Tổng thống Joe Biden đề xuất tiêm ngừa COVID-19 cho 70% dân số thế giới trong 1 năm

15/09/2021 - 07:29

PNO - Nhà Trắng cho biết kế hoạch chủng ngừa vắc xin cho 70% dân số toàn cầu trong 1 năm là tham vọng nhưng phù hợp với các mục tiêu hiện có.

Theo báo cáo của New York Times, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ đề xuất mục tiêu tiêm chủng vắc xin cho 70% dân số thế giới trong năm tới tại hội nghị thượng đỉnh về vắc xin toàn cầu vào tháng này.

Mục tiêu của Tổng thống Mỹ phù hợp với tham vọng của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng được đánh giá là khá lạc quan so với kết quả hiện tại và các mục tiêu đặt ra tại cuộc họp G7 ở Cornwall do Thủ tướng Anh, Boris Johnson chủ trì. 

Trước đó, G7 đã đồng ý tài trợ trực tiếp 870 triệu liều vắc xin COVID-19, với nỗ lực phân phối ít nhất một nửa số liều vào cuối năm 2021.

Mục tiêu đề xuất của Tổng thống Joe Biden phù hợp với tham vọng của Ngân hàng Thế giới, IMF, WHO và WHO
Mục tiêu đề xuất của Tổng thống Joe Biden phù hợp với tham vọng của Ngân hàng Thế giới, IMF, WTO và WHO.

Dự thảo của Hoa Kỳ cũng kêu gọi các quốc gia có khả năng tài chính tặng thêm 1 tỷ liều vắc xin COVID-19, ngoài 2 tỷ mà các quốc gia giàu có đã cam kết; đồng thời đảm bảo các nhà lãnh đạo thế giới sẽ chi 3 tỷ USD trong năm 2021 và 7 tỷ USD vào năm 2022 trong việc tài trợ cho các nước có thu nhập thấp chống dịch.

Trong tháng 8/2021, Mỹ đã tài trợ 110 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 65 quốc gia, từ Afghanistan đến Zambia. Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden còn cho biết Mỹ đang mua thêm 500 triệu liều Pfizer để tặng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối tháng, đồng thời nhấn mạnh tiêm chủng toàn cầu là điều cần thiết: “Bạn không thể xây một bức tường đủ cao để giữ chúng tôi an toàn trước COVID-19 ở các quốc gia khác. ”

Thời gian qua, các nước phương Tây liên tục bị buộc tội tích trữ vắc xin dư thừa và thất bại về mặt đạo đức khi cung cấp mũi tiêm tăng cường rộng rãi cho phần lớn dân số, trong khi nhiều đối tượng dễ bị tổn thương ở các nước châu Phi chưa nhận được bất kỳ mũi vắc xin nào.

Tháng này, WHO báo cáo chỉ có 20% người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được tiêm mũi vắc xin đầu tiên so với 80% ở các nước có thu nhập cao. Giải thích về sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin COVID-19 cho cơ chế COVAX trong vài tháng trở lại đây, WHO cho biết khả năng bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới tiếp tục bị cản trở bởi các lệnh cấm xuất khẩu, các nhà sản xuất ưu tiên thỏa thuận song phương với các nước giàu có, những thách thức liên tục trong việc mở rộng quy mô sản xuất...

WHO dự báo tổng cộng 2,6 tỷ liều vắc xin COVID-19 sẽ được phát hành cho các nước thu nhập thấp vào cuối quý đầu tiên của năm 2022.

Minh Hương (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI