Tổng thống Joe Biden: “Nước Mỹ đang trỗi dậy một cách đầy mới mẻ”

29/04/2021 - 11:59

PNO - Tối 28/4, Tổng thống My Joe Biden tuyên bố trong bài phát biểu đầu tiên trước phiên họp chung của Quốc hội rằng "Nước Mỹ đang trỗi dậy một cách đầy mới mẻ".

Tổng thống Biden đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên khi đất nước dần đẩy lùi những khủng hoảng đầy đe dọa, bao gồm đại dịch, khủng hoảng kinh tế, xung đột sắc tộc và bạo lực súng đạn.

Phát biểu trên phương diện cá nhân trong khi yêu cầu thay đổi cơ cấu chi tiêu quốc gia, Tổng thống kêu gọi đầu tư 1,8 nghìn tỷ USD vào trẻ em, gia đình và giáo dục để giúp xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá bởi virus, và cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu.

Ông Biden nói: “Nước Mỹ đã sẵn sàng cho việc cất cánh. Chúng ta đang làm việc trở lại, tiếp nối những giấc mơ, khám phá chân trời mới và sẵn sàng quay lại vị trí dẫn đầu thế giới. Chúng ta đã chứng minh cho nhau và cho thế giới thấy rằng: Nước Mỹ không bỏ cuộc.

Tôi có thể cam đoan với quốc gia rằng, nước Mỹ đang trên đà phát triển trở lại. Biến nguy cơ thành khả năng. Khủng hoảng thành cơ hội. Bước tụt lùi thành động lực”.

Lần đầu tiên, phía sau Tổng thống Mỹ là sự hiện diện của hai người phụ nữ
Lần đầu tiên, phía sau Tổng thống Mỹ là sự hiện diện của hai người phụ nữ

Bài phát biểu của ông diễn ra giữa khung cảnh không giống như bất kỳ bài phát biểu nào khác của những tổng thống tiền nhiệm tại Điện Capitol. Lần đầu tiên, có hai người phụ nữ ngồi sau Tổng thống, đó là nữ phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Ông Biden liên tục nhấn mạnh rằng, kế hoạch của ông sẽ đưa người Mỹ trở lại làm việc, khôi phục hàng triệu việc làm bị mất vì virus. Ông đã đưa ra một đề xuất sâu rộng về phổ cập mầm non, hai năm đại học cộng đồng miễn phí, 225 tỷ USD cho việc chăm sóc trẻ em và trả ít nhất 250 USD hàng tháng cho phụ huynh.

Ý tưởng của ông là nhắm vào những yếu kém đã được phơi bày bởi đại dịch, và ông lập luận rằng tăng trưởng kinh tế tốt nhất sẽ đến từ việc đánh thuế người giàu để giúp đỡ tầng lớp trung lưu và người nghèo.

Mặt khác, bài phát biểu của ông cũng cung cấp thông tin cập nhật về việc chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19, với hàng trăm triệu lượt tiêm chủng và cứu trợ tài chính để giúp bù đắp phần nào sự tàn phá do đại dịch, bởi một loại virus đã giết chết hơn 573.000 người ở Mỹ.

Ông cũng ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của mình, một con số đáng kinh ngạc được tài trợ bởi mức thuế cao hơn đánh vào các tập đoàn.

Nắm bắt cơ hội sinh ra từ tai họa, chiến lược của Tổng thống đảng Dân chủ là tránh sự phân cực và thu hút trực tiếp các cử tri.

Bài phát biểu vào thời điểm quan trọng của ông nhấn mạnh bộ ba lời hứa của chiến dịch tranh cử trung tâm: kiểm soát đại dịch chết người, giảm căng thẳng ở Washington sau cuộc bạo động tại Đồi Capitol và khôi phục niềm tin vào chính phủ như một lực lượng hữu hiệu vì lợi ích nhân dân.

Trong 100 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Biden phải gấp rút giải quyết nhiều vấn đề khó mà quốc gia đối mặt như dịch bệnh, thất nghiệp, vấn đề phân biệt sắc tốc, bạo lực súng đạn và di cư ồ ạt
Trong 100 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Biden phải gấp rút giải quyết nhiều vấn đề khó khăn mà quốc gia  phải đối mặt như dịch bệnh, thất nghiệp, vấn đề phân biệt sắc tộc, bạo lực súng đạn và di cư ồ ạt

Ông Biden cũng đang giải quyết một vấn đề mà hiếm khi một tổng thống Mỹ phải đối mặt, đó là cạnh tranh với các chế độ chuyên quyền như Trung Quốc; khẳng định Mỹ cần "chứng minh rằng nền dân chủ vẫn hoạt động" sau những tuyên bố vô căn cứ của người tiền nhiệm về gian lận bầu cử và cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào Điện Capitol.

Ông phát biểu trong bối cảnh đại dịch đang suy yếu nhưng vẫn gây chết người, tình trạng thất nghiệp đáng kinh ngạc và cuộc tranh luận sôi nổi về bạo lực của cảnh sát đối với người da màu. Ông Biden cũng đề cập đến những vấn đề quốc gia rộng lớn hơn như nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ và kêu gọi Quốc hội hành động về việc định giá thuốc theo toa, kiểm soát súng và hiện đại hóa hệ thống nhập cư của quốc gia.

Trong ba tháng đầu tiên nắm quyền, ông Biden đã ký duyệt gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và đã chuyển khoản thanh toán trực tiếp 1.400 USD mỗi người cho hơn 160 triệu hộ gia đình. Các quan chức dự đoán khoản kinh phí sẽ đủ để mang lại 8,4 triệu việc làm vào năm tới.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI