Tổng thống Hàn Quốc đứng trước nguy cơ bị luận tội sau tuyên bố thiết quân luật bất ngờ

04/12/2024 - 14:48

PNO - Sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hứng chịu nhiều cuộc tấn công từ đảng đối lập chính, bao gồm yêu cầu luận tội và cáo buộc phản quốc.

Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp trong bài phát biểu trên truyền hình từ văn phòng tổng thống ở Seoul vào ngày 4/12/2024
Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp trong bài phát biểu trên truyền hình từ văn phòng tổng thống ở Seoul vào ngày 4/12/2024

Trong một động thái bất ngờ vào tối 3/12, ông Yoon đã tuyên bố thiết quân luật "khẩn cấp”, cáo buộc các đảng đối lập phá vỡ chức năng của đất nước bằng cách thúc đẩy luận tội các quan chức chính phủ và cắt giảm ngân sách năm 2025.

Tuyên bố được chính thức dỡ bỏ vào khoảng 4g20 sáng ngày 4/12 (giờ địa phương), sau khi Quốc hội Hàn Quốc bác bỏ tuyên bố thiết quân luật trong cuộc bỏ phiếu khẩn với tỷ lệ đồng thuận 190/190 người có mặt, trong đó có cả lá phiếu từ một số nhà lập pháp của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền. Tổng cộng, sắc lệnh thiết quân luật chỉ có hiệu lực trong khoảng 6 giờ.

Tuy nhiên, tuyên bố thiết quân luật ngắn gọn của ông Yoon đã gây sốc cho cả nước khi quân đội xông vào khu nhà Quốc hội. Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm tuyên bố thiết quân luật kể từ khi Hàn Quốc đưa ra chế độ dân chủ hiện tại vào năm 1987.

Hành động này đã đẩy Hàn Quốc vào tình trạng hỗn loạn chính trị và khiến số phận chính trị của chính ông Yoon bị đe dọa khi các nhà lập pháp đối lập công khai kêu gọi cách chức ông.

Đảng Dân chủ đối lập chính (DP) cho biết họ sẽ đệ đơn cáo buộc tội phản quốc đối với ông Yoon cũng như các Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ của ông. Đồng thời họ yêu cầu luận tội những người chịu trách nhiệm về hành động này.

Lãnh đạo đảng DP Lee Jae-myung gọi tuyên bố thiết quân luật là "bất hợp pháp", khẳng định ông Yoon "không còn là tổng thống" của Hàn Quốc.

Quốc hội phải bỏ phiếu về việc có nên tiến hành luận tội đương kim tổng thống hay không trong vòng 72 giờ sau khi động thái này được báo cáo lên phiên họp toàn thể. Ít nhất 2/3 trong số 300 thành viên Quốc hội cần chấp thuận để việc luận tội được thông qua.

DP và các đảng đối lập nhỏ khác đang giữ 192 ghế quốc hội, điều đó có nghĩa là ít nhất 8 trong số 108 nhà lập pháp của đảng PPP cần ủng hộ việc luận tội để động thái này được thông qua.

Nếu thành công, Tòa án Hiến pháp sau đó sẽ phán quyết liệu việc cách chức ông Yoon có hợp lý hay không.

Trong quá trình thảo luận của tòa án, quyền hạn theo hiến pháp của tổng thống sẽ bị đình chỉ và Thủ tướng Han Duck-soo, với tư cách là quan chức số 2 trong chính phủ, sẽ đảm nhiệm trách nhiệm của tổng thống.

Park Chan-dae - lãnh đạo phe đối lập chính, Đảng Dân chủ - phát biểu trước tòa nhà Quốc hội ở Seoul vào ngày 4/12/2024, kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức
Park Chan-dae - thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ - phát biểu trước tòa nhà Quốc hội ở Seoul vào ngày 4/12/2024, kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức

Lee Jae-myung, lãnh đạo của Đảng Dân chủ đối lập chính, phát biểu sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết vào ngày 4 tháng 12 năm 2024, yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol hủy bỏ tuyên bố về tình trạng thiết quân luật khẩn cấp
Lee Jae-myung - lãnh đạo của Đảng Dân chủ đối lập - phát biểu sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết vào ngày 4/12/2024, yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol hủy bỏ tuyên bố về tình trạng thiết quân luật khẩn cấp

Trong khi một số nhà lập pháp PPP bỏ phiếu chống lại tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon, vẫn chưa chắc chắn liệu họ có đứng về phía các đảng đối lập trong việc ủng hộ quá trình luận tội ông hay không.

Han Dong-hoon - lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền - cho biết, các nhà lập pháp PPP phần lớn nhất trí giải tán Nội các và sa thải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng lại chia rẽ về việc có nên kêu gọi ông Yoon rời khỏi đảng hay không.

Theo văn phòng tổng thống, các trợ lý cấp cao của Tổng thống Yoon Suk Yeol, bao gồm Chánh văn phòng Tổng thống Chung Jin-suk, Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won-sik, Chánh văn phòng phụ trách chính sách Sung Tae-yoon, cũng như 7 trợ lý cấp cao khác đã đề nghị từ chức hàng loạt vào ngày 4/12.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được bầu vào tháng 5/2022 với tỷ lệ sít sao so với lãnh đạo đảng DP Lee Jae-myung. Ông đã phải đối mặt với những thách thức liên tục từ các đảng đối lập và chia rẽ nội bộ trong đảng bảo thủ của mình, một phần là do những tranh cãi liên quan đến đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Tuyên bố thiết quân luật đột ngột của ông gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị và khiến các đồng minh quốc tế lo ngại, bao gồm cả Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này vẫn mong đợi "những bất đồng chính trị (tại Hàn Quốc) sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp quyền".

Các nhóm dân sự tổ chức cuộc biểu tình tại trung tâm thành phố Seoul vào ngày 4/12/2024 để lên án tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp của Tổng thống Yoon Suk Yeol
Các nhóm dân sự tổ chức cuộc biểu tình tại trung tâm thành phố Seoul vào ngày 4/12/2024 để lên án tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp của Tổng thống Yoon Suk Yeol

Tấn Vĩ (theo Yonhap)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI