Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh sắp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

27/10/2023 - 11:59

PNO - Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị truyền thống, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống nước Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 1/11 đến ngày 5/11/2023.

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh.
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh

Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh sinh năm 1968, từng thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thư ký Đảng Nhân dân Mông Cổ tháng 1/2010; tiếp xúc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ đăng quang Nhà vua Anh Charles III tại London tháng 5/2023 và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 tháng 9/2021.

Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh là người có tình cảm với Việt Nam, tích cực thúc đẩy thiết lập khuôn khổ quan hệ mới với Việt Nam khi trên cương vị Phó thủ tướng và Thủ tướng Mông Cổ.

Mông Cổ là quốc gia Trung Á, có phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên và đồi núi. Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954.

Tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta lần đầu tiên thăm Mông Cổ.

Tháng 9/1959, Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yu. Tsedenbal dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Mông Cổ thăm Việt Nam.

9/6/1959, Cơ quan đại diện thường trú Mông Cổ được mở tại Hà Nội.

13/02/1960, Cơ quan đại diện thường trú Việt Nam được mở tại Ulaanbaatar.

Năm 1961, Việt Nam và Mông Cổ ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác đầu tiên (hai lần sau vào các năm 1979, 2000). Thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ.

3/12/1979, hai nước thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học và kỹ thuật, đến nay đã tổ chức 18 lần.

Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang ngày 26/10. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mông Cổ
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang ngày 26/10 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mông Cổ

Từ năm 1956 đến 1990, tổng viện trợ Chính phủ của Mông Cổ cho Việt Nam trên 200 triệu tugrik (200 ngàn USD) và trên 1,5 triệu USD (chuyển từ quà tặng 100 ngàn gia súc thành tiền - năm 1959) và trên 900 nghìn tugrik (900 ngàn USD) viện trợ của các tổ chức xã hội, trong đó gồm miễn phí hàng hóa quá cảnh bằng đường sắt; hàng tiêu dùng; đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật; đón nhiều đoàn Việt Nam sang Mông Cổ dự các hội nghị quốc tế, dự các hoạt động của Mông Cổ; (phía Mông Cổ đài thọ toàn bộ chi phí); tài trợ toàn bộ chi phí cho Cơ quan đại diện ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam (từ 1969 -1975).

Về phía nước ta, khi đất nước thống nhất, đặc biệt những năm gần đây, Mông Cổ có khó khăn, Việt Nam đã giúp bạn: Thủ đô Hà Nội cử 55 công nhân xây dựng, 25 công nhân phục chế sang làm việc tại Mông Cổ theo điều kiện như công nhân Mông Cổ; cử 2 chuyên gia nông nghiệp sang Mông Cổ nghiên cứu khả năng trồng lúa cạn và rau quả (năm 1982), 4 chuyên gia cầu đường nghiên cứu thiết kế cầu treo, tặng và lắp đặt 2 máy phát thủy điện 200kW. Viện trợ không hoàn lại: năm 1993: 200.000 USD, năm 1998: 15.000 USD; năm 2000: 10.000 USD, năm 2001: 2.000 tấn gạo. TPHCM tặng tỉnh Khuvsgul (Mông Cổ) 50.000 USD năm 2003, Quốc hội tặng 50.000 USD hiện vật máy vi tính (đã trao tặng tượng trưng trong dịp đoàn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nước ta thăm Mông Cổ tháng 6/2004)…

Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị truyền thống, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau. Từ năm 1992, dù đã chuyển sang chế độ đa nguyên đa đảng, nhưng Mông Cổ vẫn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trong tiếp xúc gần đây, Mông Cổ nhiều lần nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Hiện ta đang xem xét, nghiên cứu đề nghị của Mông Cổ về thiết lập khuôn khổ quan hệ mới “Đối tác toàn diện”.

M.Tâm

 
TIN MỚI