Tổng thống Mỹ cố tình phản ứng hạ thấp COVID-19 vì không muốn gây ra sự hoảng loạn

10/09/2020 - 08:53

PNO - Tổng thống Donald Trump nắm bắt khá rõ về mức độ nguy hiểm, lây lan nhanh của dịch bệnh nhưng không truyền đạt thông tin đó cho người dân vì ông không muốn tạo ra sự hoảng sợ.

Tổng thống Mỹ biết về sự nguy hiểm của đại dịch từ đầu tháng 2

Theo CNN và The Washington Post thu thập được những đoạn ghi âm phỏng vấn của nhà báo Bob Woodward cho cuốn sách mới Rage, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biết về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 gây chết người và lây lan nhanh thế nào vào đầu tháng 2 nhưng không truyền đạt thông tin đó cho người dân Mỹ vì ông không muốn tạo ra sự hoảng sợ.

Tổng thống Donald Trump giấu nhiều thông tin về dịch COVID-19 vì lo sợ người dân hoảng loạn.
Tổng thống Donald Trump giấu nhiều thông tin về dịch COVID-19 vì lo sợ người dân hoảng loạn

“Tôi không muốn tạo ra sự hoảng loạn, và chắc chắn tôi sẽ không khiến đất nước này hay thế giới rơi vào tình trạng điên cuồng. Chúng tôi muốn thể hiện sự tự tin. Chúng tôi không muốn nhảy cẫng lên và bắt đầu hét lên rằng chúng ta có một vấn đề lớn, khiến mọi người sợ hãi", Tổng thống nói.

“Virus lây qua không khí, điều đó thực sự khó khăn và nguy hiểm. Nó có thể gây chết người gấp 5 lần so với bệnh cúm thông thường” ông Trump nói trong đoạn ghi âm phỏng vấn với Woodward ngày 7/2. Đây là thời điểm 19 ngày trước khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ xác nhận trường hợp lây lan virus trong cộng đồng đầu tiên tại Mỹ.

Woodward đã thực hiện 18 cuộc phỏng vấn với Tổng thống Trump từ ngày 5/12/2019 đến ngày 21/7/2020 cho cuốn sách Rage (tạm dịch: Cơn thịnh nộ) sẽ được phát hành vào ngày 15/9, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 và khi những nỗ lực của ông Trump để chống lại COVID-19 đối mặt với những chỉ trích dữ dội là hơi muộn.

Tổng thống đảng Cộng hòa - người bị đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden chỉ trích vì phản ứng chậm chạp của chính phủ Mỹ đối với đại dịch - đã cố gắng hạ gục loại virus này trong nhiều tháng, khi nó tồn tại và lây lan nhanh chóng trên khắp đất nước.

“Tôi muốn luôn hạ gục nó,” ông Trump nói với Woodward vào ngày 19/3, vài ngày sau khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Cũng trong cuộc trò chuyện này, Tổng thống Trump thừa nhận với Woodward rằng một số “sự thật đáng ngạc nhiên. Người trẻ cũng vậy, rất nhiều người trẻ (bị nhiễm virus-PV)”.

Khi được hỏi liệu số người thiệt mạng vì dịch bệnh có giảm xuống nếu ông thẳng thắn hơn về sự nguy hiểm của virus, Tổng thống đã quảng cáo về những nỗ lực của chính quyền: "Tôi nghĩ chúng tôi đã thực hiện mọi khía cạnh của một công việc đáng kinh ngạc. Nếu không đóng cửa đất nước, chúng ta sẽ ghi nhận hàng triệu người thay vì những con số hiện nay."

Toàn cầu vượt mốc 900.000 ca tử vong

Hơn 900.000 người tử vong vì COVID-19 trên thế giới.
Hơn 900.000 người tử vong vì COVID-19 trên thế giới

Theo thống kê của Reuters, số ca tử vong trên toàn cầu do dịch COVID-19 đã vượt quá 900.000 cùng 27,7 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2.

Trung bình mỗi ngày có hơn 5.600 người chết vì COVID-19, dựa trên dữ liệu từ hai tuần qua. Tỷ lệ tử vong đang giữ ổn định, mất 18 ngày để toàn cầu tăng từ 800.000 lên đến 900.000 trường hợp tử vong, trước đó, mất 17 ngày để thế giới tăng từ 700.000 lên 800.000 người chết.

Hoa Kỳ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, với 190.000 người chết và 6,3 triệu bệnh nhân dương tính virus. Brazil đứng ở vị trí thứ hai với hơn 127.000 trường hợp tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với gần 74.000 người chết.

Tỷ lệ tử vong của Ấn Độ khá thấp chỉ khoảng 1%, trong khi Brazil và Hoa Kỳ có tỷ lệ tử vong dao động 3%, phù hợp với mức trung bình của thế giới.

Ngày 8/9, Ấn Độ đã báo cáo thêm 90.802 ca nhiễm mới - mức tăng cao nhất từ trước đến nay - nâng tổng số bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 tại đây lên hơn 4,3 triệu, vượt Brazil trở thành quốc gia đứng thứ 2 toàn cầu về số ca mắc COVID-19.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu dịch bệnh đạt đỉnh. Các quán bar bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 9/9, ngay lập tức ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm mới virus, trung bình hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày trong hai tuần qua.

Châu Mỹ tiếp tục chiếm hơn một nửa số ca tử vong trên toàn thế giới do số người chết cao ghi nhận ở Mexico, Peru, Colombia, Chile và Ecuador.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới SARS-CoV-2, báo hiệu một làn sóng thứ hai của dịch bệnh đang trở lại.

Với gần 3.000 trường hợp mắc mới COVID-19 ở Anh vào cuối tuần qua là mức tăng cao nhất kể từ tháng 5. Trước diễn tiến ngày càng nghiêm trọng, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã ban hành lệnh cấm tụ tập hơn 6 người, yêu cầu người dân trở về từ Hy Lạp, Pháp, Croatia và Tây Ban Nha phải cách ly bắt buộc 14 ngày và cố gắng kiểm soát mức tăng đột biến.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hai 10-09-2020 11:11:11

    Vì không muốn người dân hoảng loạn, ông đã: "virus tự nhiên biến mất một cách tuyệt vời, …", có vẻ việc làm giảm sự nguy hiểm của virus hơi lố, làm cho người dân có ý xem thường, chủ quan, … có thể vì thế mà tình hình càng tồi tệ hơn?!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI