Tổng thống Joe Biden quay lại WHO và Hiệp định Paris

22/01/2021 - 17:02

PNO - Tổng thống Joe Biden chú trọng hợp tác toàn cầu và tìm mọi cách để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong ngày đầu cầm quyền.

Các nhà lãnh đạo thế giới vui mừng khi Mỹ trở lại Hiệp định Paris

Các nhà lãnh đạo thế giới thở phào nhẹ nhõm khi Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang tham gia trở lại nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu, vấn đề mà cựu Tổng thống Donald Trump trong 4 năm qua không xem trọng.

Quyết định này của Tổng thống Joe Biden nằm trong dự đoán của các chuyên gia, bởi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được ông Biden lấy làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình. Và trong ngày 21/1, ngày đầu tại nhiệm, ông Biden đã khởi động một loạt nỗ lực để đưa Washington hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Tổng thống Joe Biden ủng hộ Hiệp định khí hậu Paris.
Tổng thống Joe Biden ủng hộ Hiệp định khí hậu Paris

"Một tiếng kêu đến từ chính hành tinh của chúng ta. Một tiếng kêu không thể tuyệt vọng hơn hay rõ ràng hơn bây giờ" - ông Biden nói trong bài phát biểu nhậm chức của mình. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Tổng thống Biden gia nhập lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đảo ngược chính sách quan trọng của ông Trump trước đó.

“Việc gia nhập Hiệp định Paris là một tin cực kỳ tích cực” - Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay, bày tỏ sự vui mừng.

Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng ủng hộ kế hoạch mới của ông Biden: “Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thách thức của thời đại. Mạnh mẽ hơn để xây dựng tương lai của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh của chúng ta”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hoan nghênh thiện chí của chính quyền ông Biden về vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hoan nghênh thiện chí của chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề chống biến đổi khí hậu

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được các quốc gia ký kết tại thủ đô của Pháp vào năm 2015, cam kết đưa ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính như carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Khi còn cầm quyền, Tổng thống Donald Trump không mặn mà với Hiệp định Paris, thậm chí ông đã đặt ra câu hỏi về những cảnh báo khoa học về sự nóng lên toàn cầu do con người tạo ra, đồng thời cáo buộc các nước sử dụng hiệp định để gây tổn hại cho Mỹ.

Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định vào tháng 11/2020.

Mỹ trở lại Tổ chức Y tế Thế giới

Khác xa những chỉ trích của chính quyền ông Donald Trump, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tham gia kế hoạch COVAX - nhằm đảm bảo việc phân bổ vắc-xin công bằng trên toàn cầu.

Chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức của mình, Tổng thống Joe Biden đã viết một lá thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres, nói rằng Mỹ đã đảo ngược kế hoạch rút khỏi WHO dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2021. 

Tổng thống Joe Biden đảo ngược một loạt chính sách trước đó của ông Donald Trump.
Tổng thống Joe Biden đảo ngược một loạt chính sách trước đó của ông Donald Trump

“Tôi rất vinh dự được thông báo rằng Hoa Kỳ vẫn là thành viên của WHO”, tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia - nói trong cuộc họp trực tuyến của WHO. 

Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của một thành viên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden với quốc tế; đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ và hướng tới một cách tiếp cận hợp tác hơn với trọng tâm là ưu tiên cho cuộc chiến chống COVID-19 trong và ngoài nước.

Ông Fauci chia sẻ thêm, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục “tham gia thường xuyên” với WHO và sẽ “hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với tổ chức”.

Ngay sau tuyên bố thiện chí của Mỹ, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ niềm vui mừng: “Đây là một ngày tốt cho WHO và một ngày tốt cho sức khỏe toàn cầu. Vai trò của Hoa Kỳ với thế giới là rất, rất quan trọng”.

Bên cạnh đó, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề trong cuộc gọi với ông Tedros. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, giảm thiểu các tác động thứ cấp, bao gồm cả đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, tăng cường các biện pháp để ngăn chặn đợt bùng phát tiếp theo của đại dịch trong tương lai.

Chỉ trong ngày tại vị đầu tiên, Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng đảo ngược các chính sách của ông Donald Trump, chú trọng vào sự hợp tác toàn cầu và làm mọi cách để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Hầu hết tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo trên thế giới đều hoan nghênh những kế hoạch mới này của Mỹ và cho biết tìm thấy được tiếng nói chung khi ông Biden cầm quyền.

Chung Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI