy ra cho đến năm 2024
Chủng ngừa COVID-19 toàn cầu sẽ không xảy ra cho đến năm 2024

Điển hình, Poonawalla lấy ví dụ Ấn Độ, có quy mô dân số 1,4 tỷ người, “đến tháng 7, tháng 8 năm sau, ngay cả khi chúng tôi sản xuất được 400 triệu liều vắc-xin, chính phủ vẫn sẽ vật lộn để tiêm phòng cho tất cả mọi người".

Hiện, Viện Huyết thanh Ấn Độ đang làm việc với 5 nhà phát triển vắc-xin COVID-19 và chuẩn bị chế tạo ra hàng trăm triệu liều.

Anh áp đặt các biện pháp hạn chế mới có thời hạn lên đến 6 tháng

Rạng sáng 23/9, Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu người dân làm việc tại nhà nếu có thể, ra lệnh cho các nhà hàng và quán bar đóng cửa trước 10 giờ tối để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai đang lây lan nhanh, đặc biệt những hạn chế mới này có thể kéo dài lên đến 6 tháng.

Sau nhiều cảnh báo của các nhà khoa học rằng số người chết có thể tăng cao nếu chính phủ không có hành động khẩn cấp, Thủ tướng Anh dù không đưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc như hồi tháng 3 nhưng đã nhanh chóng siết chặt các biện pháp.

Ông Boris Johnson cảnh báo khi đất nước bước vào mùa đông, tình hình dịch bệnh sẽ diễn tiến khó khăn hơn nhưng chiến lược của ông là giữ cho nền kinh tế phát triển.

“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ... Bằng cách này, chúng ta có thể giữ mọi người làm việc, cho phép các cửa hàng và trường học mở cửa, và chúng ta có thể giữ đất nước tiến lên khi chúng ta hợp tác để ngăn chặn virus”, Thủ tướng Boris Johnson nói.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI